Biển Đông dậy sóng khi Pháp tăng cường hiện diện ở biển Đông: Mỹ như “hổ mọc thêm cánh”, TQ rơi vào thế gọng kìm

Pháp đang đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Biển Đông với cách tiếp cận cân bằng chiến lược nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Hoạt động của tàu ngầm Pháp

Sau khi đưa tàu ngầm hạt nhân Émeraude và tàu hậu cần hải quân Seine đi qua Biển Đông vào đầu tháng 2, Pháp tiếp tục cử một tàu đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf tới vùng biển này trong sứ mệnh Jeanne d’Arc hàng năm – bắt đầu vào ngày 18/2. Đây được cho là cách Pháp gây áp lực đối với yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Pháp tăng cường hiện diện ở biển Đông: Mỹ như "hổ mọc thêm cánh", TQ rơi vào thế gọng kìm

Theo giới quan sát, từ động thái này, có thể thấy Pháp đang thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2019, trong đó nước này khẳng định tăng cường hiện diện trong khu vực và bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.

Các tàu của Pháp sẽ tránh đi qua eo biển Đài Loan – nơi hiện là tâm điểm trong căng thẳng Mỹ-Trung – nhưng có vẻ như phía Pháp không loại trừ việc thay đổi lộ trình của họ.

Khi được hỏi liệu có định đi qua eo biển Đài Loan hay không, Thuyền trưởng Arnaud Tranchant nói với Naval News rằng ông tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của các vùng lãnh thổ gần con đường mà hải quân Pháp đang đi, nhưng “chưa lên kế hoạch di chuyển trong khu vực này”.

Antoine Bondaz, thành viên nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho biết: “Không đi qua eo biển Đài Loan là một động thái có lí”.

Đài Loan không được đề cập trong chiến lược an ninh của Pháp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như trong các thông báo chiến lược gần đây của nước này. Trong khi đó, chiến lược lại đề cập đến Trung Quốc 28 lần, thậm chí còn nhiều hơn cả Nga.

Vào tháng 4/2019, việc tàu chiến của Pháp đã đi qua eo biển Đài Loan đã khiến Bắc Kinh tức giận. Vì lí do này, Trung Quốc đã hủy lời mời Pháp tham dự cuộc duyệt binh hải quân để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng hải quân Trung Quốc.

“Nếu Pháp chọn không cho tàu đi qua eo biển Đài Loan lần này, đây chắc chắn có thể được coi là nỗ lực của Paris nhằm cân bằng mục tiêu chiến lược của mình là bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực trong khi cố gắng ngăn chặn rạn nứt quan hệ với Bắc Kinh,” Helena Legarda, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nhận định.

Biển Đông dậy sóng

Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cho đến nay vẫn đang kiềm chế đối với tàu của Pháp ở Biển Đông. Khi được hỏi về chuyến đi của tàu ngầm hạt nhân Pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải.”

Tuy nhiên, ông Uông đe dọa rằng Trung Quốc phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại chủ quyền và an ninh của nước này cũng như phá vỡ hòa bình trong khu vực với cái cớ “tự do hàng hải”.

Zhao Junjie, một chuyên gia nghiên cứu về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định: “Chuyến đi qua Biển Đông của Pháp không có gì đáng ngạc nhiên, nó được thực hiện dựa trên quan điểm của nước này về quyền tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, về những vấn đề cốt lõi nhất, Pháp có thể sẽ không theo chân Mỹ”.

Việc tàu chiến Pháp xuất hiện tại Biển Đông không phải là mới và hoạt động của tàu ngầm Pháp thường xuyên hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác.

Theo các nhà quan sát, Pháp đang báo hiệu rằng họ sẵn sàng phản ứng với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lí của Trung Quốc ở Biển Đông – động thái có thể sẽ nhận được sự hợp tác của các đối tác như Mỹ, Úc và Nhật Bản.

Một nhà phân tích cho rằng mặc dù Pháp không mạnh về quân sự như các nước khác như Mỹ, nhưng Pháp đang cố gắng thể hiện sức mạnh quân sự.

“Kể từ khi ông Biden nhậm chức, ông ấy đã liên tục gây áp lực lên các nước châu Âu. Pháp đã hợp tác với Mỹ để thể hiện sự hiện diện quân sự của mình ở Biển Đông”, chuyên gia nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết cuộc tuần tra gần đây của Pháp đã chứng minh hải quân Pháp có thể triển khai kết hợp với các đối tác chiến lược của mình trong thời gian dài và xa nhà.

Các tàu chiến của Pháp đã đi qua Biển Đông trong sứ mệnh Jeanne d’Arc từ năm 2015 đến năm 2017. Theo SCMP, Pháp đang thể hiện lập trường rất rõ ràng: thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và dựa trên luật pháp. Mục đích của Pháp không phải là ủng hộ chính sách của Mỹ hay phản đối chính sách của Trung Quốc, mà là nhắc nhở mọi quốc gia về các nguyên tắc cơ bản.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài viết liên quan