Formosa Hà Tĩnh thua lỗ 14.000 tỷ, chưa đóng đồng thuế nào và vẫn gây ô nhiễm trầm trọng

Theo con số ghi nhận từ báo cáo tài chính, đến cuối năm 2018, Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế gần 14.000 tỷ đồng. Hiện tại, Formosa cũng cắt giảm 20% sản lượng cán nóng thường xuyên của nhà máy, và giảm giá 25 USD/ tấn cho cuộn cán nóng.

Chọn đầu tư vào Việt Nam, phía Formosa đã nhận được rất nhiều ưu ái, như được thuê diện tích đất rộng lớn gần 3.300 ha trong thời gian 70 năm (dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm) với giá 4,455 triệu USD, tương đương hơn 96,22 tỉ đồng; nghĩa là giá tiền thuê đất chỉ 80 đồng/m2/năm và tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2/năm; mức giá này quá thấp coi như bằng không, do đó Formosa đã trả ngay một lần.

Formosa Hà Tĩnh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại. Trường hợp nếu dự lỗ, Formosa Hà Tĩnh cũng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định.

Sau một năm vận hành lò cao số 2, số liệu cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Formosa đã sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép thô (phôi thép), dành 1,6 triệu tấn để tiêu thụ nội bộ, xuất bán trong nước gần 300.000 tấn và xuất khẩu gần 159.000 tấn. Sản lượng thép thô sản xuất của Formosa chiếm khoảng 40% toàn thị trường. Năm 2018, Formosa sản xuất hơn 5 triệu tấn thép thô, gần 3,44 triệu tấn thép cán nóng HRC (hot rolled coil).

Tuy nhiên báo cáo tài chính cho biết tính đến cuối năm 2018, phía Formosa Hà Tĩnh đã lỗ lũy kế gần 14.000 tỷ đồng, bất chấp việc nhận được nhiều ưu ái trong chuyện chấp nhận công nghệ lạc hậu, đưa đến nhiều rủi ro cho môi trường sinh thái. Tổng tài sản của Formosa Hà Tĩnh tại thời điểm 31-12-2018 là 12,7 tỷ USD, tổng nợ vay hơn 7,55 tỷ USD (175.550 tỷ đồng). Công ty đang có tồn kho hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2017.

Công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh, Formosa Plastic Group – nắm giữ 70% vốn – không có kinh nghiệm trong sản xuất thép, hoạt động chủ yếu của FPG là công nghệ sinh học, chế biến hóa dầu và sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên vào năm 2015, China Steel Company (CSC), đã rót thêm vốn vào Formosa Hà Tĩnh (thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd.), nâng tỷ lệ nắm giữ lên 25%.

Sản phẩm chủ lực của Formosa Hà Tĩnh là thép cuộn cán nóng dùng nhiều nhất là trong ngành công nghiệp đóng tàu. Và đây cũng chính là nghi vấn thép cuộn cán nóng của Formosa Hà Tĩnh nhằm để cung ứng việc đóng tàu sắt cho lực lượng tàu cá của Trung Quốc đang độc chiếm biển Đông lâu nay.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên thiên nhiên là cảng biển nước sâu Sơn Dương cũng đã bị Formosa khống chế và độc quyền khai thác, trong khi chi phí cơ hội của cảng biển Sơn Dương rất lớn.

Nói một cách khác, chủ quyền trên biển của Việt Nam nhìn từ Sơn Dương đang bị phía đối tác Formosa đe dọa, khi phía Bộ Kinh tế Trung Quốc thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd., mà bộ này chiếm 20,05% vốn cổ phần, để trở thành là cổ đông giữ quyền chi phối ở Formosa Hà Tĩnh.

Nguồn: Việt Nam Thời Báo

Từ khóa:
DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan