VNTB – Chiến tranh Nga và Ukraine tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

(VNTB) – Vào ngày 24/2/2022, Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine. Sự kiện này ngay lập tức đã làm giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy vậy về lâu dài, mối căng thẳng giữa hai nước sẽ có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư băn khoăn.

 

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đem đến cả nguy cơ lẫn cơ hội đối với các nhà đầu tư. Ảnh: Shutterstock

Theo góc nhìn của các chuyên gia về chính trị, căng thẳng gần đây giữa Nga vàUkraine là một sự kiện mang tính địa chính trị đã khoanh vùng. Trong tình hình đó, Mỹ và các nước NATO đã xác nhận không tham gia vào cuộc chiến, chính vì vậy khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh trên diện rộng là khá thấp. Cuộc chiến sẽ có những tác động lên nhiều mã của thị trường chứng khoán Việt Nam, đem đến cả nguy cơ lẫn cơ hội đối với các nhà đầu tư.

Trong biến cố này, chúng ta cần quan tâm đến hai lớp tài sản: tài sản mang tính bảo vệ và tài sản mang tính đầu tư. Trong ngắn hạn, những tài sản mang tính bảo vệ có xu hướng tăng giá, đặc biệt là vàng.  Trong khi đó, những sản phẩm mang tính đầu tư với tính rủi ro cao như tiền điện tử lại giảm mạnh (từ 42,000 USD xuống 38,000 USD trong vài phiên giao dịch).

Nếu diễn ra lâu dài, căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ khiến nhiều nước trên thế giới cấm vận Nga trong hoạt động giao thương. Cơ hội sẽ đến với những quốc gia xếp sau Nga về xuất khẩu trong một số ngành hàng cụ thể, như: phân bón, thép thành phẩm, phôi thép, tôn mạ. Như vậy, trong một môi trường ổn định và chính trị, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sẽ hưởng lợi trong việc xuất khẩu sản phẩm thuộc các ngành hàng trên.

Còn về nguy cơ, Việt Nam có khả năng sẽ phải đối mặt với bài toán chuyển đổi thị trường đối với những sản phẩm mà chúng ta xuất khẩu chủ lực vào Nga như thủy sản, rau quả, cà phê thô và cao su.

Nga là nguồn cung dầu, khí đốt chủ yếu trên thế giới, chính vì vậy khi khi nước này bị áp lệnh trừng phạt, khả năng giá dầu trong ngắn hạn sẽ tăng cao. Đây là mặt hàng chiến lược và có tầm quan trọng đặc biệt với nhiều nền kinh tế, nên sớm muộn tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam cũng sẽ tăng đáng kể.

Diễn tiến trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài phiên vừa qua đã một lần nữa chứng minh vai trò quan trọng của tài chính hành vi  lên đến lượng bán mua trên thị trường. Chính tài chính hành vi đã có tác động mạnh mẽ đến những giao dịch trên thị trường trong những sự kiện vừa qua chứ không phải là các chỉ số cốt lõi của tài sản tài chính.

Có thể dẫn chứng như sau: Do 64% kim ngạch xuất khẩu của Nga năm 2021 là nhóm hàng nhiên liệu, nên giá dầu thô tăng sẽ khiến cho những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu dầu được hưởng lợi, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm hóa dầu sẽ chịu thiệt hại. Nhưng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi một sự kiện xảy ra đa phần sẽ làm tăng hoặc giảm giá cả họ mã cổ phiếu. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi Chính phủ chính thức công bố gói chính sách kinh tế phục hồi sau Covid, thiên về chính sách tài khóa. Việc công bố chính thức có tác động làm tăng các mã cổ phiếu của họ bất động sản khu công nghiệp trong thời điểm đó. Đồng ý rằng ngành này cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách, nhưng có phải tất cả các mã đều hưởng lợi hay không lại là một câu chuyện khác vì  những yếu tố như quy mô vốn đầu tư phi nhà nước như thế nào, tỉnh/thành đó có được xếp vào cực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam hay không…. cũng sẽ tác động mạnh đến cổ phiếu ngành này.

Ở một mức độ nào đó cũng có thể nhận định rằng các nhà đầu tư lướt sóng đang chiếm tỷ trọng cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, vào thời điểm này các nhà đầu tư cần tỉnh táo vừa đủ để không những có thể lướt sóng mà còn cắt lỗ khi cần thiết với những cổ phiếu yếu và, chuyển sang trạng thái nắm giữ đối với những cổ phiếu khỏe.

Võ Nguyên Thế Bảo