Nghị định 112 nhân văn, nhưng đừng để là nó là “Con dao 2 lưỡi” khiến quan chức nhúng chàm hả hê, còn dân thì khóc nghẹn?

Từ khi chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư được khởi xướng, thì có rất nhiều cán bộ tham nhũng trở thành củi và bị cho vào lò bất kể về hưu hay đương nhiệm. Cũng từ đấy người dân bắt đầu chứng kiến không ít những màn kịch dở khóc dở cười của các diễn viên – quan chức tuy không học qua trường lớp nào nhưng diễn còn xuất sắc hơn cả diễn viên chuyên nghiệp. Nay nghị định 112 quy định có liên quan đến việc nhóm lò đốt củi ra đời, có lẽ kịch sẽ không còn vui nữa.

Từ ngày được khởi động, dường như lò cháy không bao giờ tắt. Nay nghe tin xử vụ án này mai nghe xử lý vụ án kia ở hầu hết các tỉnh từ Nam chí Bắc. Bất kể quan to hay nhỏ từ Trung ương đến địa phương, hễ nhúng chàm là đều trở thành củi tất. Nhưng điều đáng nói là các quan chức thời hét ra lửa, thậm chí là làm khuynh đảo chính trường nhưng khi xộ khám thì lại ủy mị.

Là Ủy Viên Bộ Chính trị, khi đứng trước vành móng ngựa vì tội gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ, ông Đinh La Thăng đã nhiều lần khóc khi tự bào chữa cho mình. Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn & Nguyễn Bắc Son lần lượt chịu mức án 14 năm tù và chung thân vì nhận hối lộ, cũng nức nở nói lời sau cùng rằng việc nhận hối lộ là “biến cố cay đắng” trong cuộc đời mình, đồng thời gửi lời xin lỗi nhân dân, xin lỗi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành TT&TT vì những sai phạm mình đã gây ra.

Còn Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị truy tố 10-20 năm tù vì giúp tư nhân thâu tóm đất vàng số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP HCM. Dám làm nhưng không dám nhận, ông đá quả bóng trách nhiệm cho bà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trốn nã tận trời tây. Ấy vậy mà ông Hoàng còn lấy lý do có bệnh lý về tim và bị ung thư xin tình tiết giảm nhẹ.

Không chỉ có lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tỉnh cũng dính chàm vì ăn không kém phần. Đầu tiên phải kể đến là, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị tuyên án chung thân khi gây thất thoát 3.200 tỷ đồng, khi ra tòa ông sụt sùi xin “các bác lãnh đạo” tha thứ. Rồi đến bộ 3 lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa làm thất thoát 17.000 tỷ đồng, nhưng khi xộ khám ông Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa thoát án kỷ luật vì có bệnh hiểm nghèo. Còn Bí Thư, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cũng bị kỷ luật khi đương chức, vì liên quan đến việc quản lý đất đai. Ngã ngựa, các ông tự động đệ đơn xin từ chức, và xin lỗi nhân dân.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến “dính chàm” vì Út “trọc” cũng bị tuyên 3-4 năm tù do gây thất thoát gần 1.000 tỷ đồng. Ông Hiến nói rất đau xót vì chưa làm tròn trách nhiệm: “Tôi xin lỗi Đảng, nhân dân, đồng đội đang phục vụ trong quân đội, xin lỗi cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân”. Không chỉ có tướng Bộ Quốc Phòng, Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh của ngành công an cũng nhận mức án 9 năm tù vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Trước phiên tòa ông Vĩnh bật khóc và xin mức án thấp nhất trong khung hình phạt vì bị bệnh tim.

Màn khóc đẫm nước mắt nhất vẫn là của ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM khi bị tuyên phạt 8 năm tù. Ông Tài đã khóc nghẹn gửi lời xin lỗi đến mẹ và toàn thể người dân TPHCM. Riêng ông Nguyễn Đức Chung cựu Chủ tịch Hà Nội tuy chưa ra trước vành móng ngựa nhưng đã lấy lý do là bệnh ung thư để xin được tại ngoại.

Trên đây chỉ là một số vụ tiêu biểu, nhưng đã cho ta thấy các quan xộ khám dường như đều trở thành diễn viên hài thực thụ. Còn bàn về chuyện xin tình tiết giảm nhẹ, các ông không hề sai, bởi có luật quy định hẳn hoi. Thế nhưng, chúng ta không thể để, điều luật này là cái lý do để những con sâu mọt lấy làm “công cụ” thoát tội được.

Vấn đề còn chưa ngã ngũ, thì mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 112 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tại điều 3 về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật là các trường hợp đang điều trị bệnh hiểm nghèo, mất khả năng nhận thức, ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện.

Cũng theo nghị định 112, sẽ có 4 hình thức kỷ luật với công chức, viên chức không giữ cương vị lãnh đạo là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Và sẽ có 5 hình thức kỷ luật với công chức, viên chức là lãnh đạo là: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Như vậy, cán bộ bị ốm nặng, bệnh hiểm nghèo nếu xộ khám sẽ chưa bị xem xét kỷ luật. Liệu các trường hợp bệnh hiểm nghèo như của các ông Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng, Phan Văn Vĩnh có được thoát tội tử, bởi bệnh hiểm nghèo thì phải sống chung với nó cả đời không bao giờ chữa khỏi?

Phải công nhận Nghị Định 112 là rất nhân văn, nhưng chúng ta cần có quy định cụ thể. Bắt đầu, từ các ban bệ khám sức khỏe cho quan chức, phải thật công chính liêm minh không dễ dàng thỏa hiệp về sức khỏe theo yêu cầu của các quan. Còn về phần quan chức, nếu có bệnh mà cảm thấy đủ sức khỏe tiếp tục công tác thì ở lại, nếu không đủ sức khỏe thì xin về vườn. Đã chấp nhận ở lại công tác khi bị phát hiện sai phạm, hoặc khi đã xộ khám là không được lấy lý do sức khỏe ra để xin giảm nhẹ.

Chúng ta không thể để quan chức ăn ngập mặt rồi lấy lý do bệnh nặng ra để thoát tội, còn dân thì còng lưng đóng thuế, mà không một ai chịu trách nhiệm. Không một ai chịu trách nhiệm về hành động này thì bầu sữa ngân sách sẽ ra sao? Không thể để Nghị định 112 là “Con dao 2 lưỡi” khiến quan chức nhúng chàm hả hê, còn dân thì khóc nghẹn như thế rất bất công.

Buồn thay, với người dân bình thường bệnh hiểm nghèo sẽ là nổi kinh hoàng nhưng với quan tham xộ khám lại là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Đất nước mình thật là ngộ quá phải không anh?

T.L

Bài viết liên quan