TQ như “ngày tận thế”: Bầu trời khi vàng cam khi xám đặc, người dân bị “nhốt trong hiểm họa”

Hàng loạt tỉnh thành phía Bắc Trung Quốc đang phải đối mặt với hiểm hỏa thiên nhiên khắc nghiệt nhất trong 10 năm trở lại đây.

“Như ngày tận thế”

Trong kỳ họp Lưỡng hội tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp đoàn đại biểu đến từ Nội Mông và kêu gọi họ kiên trì đấu tranh để cải thiện môi trường.

Ông nói: “Chúng ta phải giữ vững quan điểm nước xanh núi xanh chính là núi vàng núi bạc”.

Tuy nhiên, bắt đầu từ hôm thứ Hai (15/3), một khu vực rộng lớn của Trung Quốc đã gặp phải tình trạng thời tiết cực đoan: Bão cát!

Theo thông tin do Cục Khí tượng Quốc gia Trung Quốc công bố, trận bão cát mạnh nhất trong một thập kỷ đã quét qua phần lớn miền bắc Trung Quốc, kéo dài từ Tân Cương đến biển Bột Hải, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy, trường học ở một số thành phố phải đóng cửa và hàng chục triệu người bị “nhốt” trong tình trạng không khí khắc nghiệt.

Trước khi cơn bão cát này xuất hiện, đã có một đợt mây mù kéo dài trong nhiều tuần khiến nhiều người liên tưởng đến “ngày tận thế” mà Trung Quốc thường gặp phải cách đây vài năm. Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đối phó với vấn đề đã trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị và sức khỏe cộng đồng.

Các biện pháp này đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí, đặc biệt là ở các khu vực lân cận thủ đô. Nhưng trong tuần này, người dân Trung Quốc đang phải gánh chịu sự ngột ngạt đến từ ba tác động: Sự phục hồi của ngành công nghiệp sau đại dịch Covid-19, tác động liên tục của biến đổi khí hậu đối với các vùng sa mạc phía bắc Trung Quốc và thời tiết gió mùa đông bắc.

“Bắc Kinh trông giống như một cuộc khủng hoảng sinh thái”, Lý Thạc, Giám đốc Greenpeace China chia sẻ.

Ông này cho biết, cơn bão hôm thứ Hai là “kết quả của sự suy thoái đất và sinh thái ở phía bắc và phía tây Bắc Kinh”. Ông cũng nói năm nay, các chất ô nhiễm công nghiệp xung quanh Bắc Kinh đã vượt quá mức trung bình hàng năm của bốn năm qua.

Chính phủ TQ cảnh báo

Trận bão cát này được kích hoạt bởi cơn bão tuyết dữ dội quét qua Mông Cổ vào cuối tuần trước. Một trận bão tuyết ở Mông Cổ đã khiến tháp truyền tải điện bị sập, cắt nguồn cung cấp điện ở một số khu vực và khiến ít nhất 9 người thiệt mạng.

Tại Bắc Kinh, nhà chức trách đã nhắc nhở người già, trẻ em và những người mắc bệnh giảm các hoạt động ngoài trời, đồng thời nhắc nhở những người khác tránh các hoạt động ngoài trời không cần thiết. Cơn bão cát biến không khí vào buổi sáng thành màu vàng cam và vào buổi chiều thành màu xám đặc. Loại thời tiết này dự kiến ​​sẽ tiếp tục kéo dài cho đến sáng thứ Ba.

Trước hình thái thời tiết cực đoan này, người dân Trung Quốc có phản ứng rất khác nhau.

Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc lan truyền bức ảnh ghép tòa nhà trụ sở mang tính biểu tượng của Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc với hình ảnh từ bộ phim khoa học viễn tưởng “Blade Runner 2049” năm 2017. Bức khác thì cho thấy các tàu vũ trụ và các nhân vật trong loạt phim siêu anh hùng Nhật Bản “Ultraman” diễu hành trên những con phố âm u của Bắc Kinh.

Do chất lượng không khí được cải thiện trong những năm gần đây, đây là lần đầu tiên những người mới đến Bắc Kinh được trải nghiệm loại không khí này.

Tử Cấm Thành Bắc Kinh chìm trong “biển cát”. Ảnh: NYT

“Tôi đã không thể nhìn thấy tòa nhà trước mặt nữa”, Vương Uy, một sinh viên tốt nghiệp đại học 23 tuổi, cho biết. Anh mới chuyển từ Hà Nam đến Bắc Kinh. “Không ngờ bầu trời lại có thể có màu vàng như vậy”.

Môi trường vẫn là một vấn đề nan giải đối với giới chức Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi một “cuộc cách mạng xanh” trong nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái, ông cam kết sẽ đẩy nhanh nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm lượng khí thải carbon, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh tiếp tục đặt phát triển kinh tế lên hàng đầu, vấn đề ô nhiễm đã trở thành một thách thức vô cùng lớn.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Trung Quốc được cho là do sản xuất thép và xi măng gia tăng. Theo The New York Times, nhiều tổ chức môi trường hoài nghi trước kế hoạch phát triển 5 năm mới được thông qua tại cuộc họp ở Bắc Kinh vì nó không bao gồm các đề xuất cụ thể hơn để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trước lời thúc giục của ông Tập Cận Bình, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đối với thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc ở tỉnh Hà Bắc, sau khi phát hiện ra bốn nhà máy thép không đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải .

Tại Nội Mông, phiên bản Nhân dân Nhật báo địa phương đã xuất bản một ấn bản liên quan đến kế hoạch phòng chống sa mạc hóa, đây là một trong những nguyên nhân gây ra bão cát. Hôm thứ Hai khi ấn phẩm này xuất hiện, tình cờ là ngày Trung Quốc phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất trong nhiều năm.

“Cát vàng đang rút đi và những cây xanh đang dần đổ bóng mát”, tiêu đề bài báo khẳng định.

Hiện nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh, 17 tỉnh thành ở Trung Quốc đã xuất hiện bão cát. Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc vừa đưa ra cấp độ cảnh báo màu xanh cho hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt này. Theo quan trắc khí tượng, đợt không khí lạnh vào ngày 19-20/3 tới có thể sẽ kéo theo một đợt bão cát khác.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết liên quan