Bộ Tư pháp Mỹ: Albemarle chi 3,5 triệu đôla để ‘bôi trơn’ tại Việt Nam; 6,5% hoa hồng

Nhờ sự môi giới của một công ty trung gian Việt Nam, Công ty Albemarle của Mỹ có được mối quan hệ kinh doanh và hợp đồng với cả Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn 2013-2017, nhưng phải chi tiền đút lót cho cán bộ dầu khí Việt Nam thông qua đối tác này đến 3,5 triệu đôla, theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ.

Tài liệu đề ngày 28/9/2023 của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết đối tác trung gian Việt Nam được công ty Albemarle thuê vào năm 2012 với tỷ lệ hoa hồng 4,25% được xem là cao hơn so với mức hoa hồng của công ty trong khu vực, nhưng Albemarle đã chấp thuận tăng hoa hồng cho đối tác này lên 6,5% vào năm 2015 do người này yêu cầu rằng phải chi nhiều hơn cho các quan chức chính phủ Việt Nam “từ cấp thấp đến cấp cao”.

Công ty Albemarle nộp phạt hơn 200 triệu USD vì tham nhũng ở nước ngoài, bao gồm Việt Nam

“Công ty Albemarle giành được hợp đồng tại hai nhà máy lọc dầu quốc doanh ở Việt Nam thông qua việc sử dụng một đại lý bán hàng trung gian yêu cầu tăng hoa hồng để chi tiền hối lộ cho PetroVietnam và các quan chức nhà máy lọc dầu cũng như đưa ra các yêu cầu đấu thầu có lợi cho công ty Albemarle”, mục 21 của Bản chi tiết sự việc (Statement of Facts) của Bộ Tư pháp viết.

Cuộc điều tra này do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) và Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) thực hiện, căn cứ theo Luật về Chống Tham nhũng (FCPA).

Bộ Tư pháp ngày 29/9 cho biết công ty Albemarle có trụ sở ở bang North Carolina đồng ý trả hơn 218 triệu đôla để dàn xếp các cáo buộc hối lộ các quan chức tại các nhà máy lọc dầu quốc doanh ở Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Riêng tại Việt Nam, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nhận định rằng công ty Albemarle thu lợi bất chính số tiền 69,25 triệu đôla từ việc bán hàng cho hai nhà máy này, trong khi hệ thống kiểm soát kế toán nội bộ của Albemarle không đủ mạnh để ngăn chặn hoặc phát hiện ra các khoản thanh toán không phù hợp mà theo đó Albemarle Singapore hạch toán là hoa hồng hợp pháp và sau đó được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Albemarle.

‘Những Người bạn’

Cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp biết nhưng không tiết lộ danh tính của “Công ty Trung gian Việt Nam”, đó là một công ty có trụ sở tại Việt Nam, phục vụ như một đại lý bán hàng cho Albemarle trong hoặc khoảng giữa năm 2012 và năm 2017.

Trong các email thương lượng số tiền hoa hồng giữa đại diện trung gian Việt Nam và đại diện bán hàng và nhân viên Albemarle, vị trung gian này yêu cầu không tiết lộ danh tính quan chức PetroVietnam và tên của các quan chức tại hai nhà máy lọc dầu, chỉ gọi họ là “Người bạn” và “Những Người bạn”.

Điển hình, vào ngày 9/11/2012, Đại diện Kinh doanh Albemarle Việt Nam đã gửi email đến các nhân viên Albemarle khác, trong đó có Giám đốc Kinh doanh Albemarle xác nhận rằng Trung gian Việt Nam sẽ chuyển tới Albemarle yêu cầu được gặp quan chức PetroVietnam. Trong email, Đại diện Bán hàng Albemarle Việt Nam nhắc nhở các nhân sự khác của Albemarle về hướng dẫn của vị Trung gian Việt Nam là “không đề cập đến” Quan chức của PetroVietnam bằng tên qua email, và thay vào đó gọi ông ấy là “Người Bạn”. Một nhân viên khác của Albemarle Singapore trả lời qua email: “Hy vọng ‘Người Bạn của ông ấy’ có thể giúp chúng ta công việc kinh doanh này”, theo mục 26 của Bản chi tiết sự việc.

(Số liệu tổng hợp từ văn bản của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về tiền hoa hồng Albemarle chi)

Hợp đồng với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn

Vào khoảng năm 2012, công ty Albemarle tham gia đấu thầu để giành được hoạt động kinh doanh chất xúc tác với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), nhà máy lọc dầu quốc doanh do Tập đoàn PetroVietnam quản lý.

Trước cuộc đấu thầu của BSR năm 2012, Albemarle được yêu cầu phải trải qua “thử nghiệm” để đánh giá xem chất xúc tác của công ty sẽ hoạt động như thế nào với dầu của nhà máy lọc dầu.

Nhà máy lọc dầu Bình Sơn

Vào khoảng tháng 5/2012, liên quan đến nỗ lực giành được hoạt động kinh doanh của BSR, Albemarle đồng ý trả khoản hoa hồng 4,25% cho Công ty Trung gian Việt Nam để hoạt động với tư cách là đại lý của hãng tại Việt Nam.

Vào khoảng tháng 1/2013, vị Trung gian Việt Nam yêu cầu Albemarle tăng hoa hồng cho Công ty Trung gian Việt Nam từ 4,25% lên “4,25% + 4%,” điều mà ông nói với Đại diện bán hàng Albemarle Việt Nam sẽ được sử dụng “lót đường” (settle down) các quan chức Petrovietnam và để “chi cho những người bạn”.

Vào ngày 20/5/2014, vị Trung gian Việt Nam đã gửi email đến phía Albemarle hứa sẽ đạt được hợp đồng dài hạn với BSR, đồng thời yêu cầu tăng hoa hồng “để giành được công việc, để BSR tiếp tục sử dụng chất xúc tác Albemarle,” và tuyên bố: “Chúng tôi phải làm việc chăm chỉ, gặp nhiều người từ cấp thấp đến cấp cao với mức chi phí quá lớn và và phí tiếp thị cao”. Vị này nói rằng để “thuyết phục” họ ký hợp đồng trong một năm, cần “hỗ trợ từ phía quý vị để tăng hoa hồng lên 10%.”

Cuối cùng đến tháng 5/2014, sau nhiều lần thương lượng, Albemarle đồng ý tăng hoa hồng cho Công ty Trung gian Việt Nam từ 4,25% đến 6,5%, mặc dù bên Trung gian Việt Nam đòi trả 7%, thậm chí 10% tiền hoa hồng.

Nhờ sự giúp đỡ của đối tác trung gian, công ty Albemarle đã có được mối quan hệ kinh doanh và hai hợp đồng với công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, bao gồm cả đợt chạy thử giai đoạn đầu vào khoảng tháng 4/2013, sau đó là hai hợp đồng mua hàng và ba phụ lục hợp đồng, tiếp tục cho đến khoảng tháng 5/2017.

Hợp đồng với công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Năm 2016, Albemarle cũng sử dụng Công ty Trung gian Việt Nam và các mối liên hệ của Công ty này để chi tiền cho các quan chức của PetroVietnam để giành được công việc kinh doanh tại nhà máy lọc dầu của Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn (NSRP), một liên doanh của PetroVietnam và Kuwait Petroleum International.

Vào ngày 5/7/2016, Trung gian Việt Nam gửi email đến phía Albemarle liên quan đến “Phương pháp tiếp cận NSRP”, trong đó nêu rõ: “Xin vui lòng cho tôi biết những điều kiện thương mại và điều kiện kỹ thuật mà [đối thủ của Albemarle] không thể đáp ứng được? “Xin vui lòng cho tôi biết trong hôm nay để tôi có thể bàn bạc với bạn bè của tôi để bổ sung vào [hồ sơ mời thầu]. Chính thức [mời thầu] sẽ được phát hành vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau”.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

Vào tháng 6/2016, Albemarle đồng ý áp dụng cùng tỷ lệ hoa hồng 6,5% trên doanh số bán cho nhà máy lọc dầu thứ 2 này của Việt Nam, theo văn bản ngày 29/9 của SEC.

Báo chí đã liên lạc PetroVietnam, BSR, NSRP, và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho ý kiến về các chi tiết trong kết quả điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nhưng chưa được phản hồi.

Bộ Tư pháp Mỹ nhận định rằng Albemarle thu lợi bất chính từ việc bán hàng cho Nhà máy lọc dầu Bình Sơn từ giữa năm 2013 đến 2017 và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong giai đoạn 2016 và 2019 theo hợp đồng thu được thông qua Đại lý trung gian Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2017.

Hệ thống kiểm soát kế toán nội bộ của Albemarle không đủ để ngăn chặn hoặc phát hiện ra các khoản thanh toán không phù hợp này mà theo đó Albemarle Singapore hạch toán là hoa hồng hợp pháp trong sổ sách và hồ sơ được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Albemarle.

SEC cho biết trong một lệnh (order) công bố hôm 29/9: “Mặc dù Công ty Trung gian Việt Nam đã đăng ký kinh doanh ở Việt Nam chỉ ba tháng trước đó và không có kinh nghiệm về chất xúc tác, nhưng họ vẫn hô hào về khả năng đảm bảo hoạt động kinh doanh cho Albemarle dựa trên “tình bạn” của họ với những người ra quyết định quan trọng tại nhà máy lọc dầu của Việt Nam”.

