Phần mộ đầy hoa của người đạp xích lô và cây di sản của hai bộ trưởng

Người chủ đồng thời là quản trang không giới thiệu với anh Lưu Trọng Văn phần mộ của công hầu khanh tướng mà là mộ phần của một người đạp xích lô.

Nghĩa trang hoa viên Bình Dương và những người chủ dành những khoảnh đất đẹp tặng cho những người mà họ thích theo những tiêu chuẩn tri ân nào đó mang tính cộng đồng như nhà biên khảo Sơn Nam.

Anh Mười, quản trang kể tiếp: Nghĩa trang có hơn 30.000 ngôi mộ, trong đó có nhiễu ngôi mộ của những người rất nghèo, vô gia cư. Một bà cụ bán vé số nói với bạn, ước gì được chết chỗ mát mẻ này. Tôi nghe được, bảo nhân viên ghi chỗ cụ ở trọ. Khi cụ mất tôi đã rước cụ vô đây, xây cho cụ nơi nằm dưới bóng cây và trồng hoa cho cụ ngắm.

Tôi nghe nói có cụ Bảy mệnh danh là Đệ nhất xích lô Sài Gòn 70 năm đạp xích lô và đêm ngủ trên xích lô. Tôi tìm gặp. Cụ kể mỗi ngày dù mưa nắng cụ cũng có cả chục cuộc chở khách. 70 năm đạp khi 17 tuổi từ quê nhà Gò Công lên SG kiếm sống cho đến 87 tuổi cụ chở không dưới 200.000 lượt khách. Có lượt hai người, có lượt cả gia đình ba người…

Khi cụ mất ở tuổi 94 tôi đã rước cụ an nghỉ ở đây.

Anh em đem chiếc xích lô cụ đạp về cất, thấy ở các ống sắt thành xích lô cụ giấu tiền… những đồng tiền mồ hôi của cụ…”.

Di sản của người cần lao chính là những đồng tiền chân chính mà họ kiếm được bằng sức lao động…

Nhà báo Sơn Bình từ Tuổi Trẻ đã từng viết về người đạp xích lô vua này: ” Tuổi đã ngoài 90, lưng còng run rẩy, ông già cố gượng đẩy chiếc xích lô lăn từng vòng một. Thi thoảng ông cụ lại quỵ xuống, thở hổn hển rồi rướn sức đứng dậy.

Ông kể: Quê tui ở Gò Công Đông, cha mẹ mất sớm nên tự rong ruổi khắp nơi kiếm sống từ thuở bé. Năm 17 tuổi, tui lên Sài Gòn làm thuê ở bến xe miền Tây mấy năm trời mới tích góp được một ít tiền để thuê chiếc xích lô ở Cầu Ông Lãnh mưu sinh.

Phải mất hơn năm năm làm phu xích lô trên mọi ngả đường, tui mới đủ tiền mua chiếc xích lô cho mình, vì thế tui quý nó hơn bất cứ thứ gì trên đời…

Năm ngoái, có một ông khách Tây nặng cả trăm ký nhờ tui chở ra công viên 23-9. Vừa đến đường Nguyễn Thái Học thì chiếc xích lô khựng lại, ông khách quay ra sau đã thấy tui gục đầu. Hốt hoảng, ông khách Tây vội vàng cùng người dân đưa tui đi cấp cứu.

Hôm bữa có một phụ nữ ăn mặc sang trọng thuê tui chở qua quận 4. Vừa đẩy lên được nửa dốc cầu Ông Lãnh thì tự nhiên tôi thở không nổi, đầu óc xây xẩm. Chiếc xe đổ ngược trở lại, tui ngã ngửa ra sau, còn bà ta té nhào xuống đất. Bà khách chửi một tràng rồi vứt vào thùng xe 10.000 đồng.

Ông lồm cồm gượng đứng dậy và lí nhí xin lỗi. Ông nói có thể người đàn bà kia không nhớ, nhưng ông thì nhớ rất rõ. Cách nay hơn 40 năm, ông là người đưa đón bà ta đến trường mỗi ngày”.

(Hết trích dẫn)

Và cuộc sống thật đáng yêu khi những người như anh Mười và những ông chủ của nghĩa trang Hoa viên Bình Dương đã có nghĩa cử rất đẹp như vậy.

Tôi không khỏi nghĩ đến hai bộ trưởng mới bị tòa tuyên án, những cái cây bạc tỉ họ trồng lưu niệm ở một số nơi, ấn chứng của quyền lực và mối quan hệ thân thiết với “chủ đất” giờ thành dở khóc dở cười. Để thì xui lắm còn cưa bỏ thì quá phí tiền và cũng khó coi, làm trò cười cho nhân viên và người dân.

Di sản của họ thì càng tệ hại….

-Nhà báo Hoàng Linh-

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan