Trung Quốc ra ‘yêu cầu nóng’ với quân đội Myanmar

Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar thắt chặt an ninh đường ống dẫn dầu và khí đốt trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính biến diễn ra.

Yêu cầu nóng của Trung Quốc với quân đội Myanmar: Lợi ích sát sườn của Bắc Kinh lâm nguy - Ảnh 2.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết bản ghi nhớ tại Phủ tổng thống ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar, ngày 18/1/2020 (Ảnh: AP)

Tài liệu bị rò rỉ thu được tiết lộ rằng hồi cuối tháng 2, Trung Quốc yêu cầu tăng cường an ninh xung quanh đường ống dẫn dầu và khí đốt và giúp khuyến khích các phương tiện truyền thông đưa tin tích cực hơn về Trung Quốc trong cuộc họp ngày 23/2 với các quan chức Myanmar.

Tài liệu cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ tưởng như gần gũi, thân cận giữa hai láng giềng.

Ngay sau đó, các tướng lĩnh của Myanmar đã thuê một nhà vận động hành lang để công khai “tách biệt” chính quyền của họ với Trung Quốc.

Khin Zaw Win, người sáng lập Viện Tampadipa ở Yangon, nói rằng việc Trung Quốc tìm kiếm sự đảm bảo từ chính quyền quân sự Myanmar là động thái “tồi tệ nhất” trong thời điểm hiện nay, khi các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng.

Biểu tình nổ ra nhằm phản đối cuộc chính biến ngày 1/2, sau khi quân đội tuyên bố phản ứng nhằm vào tình trạng gian lận cử tri trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11/2020. Hơn 80% cử tri ủng hộ đảng thân dân chủ của nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, Aung San Suu Kyi. Ủy ban bầu cử của Myanmar đã bác bỏ các cáo buộc gian lận vào ngày 28/1.

Các cuộc biểu tình hàng ngày bắt đầu vào ngày 6/2 và tiếp diễn đến nay. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kêu gọi quân đội không sử dụng bạo lực với người biểu tình, trong khi Mỹ và các nước phương Tây kêu gọi Trung Quốc lên án quân đội Myanmar, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh quá mềm mỏng với lực lượng này.

Theo Strait Times (Singapore), tâm lý tiêu cực nhằm vào Trung Quốc đã leo thang tại Myanmar sau vụ chính biến 1/2. Những người phản đối chính biến cho rằng Trung Quốc đang không lên án quân đội Myanmar đủ mạnh mẽ như phương Tây đang làm.

Đỉnh điểm căng thẳng là vụ tấn công, cướp bóc và đốt phá chiều 14/3 vừa qua nhằm vào hàng loạt nhà xưởng của Trung Quốc đầu tư ở thành phố Yangon, làm ít nhất 37 công xưởng thiệt hại và 3 người Trung Quốc bị thương.

Yêu cầu "nóng" của Trung Quốc với quân đội Myanmar: Lợi ích sát sườn của Bắc Kinh lâm nguy

Tiếng nói chung

Trung Quốc – có quan hệ hợp tác với Myanmar trong các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để phát triển cơ sở hạ tầng – đã nhiều lần nói từ đầu tháng 2 rằng các hành động của quân đội và các cuộc biểu tình phản đối là “chuyện nội bộ” của Myanmar, gần đây nhất là khi Ngoại trưởng Vương Nghị trả lời báo chí bên lề kỳ họp của Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Điều đó đã thay đổi hôm 10/3 khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) thông qua một Tuyên bố Chủ tịch nhận được sự đồng thuận của tất cả 15 thành viên hội đồng, bao gồm cả Trung Quốc, kêu gọi đảo ngược cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

Tuyên bố lên án mạnh mẽ bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa và kêu gọi quân đội “kiềm chế tối đa”. Tuyên bố Chủ tịch thấp hơn một bậc so với Nghị quyết nhưng trở thành một phần của hồ sơ chính thức của UNSC – cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân nói rằng “điều quan trọng là các thành viên Hội đồng phải có tiếng nói chung”, và tuyên bố rằng đã đến lúc giảm leo thang, ngoại giao và đối thoại.

Tuyên bố cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo chính phủ, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, những người đã bị giam giữ kể từ vụ chính biến.

Yêu cầu của Trung Quốc với quân đội Myanmar

Yun Sun, thành viên cấp cao và đồng giám đốc Chương trình Đông Á và giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, Mỹ, chỉ ra rằng “đối với tuyên bố của chủ tịch UNSC, xin lưu ý rằng điều mà tổ chức này lên án là ‘bạo lực’, chứ không phải quân đội Myanmar.”

Lưu ý rằng “sự khác biệt là rất quan trọng”, bà Yun nói: “Sự thất vọng của người Trung Quốc đối với xung đột nội bộ và sự bất ổn ở Myanmar đang gia tăng nhanh chóng – về mọi mặt, những điều này đều làm hại lợi ích của Trung Quốc ở đất nước và uy tín quốc tế của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ từ bỏ nguyên tắc không can thiệp của mình, đồng ý với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và sự can thiệp của quốc tế.”

