Nhiệt điện than – kẻ h ủy d iệt nước Việt

Giữa năm 2015, liên tiếp những cuộc “tụ tập đông người” với quy mô chưa từng có tiền lệ đã xảy ra tại Bình Thuận. Nguyên nhân chính bởi những bức xúc chồng chất do ô nhiễm tạo ra từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khiến môi trường sống của dân cư bị bức tử.

Dân địa phương bức xúc không chỉ bởi những ống khói mang bụi phá nát bầu trời, gây các loại bệnh ung thư về đường hô hấp, mà còn bởi các chất độc hại từ bãi tro xỉ đang gây ô nhiễm nước ngầm, bức hại biển và nguồn lợi thủy sản – sinh kế của họ.

Người ta hay nói: “Nếu chứa tro xỉ trong các container tải trọng 30 tấn, đặt trên các toa tàu thì phải cần đến gần 127.000 toa tàu. Đoàn tàu tro xỉ đó sẽ có chiều dài là 1.900km, với đầu máy tại ga Sài Gòn và toa cuối ở ga Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đều đặn mỗi năm với hơn 4 triệu tấn tro xỉ thải ra, điện lực Vĩnh Tân đã tạo ra những đoàn tàu dài như thế.”

Nhưng Việt Nam giờ đây không chỉ có mỗi nhiệt điện Vĩnh Tân, mà còn nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), Duyên Hải (Trà Vinh), Mông Dương (Quảng Ninh), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quỳnh Lập (Nghệ An), Quảng Trạch (Quảng Bình), Hải Dương, Quảng Trị, Long An… và rất rất nhiều nữa. Chúng cũng đang và sẽ tạo ra hàng nghìn “đoàn tàu” tro xỉ khác.

Riêng nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng) và Sông Hậu (Hậu Giang) mà tôi từng nhiều lần ngang qua, không hiểu sao các bác “ở trển” duyệt cho xây mấy cái nhà máy khổng lồ này cặp bên bờ sông Hậu đỏ nặng phù sa – là một trong 2 dòng huyết mạch chính nuôi dưỡng toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long, và ngay giữa một cánh đồng lúa mênh mông trù phú cùng với những vườn trái cây bạt ngàn, rồi một ngày nào đó khi nó chính thức đi vào hoạt động thì tất cả sẽ bị tận diệt. Người dân địa phương sẽ phải đối diện với vấn nạn ung thư và sự kiệt quệ về tài chính, không biết rồi họ sẽ phải trôi dạt về đâu.

Các chất phát thải từ nhiệt điện than trên thế giới từ lâu đã được xác định là thủ phạm gây ra ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất trồng, phá hủy các hệ sinh thái, gây ra bệnh tật cho các cộng đồng dân cư và cả gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Nên năm 2016, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim đã không vô cớ khi có một phát biểu chấn động: “Nếu Việt Nam tiến hành lắp đặt 40 GW nhiệt điện than và toàn bộ khu vực thực thi các kế hoạch nhiệt điện than, tôi nghĩ cuộc sống sẽ kết thúc. Đây sẽ là một thảm họa cho hành tinh của chúng ta”.

Mà cũng khó hiểu là tại sao những kẻ hủy diệt đó ngày càng mọc lên dày đặc như nấm sau mưa trên cái đất nước Việt Nam “đen đủi” này, trong khi cả thế giới gần như ai cũng tẩy chay và xa lánh nó?

Giới chức cho tới lúc này vẫn luôn kêu gọi công luận “không nên cực đoan với nhiệt điện than” với lý do an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng sự cảm thông đó sẽ kéo dài thế nào đây, khi những người dân thấp cổ bé họng cần được sống, cần được mưu sinh trên chính quê hương mình, như tạo hóa đã luôn trao quyền căn bản đó cho họ.

P/s: Bài viết này như thay lời muốn nói cho những người dân trên 2 quê hương của tôi.

(Nguồn: FB Võ Phương Trinh)

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan