Sập bẫy vaccine của TQ, Philippines hứng chịu đòn đau trên biển Đông?

Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines hôm 24/3 chất vấn về liên hệ giữa việc Trung Quốc tặng vaccine Covid-19 cho Manila và vụ hơn 200 tàu nước này tụ tập ở biển Đông thời gian qua.

Phó Chủ tịch Hạ viện Philippines Rufus Rodriguez cho biết chuỗi sự kiện này đang gây tò mò. Ông nói rằng việc Trung Quốc tặng vaccine Covid-19 cho Philippines không đồng nghĩa Bắc Kinh có thể thực hiện những hành vi “xâm phạm”.

“Chuỗi sự kiện này khiến nhiều người trong chúng tôi tự hỏi liệu có mối liên hệ nào giữa việc tặng vaccine và vụ xâm phạm mới nhất của Trung Quốc ở biển Đông, liệu chúng ta có đang trao đổi tài nguyên biển để lấy vaccine?” Rodriguez nói trong một tuyên bố.

“Chúng tôi rất biết ơn Trung Quốc đã tặng vaccine, nhưng chúng tôi phải lên án một cách mạnh mẽ nhất có thể sự xâm nhập mới nhất của họ vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi,” ông này nói, nhấn mạnh việc tặng vaccine của Bắc Kinh “không phải là lý do” cho hành động xâm nhập trên biển Đông.

Chính phủ Philippines gửi công hàm phản đối ngoại giao để phản đối sự xâm phạm của Trung Quốc hồi đầu tuần, sau khi khoảng 220 tàu cá được cho là “dân quân biển” Trung Quốc bị phát hiện neo đậu gần Đá Ba Đầu – thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, do Philippines chiếm đóng trái phép.

Rodriguez cũng đặt câu hỏi về lời giải thích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng đội tàu đánh cá của họ chỉ trú ẩn ở khu vực bãi đá ngầm do điều kiện biển động.

“Nếu đúng như vậy, họ phải rời khỏi khu vực này, vì họ đã neo đậu ở đó hơn hai tuần nay rồi. Mục đích của họ ở đó là gì?” – ông nêu.

Rufus Rodriguez nhắc lại lời kêu gọi đối với các nhà lập pháp trong Hạ viện và cả Thượng viện Philippines về việc cần phải thông qua dự luật xác định các vùng biển và lãnh thổ hàng hải của quốc gia, nhằm buộc Trung Quốc lưu ý đến việc phân định như vậy.

Ông cho biết việc ban hành biện pháp này cũng sẽ “chống lại luật hải cảnh mới của Trung Quốc”, đạo luật cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc nổ súng vào các mục tiêu trên biển Đông, bao gồm tàu thuyền nước ngoài.

Nhật Bản và Philippines đã gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền sai trái mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông, đồng thời chỉ trích luật hải cảnh gây nguy hiểm cho các hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế trong vùng biển này.

Mỹ, Anh, Đức cùng một số quốc gia khác đã điều động tàu quân sự tới biển Đông nhằm thách thức và vô hiệu hóa đạo luật của Trung Quốc.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Từ khóa:
Bài viết liên quan