Bà Yun cho rằng mối quan hệ của Trung Quốc với quân đội Myanmar chỉ phản ánh sự “thân thiện” so với mối quan hệ của các nước phương Tây với quân đội.

“Ở Myanmar, bạn có thể nói rằng Trung Quốc có quan hệ thân thiện hơn với đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD),” bà nói.

“Chính chính phủ Thein Sein đã đình chỉ các dự án của Trung Quốc và kích động thái độ bài Trung Quốc, và chính chính phủ NLD [do bà Suu Kyi dẫn dắt] đã giúp Trung Quốc sửa chữa danh tiếng và lấy lại ảnh hưởng ở Myanmar.”

Tài liệu bị rò rỉ từ cuộc họp ngày 23/2 cho thấy mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nước láng giềng.

Theo biên bản cuộc họp, Bai Tian, Tổng giám đốc Cục An ninh Đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar đảm bảo an ninh cho dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Myanmar sang Trung Quốc, một yếu tố quan trọng trong các dự án BRI.

Biên bản nói rằng “Nếu đường ống này gặp nguy hiểm” thì khoản đầu tư của Trung Quốc vào dự án “sẽ gặp nguy hiểm”.

Biên bản cũng ghi về việc Bai yêu cầu quân đội Myanmar gây sức ép cho giới truyền thông Myanmar “chỉ viết về Trung Quốc theo cách tích cực”.

Phản ứng dữ dội của cư dân mạng

Kể từ năm 2004 khi Myanmar và Trung Quốc bắt đầu thảo luận về kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu và khí, dự án đã gây tranh cãi, làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối ở Myanmar do những lo ngại về môi trường và việc thu xếp đền bù không thỏa đáng cho người dân địa phương, tạo điều kiện cho thái độ bài Trung Quốc trỗi dậy.

Cư dân mạng Myanmar bày tỏ phản ứng dữ dội bằng đe dọa làm nổ tung đường ống kép, phá hủy các dự án BRI khác ở Myanmar hay tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc.

Một bài đăng viết: “Trung Quốc, nếu các vị vẫn cho là những gì đang xảy ra ở Myanmar là chuyện nội bộ, thì việc cho nổ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đi qua Myanmar cũng là chuyện nội bộ của chúng tôi.”

Một người khác nói, “Trung Quốc thân mến, chúng tôi không còn có thể cung cấp khí đốt tự nhiên nữa, do đó chúng tôi đồng ý cho nổ tung đường ống. Đây là công việc nội bộ của chúng tôi, xin đừng phiền chúng tôi.”

Người vận động hành lang của các tướng lĩnh

Đối mặt với những người biểu tình trên đường phố và sự giận dữ trên mạng, các tướng lĩnh Myanmar đã thuê nhà vận động hành lang người Canada gốc Israel, cựu quan chức tình báo quân đội Israel, Ari Ben-Menashe để tạo khoảng cách giữa chính quyền quân sự và Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Mỹ.

Chính quyền quân sự Myanmar trả cho Ben-Menashe và công ty vận động hành lang Canada Dickens & Madson 2 triệu USD để “hỗ trợ giải thích tình hình thực tế”.

Ben-Menashe nói với Reuters hôm 6/3 rằng bà Suu Kyi đã trở nên quá thân cận với Trung Quốc so với mong muốn của giới quân sự.

“Có một động lực thực sự để hướng tới phương Tây và Mỹ thay vì cố gắng xích lại gần hơn với Trung Quốc. Họ không muốn trở thành một con rối của Trung Quốc,” Ben-Menashe nói. “Họ muốn thoát ra khỏi chính trị hoàn toàn… nhưng đó là một quá trình.”

Bà Yun Sun nói, “Đây cũng là lập luận đã được đưa ra hồi năm 2011 – rằng Myanmar không muốn nằm trong tay Trung Quốc. Nhưng với mức độ nghiêm trọng của cuộc đảo chính và bạo lực, tôi nghi ngờ rằng lập luận sẽ đạt được nhiều sức hút.”

Ông Khin Zaw Win cho rằng các tướng lĩnh không chìa ra “cành ô liu nào cả” và bình luận của Ben-Menashe là “thủ đoạn để tránh áp lực nhiều hơn từ phương Tây”.

Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, nhận định về cơ bản chính quyền quân sự không thể cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Kể từ cuộc đảo chính, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quân đội Myanmar. Gần đây nhất là hôm 1/3, Bộ Tài chính Mỹ áp trừng phạt đối với Aung Pyae Sone và Khin Thiri Thet Mon, hai người con của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing – người đã lãnh đạo cuộc đảo chính và trở thành người đứng đầu Hội đồng Hành chính Nhà nước cầm quyền. Theo website của Bộ, Mỹ còn đưa 6 công ty mà hai người này sở hữu hoặc kiểm soát vào danh sách trừng phạt.

Hôm 11/2, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã cấm vận 10 cá nhân và 3 tổ chức “đóng vai trò hàng đầu” trong việc lật đổ chính phủ dân sự ở Myanmar.

Từ khóa: ,
Bài viết liên quan