Vinachem dưới trướng ông Nguyễn Phú Cường vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục dính tới “Trung Quốc” để rồi lãnh hậu quả

Dù đã mang trong mình “4 cục nợ” (nằm trong 12 dự án yếu kém của ngành Công thương) từ lâu, đến nay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn chưa thể nào thoát khỏi vũng lầy nợ nần khi 4 DN này dự kiến sẽ lỗ tiếp 3.444 tỷ đồng vào quý II/2020. Dù đã được thay máu bằng loạt lãnh đạo mới từ năm 2018, Vinachem mới đây tiếp tục bị bóc trần nhiều sai phạm đến mức Kiểm toán nhà nước phải kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ công an điều tra làm rõ sai phạm tại Tập đoàn hóa Chất Việt Nam.

Từng là một trong những tập đoàn mạnh nhất thuộc ngành Công Thương. Tuy nhiên, dưới tay của ông Nguyễn Anh Dũng và bộ sậu, Vinachem đã tàn tạ đi trông thấy. Sau khi được thay máu toàn bộ dàn lãnh đạo, tân Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết một “di sản” nặng nề khi hàng loạt dự án thua lỗ, dừng hoạt động. Nhưng không, mọi chuyện vẫn y như cũ.

4 dự án thua lỗ, yếu kém của Vinachem nằm trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương tiếp tục tạo ra gánh nặng cho Tập đoàn này khiến tình hình tài chính thêm căng thẳng.

4 doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai, DAP Hải Phòng tiếp tục lỗ khoảng hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ 2019. Trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên sẽ lỗ tới 3.444 tỷ đồng, tăng 33,9% so với kế hoạch. Trong khi, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, chỉ đạt khoảng 1.150 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra. Tính chung toàn tập đoàn, Vinachem sẽ phải gánh khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng chỉ vì chịu 4 “cục nợ” trên vai.

Khách quan mà nói, nếu như lãnh đạo Vinachem phải gánh 4 cục nợ nghìn tỷ từ những vị tiền nhiệm, cộng thêm ảnh hưởng dịch bệnh thì Vinachem đáng được cảm thông. Nhưng không, ngoài việc sa lầy trong nợ nần, Vinachem vừa bị Kiểm toán Nhà nước điểm mặt chỉ tên, yêu cầu đích danh Bộ Công an điều tra liên quan đến việc mua thiết bị có xuất xứ trên hợp đồng là từ EU/G7, nhưng hồ sơ tài liệu nhập khẩu thể hiện xuất xứ của Trung Quốc.

Tân Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường.

Đã từng sa lầy trong vũng bùn vì đại dự án 10.000 tỷ, lỗ đậm 5.000 tỷ vì bị mắc kẹt với đối tác Trung Quốc, tân lãnh đạo Vinachem Nguyễn Phú Cường vẫn chưa rút ra được bài học khi để tập đoàn mình tiếp tục dính líu với sai phạm cũng chỉ vì hai từ “Trung Quốc”?

Kết quả kiểm toán năm 2019 đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1760 tấn/ngày của Vinachem. Cụ thể:

Việc thực hiện các quy định của Hợp đồng EPC và quy định của nhà nước trong quản lý, giám sát, thực hiện nhập khẩu, lắp đặt máy móc, thiết bị của dự án còn chưa đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời: 152 thiết bị nhập khẩu giá trị 50,546 triệu USD không được kê kê khai hải quan để nộp thuế, 2 thiết bị theo hợp đồng xuất xứ là EU/G7 nhưng hồ sơ tài liệu nhập khẩu thể hiện xuất xứ của Trung Quốc; 316 thiết bị có sự thay đổi về thông số kỹ thuật giữa thiết kế, nghiệm thu so với hợp đồng.

Quá trình đàm phán, nhà thầu đề xuất danh mục một số thiết bị, công nghệ có thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ,… thay đổi so với hồ sơ yêu cầu; Sản phẩm chạy thử không được ghi nhận đầy đủ, thiếu hồ sơ tài liệu và không quản lý chặt chẽ.

Công tác mua, quản lý, theo dõi nhập, xuất than phục vụ chạy thử thiếu chặt chẽ, có dấu hiệu sai phạm (nhập than cám 5A không có hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc than; không có chứng từ xuất kho 127.368 tấn than/370.840,77 tấn than đã cấp cho nhà thầu; việc sử dụng than của nhà thầu tại một số thời điểm chưa đúng mục đích chạy thử.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng, mà điển hình nhất là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Mua, cấp than phục vụ chạy thử vượt khối lượng theo quy định tại Hợp đồng EPC: khối lượng than phục vụ chạy thử mà Chủ đầu tư đã cấp cho nhà thầu EPC vượt so với quy định hợp đồng là 251.469 tấn, tương đương 661,219 tỷ đồng.

Việc nhập thiết bị nhập nhằng, mờ ám giữa hàng xịn và hàng kém chất lượng dường như là “khối ú ác tính” khó cắt bỏ của Vinachem. Từ thời của bộ sậu lãnh đạo trước, Thanh tra Bộ Công Thương đã phát hiện một số tờ khai nhập khẩu thiết bị hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi hầu hết các thiết bị phải có xuất xứ từ Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ.

Đó mới là dự án trong nước thôi, hoạt động đầu tư ở nước ngoài của Vinachem cũng chả mấy sáng sủa. Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào của Vinachem coi như đã vứt ra cửa sổ số tiền 10.000 tỷ vì kinh doanh liên tục thua lỗ, không có hiệu quả kinh tế, số phận cũng đang lung lay, chuẩn bị được Bộ Công thương đưa vào danh sách đen các đại án thua lỗ.

Những tưởng qua tay tân Chủ tịch mọi chuyện sẽ được sang trang, nhưng dường như đó là kiểu “ăn lại quả” mà lòng tham của các vị ấy khó cưỡng lại. Nếu như cứ đời lãnh đạo này gây hậu quả nghiêm trọng, lãnh đạo khác lại nối theo bước chân của vị tiền nhiệm thì tương lai Vinachem khó thoát khói đám mây u ám của hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc dân Việt Nam sẽ tiếp tục còng lưng đóng thuế để trả nợ cho những “cục nợ” cứ mãi phình to của những con cưng nhà nước như Vinachem.

Hà Min 

Từ khóa: ,
DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan