Vụ AVG: Bàn tay nhám nhúa nào đứng sao bản án nhạo báng công lý?

Vậy là Phạm Nhật Vũ đã bị tuyên mức án 3 năm tù giam sau khi ‘cướp của dân’ hơn 6.000 tỷ đồng không thành trong phi vụ AVG. So với nhiều vụ xử các kẻ trộm khác mà dù đồ ăn trộm giá trị kém gấp trăm ngàn lần vẫn bị mọt gông, bản án quá nhẹ dành cho Vũ không khác một sự nhạo báng công lý.

Để khỏa lấp sự lố bịch của bản án này, nhiều trò đã được họ bày ra. Nào là 2.000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Vũ. Nào là Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng triệt để các quy định pháp luật để án Vũ được giảm nhẹ. Vô lối hơn cả, báo Pháp Luật đưa tin, luật sư Trần Hoàng Anh xin miễn trách nhiệm hình sự với bị cáo Phạm Nhật Vũ với lý lẽ hết sức ngô nghê ” Thân chủ tôi chủ quan, theo văn hóa Việt biếu quà thể hiện tình cảm mà không ý thức được việc biếu tiền bị coi là hối lộ”. Tuy nhiên, những người bày trò này quên mất một điều rằng cách công chúng đánh giá sự việc không giống những gì họ hình dung.

Theo kết quả điều tra, trong thương vụ gian dối này, Phạm Nhật Vũ đã chủ động ăn cướp tiền của dân hơn 6.000 tỉ đồng, riêng y hưởng lợi 5.850 tỉ đồng, sinh lời còn hơn buôn bán ma túy! Nếu thương vụ gian dối này trót lọt, Vũ dùng vỏ bọc là một tu sĩ ăn chay niệm Phật, dùng chút tiền nhỏ trong số cướp được đó đem cúng dường cho các chùa quốc doanh, các đợt cứu trợ người nghèo thì cả xã hội lầm tưởng rằng y là người tốt, truyền thông tung hô lên tận mây xanh nhưng thực ra hành vi đó chỉ là che đậy hành động cướp mà y đã gây ra! Xét cụ thể vụ đại án này thì Vũ có động cơ lớn nhất: y vừa là chủ mưu, vừa là người có quyền lợi lớn nhất!

Vũ đưa hối lộ để thực hiện phi vụ rút tiền nhà nước thế mà 2.000 tổ chức, cá nhân lại đứng ra xin xỏ cho y. Lý do là hắn đã làm bao nhiêu việc thiện, cúng dường nhiều cho chùa, thế thì sao tin được?

Nghĩ thử xem, từ trước đến giờ Phạm Nhật Vũ làm từ thiện cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức đó mang ơn chứ dân Việt Nam đâu mắc nợ y mà bây giờ phải nhìn thằng cướp thoát tội? Những tổ chức cá nhân nào được Vũ ban phát tiền thì giờ lập đàn cứu tế, cầu cho Vũ ở trong tù thanh thản, chứ tư cách gì mà đòi trả quyền tự do cho y, đòi phóng thích y?

Trong khi các bị cáo nhận hối lộ chịu mức án nghiêm khắc, 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông: ông Trương Minh Tuấn án tù 14 năm; ông Nguyễn Bắc Sơn chung thân sau khi đã nộp lại đủ 66 tỷ tiền ăn hối lộ, thì việc ông Phạm Nhật Vũ, kẻ đưa hối lộ và là kẻ chủ mưu thương vụ cướp này lại chỉ bị Viện kiểm sát đề nghị phạt tù mức án tù giam 3 năm chính là một vết đen, nỗi nhục của ngành tư pháp và luật pháp Việt Nam.

Thiết nghĩ trộm một con vịt cũng ở tù 7 năm được, cướp 2 ổ bánh mì cũng ngồi tù 1 năm thì tội của Vũ có tịch thu toàn bộ gia sản rồi ngồi tù cả đời cũng có gì gọi là quá đáng? Nếu giảm án cho Vũ, một lần nữa cho thấy các công dân không bình đẳng trước pháp luật như Hiến pháp đã nêu. Ai có tiền là có thể mua được tòa án?

Tương tự, ai đời Viện Kiểm sát – bên thực hành quyền công tố, tức buộc tội – lại kể công của bị cáo, không khác gì luật sư? Một phiên tòa công bằng cần hai bên buộc tội và gỡ tội phải đi đến cùng lý lẽ của mình trước tòa để dựa trên đó tòa đưa ra phán quyết. Đằng này, bên công tố lại đóng luôn vai bào chữa cho bị cáo thì còn gì là công bằng?

Bởi vậy, có thể nói những trò bày vẽ nhằm che giấu bản án 3 năm lố bịch kể trên đã thất bại hoàn toàn, nhất là trong mắt công chúng. Thế thì thế lực nào đang thâu tóm công lý, bóp chết công lý khi đưa ra bản án 3 năm tù dành cho Phạm Nhật Vũ? Liệu dân chúng có chấp nhận được bản án phỉ nhổ vào luật pháp thế này không? Sống và làm việc theo pháp luật; Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật… chỉ là những khẩu hiệu suông, tấu hài cho dân coi rồi cười thôi ư?

Nam Anh

Bài viết liên quan