Theo SEC, Công ty Trung gian Việt Nam giúp Albemarle có được thông tin nội bộ, nhạy cảm, có tính cạnh tranh từ các quan chức chính phủ, cũng như thúc đẩy thông báo yêu cầu đấu thầu, mẫu xúc tác mới từ đối thủ cạnh tranh, thông tin về đối thủ cạnh tranh nộp hồ sơ dự thầu và tư vấn trong quá trình thực hiện đấu thầu.

Albemarle đã chấm dứt hợp đồng với Công ty Trung gian Việt Nam vào năm 2017 sau khi Albermarle bắt đầu điều tra nội bộ.

Albemarle không phản hồi các yêu cầu bình luận của báo giới.

Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 29/9 cho biết Albemarle thừa nhận rằng trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2017, tập đoàn này sử dụng trung gian thứ ba là các đại diện bán hàng và nhân viên chi nhánh đã đưa hối lộ cho quan chức chính phủ một số nước để có được hợp đồng kinh doanh hoá chất với các nhà máy lọc dầu có vốn nhà nước ở các nước Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ.

Công ty Albemarle thu lợi nhuận khoảng 98,5 triệu đôla từ việc đưa đút lót tại các quốc gia này, trong đó có 69,25 triệu đôla thu từ Việt Nam.

Albemarle vừa có một thoả thuận không bị truy tố trong vòng ba năm (NPA) với Bộ Tư pháp Mỹ và đồng ý trả khoảng 98,2 triệu đô la tiền phạt cho Bộ Ngân khố Mỹ, và bị tịch thu hành chính khoảng 98,5 triệu đôla. Ngoài ra, Albemarle sẽ trả khoảng 103,6 triệu đôla tiền lãi phân chia và ấn định như một phần của giải pháp cho cuộc điều tra song song của SEC.

Theo thỏa thuận này, Albemarle đồng ý hợp tác với Bộ Tư pháp Mỹ trong bất cứ cuộc điều tra hình sự nào trong tương lai liên quan vấn đề này.

Các nhà quan sát nhận định rằng phát hiện của chính quyền Hoa Kỳ về vụ tham nhũng ở PetroVietnam và ở hai nhà máy lọc dầu lớn của đất nước chỉ là một số ít trong vô số vụ việc quan chức nhận hối lộ chưa được phanh phui.

Từ Hà Nội, ông Lê Anh Hùng, một nhà báo thường xuyên theo dõi các vụ tham nhũng, nêu nhận định với truyền thông:

“Tham nhũng là một cái căn bệnh mang tính hệ thống ở Việt Nam. Nên tôi không bất ngờ gì với cái thông tin này cả. Đã có không ít công ty nước ngoài buộc phải hối lộ quan chức Việt Nam để giành được hợp đồng, để được cấp phép, để được trao dự án, v.v. Nên có lẽ là không phải chỉ tôi mà với hầu hết mọi người họ đều thấy bình thường trước cái thông tin này.

“Cái điều gây ấn tượng đối với tôi và có lẽ là với phần lớn với những người khác là sự nghiêm minh của hệ thống tư pháp Mỹ được nêu ra trong vụ việc này”.

Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài nói:

“Việc các doanh nghiệp ở nước ngoài khi muốn đầu tư hay muốn trúng thầu tại Việt Nam thì bao giờ cũng lại quả phần trăm cho các quan chức của Việt Nam phụ trách về những lĩnh vực, về những doanh nghiệp nhà nước đó. Đối với một công ty như là Albamarle thì đây không phải là duy nhất.

“Trước đây chúng ta đã thấy rất nhiều các doanh nghiệp của Nhật Bản, ví dụ dự án Đại Lộ Đông Tây ở Sài Gòn, một loạt quan chức của công ty Nhật Bản cũng bị phía chính phủ Nhật Bản điều tra về vấn đề tham nhũng rồi. Rất nhiều những dự án khác nữa của Nhật Bản, rồi một số công ty của Hàn Quốc cũng bị điều tra ở Việt Nam, thế nhưng mà từ xưa nay thì hầu như là chỉ khi nào với sức ép từ giới chức Nhật Bản đối với Việt Nam yêu cầu phải điều tra về các quan chức tham nhũng thì họ mới thực hiện việc đó”.

Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam có chỉ số cảm nhận tham nhũng là 42 trên 100 điểm, đứng thứ 77 trên 180 nước được xếp hạng vào năm 2022, nằm trong số các nước vẫn có nhiều tham nhũng.

 

Thu Trang

Từ khóa: ,
DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan