TQ xây “thần tốc” đập vòm lớn nhất thế giới, thời gian chỉ bằng nửa Tam Hiệp

Khi đập thủy điện mới nhất của Trung Quốc hoàn thành vào tháng 7, nó sẽ sản xuất lượng năng lượng gấp 16 lần đập Hoover ở Mỹ.

TQ xây "thần tốc" đập vòm lớn nhất thế giới: Thời gian xây chỉ bằng nửa đập Tam Hiệp, chất lượng ra sao?
Ảnh chụp từ trên không của đập Bạch Hạc Than, dự kiến sẽ tạo ra hơn 60 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm sau khi đi vào hoạt động vào tháng 7. 

Con đập khổng lồ

Cao gần 300 mét và được làm bằng hơn 8 triệu mét khối bê tông, đập Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa còn được biết đến là thượng nguồn của sông Dương Tử. Đập này sẽ cung cấp điện cho các hộ gia đình, cho các văn phòng làm việc và thậm chí cho cả những nhà máy ở những địa điểm xa xôi như Giang Tô – một tỉnh ven biển cách đó hơn 2.000 km về phía đông.

Tốc độ xây dựng “thần tốc” của dự án ở tây nam tỉnh Tứ Xuyên khiến các chuyên gia phải kinh ngạc. Bất chấp nhiều khó khăn về kỹ thuật dân dụng, bao gồm địa hình hiểm trở và vị trí hẻo lánh, việc xây dựng đập Bạch Hạc Than chỉ mất 4 năm.

“Theo tôi, đây có thể là dự án thủy điện thách thức nhất từ trước đến nay”, Deng Jianhui, giáo sư Trường Đại học Tài nguyên nước và Thủy điện Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, cho biết.

Đập Tam Hiệp, với chiều cao thấp hơn và vị trí thuận tiện hơn, phải mất 8 năm kể từ khi bắt đầu đổ xi măng vào năm 1998 cho đến khi hoàn thành. Tam Hiệp vẫn là đập lớn nhất thế giới, trong khi Bạch Hạc Than đứng thứ hai. Nhưng đập Bạch Hạc Than là đập vòm lớn kỉ lục và có cấu trúc vòm phức tạp hơn để thích ứng với các hẻm núi sâu.

“Kể từ sau đập Tam Hiệp, rất nhiều kinh nghiệm đã được rút ra để thực hiện việc xây dựng đập thủy điện hiệu quả hơn ở Trung Quốc. Bạch Hạc Than là minh chứng mới nhất và rõ ràng nhất”, Deng nói.

Con đập trị giá 170 tỷ nhân dân tệ (26,1 tỷ USD) sẽ bắt đầu phát điện vào ngày 1/7, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản. Nó sẽ có thể sản xuất hơn 62 terawatt giờ điện mỗi năm và giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 52 triệu tấn, giúp nước này đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.

Tuy nhiên, sau khi những nền nóng đầu tiên cho quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2017, đã có những lo ngại về việc liệu dự án có thể đáp ứng được thời hạn đầy tham vọng trong xây dựng hay không. Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 vào đầu năm ngoái khiến nhiều người lo lắng hơn, cho rằng chất lượng có thể bị giảm sút để đảm bảo tiến độ.

Theo nhóm dự án, điều làm nên sự khác biệt của dự án Bạch Hạc Than là việc sử dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hầu hết tất cả mọi người liên quan, từ công nhân công trường đến kỹ sư, thanh tra chất lượng và quản lý cấp cao, đều được kết nối bởi một hệ thống AI thông minh hơn mỗi ngày.

Hé lộ át chủ bài

Trong một bài báo được xuất bản tháng này trên Tạp chí Đại học Thanh Hoa, nhóm dự án do kỹ sư cấp cao Tan Yaosheng đứng đầu cho biết AI đã “cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động và lập kỷ lục thế giới về xây dựng đập vòm”.

Trước đây, việc ra quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà quản lý dự án, nhưng ngay cả người quản lý có kinh nghiệm và chăm chỉ nhất cũng không thể xử lý tất cả các luồng thông tin trong 24 giờ một ngày. Ví dụ, việc điều phối hàng nghìn xe tải trên toàn bộ địa điểm là một nhiệm vụ vượt quá cả năng lực của những nhà quy hoạch giỏi nhất.

Với tính toán của con người, quá nhiều xe tải đổ vào một điểm đổ xi măng có thể dẫn đến việc xếp hàng dài chờ đợi, dễ làm chậm tiến độ xây dựng. Để khắc phục vấn đề này, AI đã sử dụng định vị vệ tinh và mạng 4G để cho mỗi người lái xe biết đi đâu và khi nào.

Hệ thống liên tục điều chỉnh lưu lượng bằng cách giám sát các trạm trộn xi măng, máy cáp, nhu cầu thời gian thực trên địa điểm và thiết lập lại các tuyến đường ngay lập tức nếu được yêu cầu. Tan và các đồng nghiệp của ông cho biết rất hiếm khi xảy ra tai nạn, vì AI sẽ “đưa ra cảnh báo sớm và chuyển thông tin đến nhân sự quản lý địa điểm để ngay lập tức giải quyết vấn đề”.

Nứt đập là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một con đập, và chúng có thể xuất hiện trong quá trình xây dựng. Khi xi măng gặp nước, nó sẽ giải phóng một lượng nhiệt lớn và nếu nhiệt độ ở các phần khác nhau của đập có sự thay đổi, các vết nứt sẽ “hiện hình”. Theo nghiên cứu của kỹ sư Tan, nhờ sự kiểm soát chính xác của AI về quy trình trộn, đổ và làm nguội xi măng, đã không tìm thấy vết nứt nào khi thanh tra chất lượng.

Một nhà khoa học thủy điện của Đại học Thanh Hoa cho biết việc sử dụng AI trong xây dựng đập là xu hướng cần thiết, nhưng tầm quan trọng của công nghệ này không nên được phóng đại quá đà.

“Yếu tố con người vẫn là số 1. Một cỗ máy thông minh có thể cải thiện hiệu quả, nhưng nó không thể thay thế sự chăm chỉ và siêng năng của con người. Phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể tạo ra cảm giác an toàn ảo”, nhà nghiên cứu đề nghị giấu danh tính cho hay.

Dự án Bạch Hạc Than cũng gây tranh cãi lớn trong cộng đồng dân cư. Hơn 100.000 cư dân đã được di dời khỏi khu vực bị ngập lụt và một số nhà bảo vệ môi trường đã phản đối rằng môi trường sống của các loài động thực vật quý hiếm sẽ bị phá hủy khi nước bắt đầu dâng cao trong tháng này.

Một số nhà nghiên cứu cũng lo lắng con đập sẽ ảnh hưởng thêm đến các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và các loài thủy sinh khác ở hạ lưu sông Dương Tử, con sông lớn nhất Trung Quốc.

Bài viết liên quan