Khi đương chức sao không bảo sức khỏe kém, giờ “đục khoét” ngân sách xộ khám lại xin tha để chữa bệnh?

Được biết lãnh đạo đứng đầu tỉnh trở lên đều có hẳn một ban bệ chăm sóc sức khỏe, thậm chí là được ưu tiên đi khám sức khỏe định kỳ. Thế nhưng trong khi còn đương nhiệm không thấy thông tin quan chức nào mắc bệnh, nhưng lạ là khi ngã ngựa thì hàng loạt quan đổ bệnh để xin giảm nhẹ án phạt hay tại ngoại. Câu hỏi đặt ra ở đây là, ban bệ khám sức khỏe cho lãnh đạo có vấn đề hay do quan chức viện lý do để thoát tội?

Phải công nhận là công cuộc “đốt lò” của Tổng bí thư gặt hái được nhiều thành công. Nhiều năm nay, hàng loạt quan chức tham nhũng ở tất cả các bộ ngành từ Bắc vào Nam hầu như đều bị cho vào lò đốt cháy rực, bất luận là củi khô hay tươi. “Lò đốt” quan tham dường như không có vùng cấm, đốt từ quan chức địa phương (Trần Ngọc Căng, Lê Viết Chữ, Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ (bị đề nghị kỷ luật) đến trung ương thậm chí là Uỷ Viên BCT, Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung là một điển hình.

Tại TP.HCM, chỉ riêng vụ án Thủ Thiêm thôi đã có đến gần trăm cán bộ bị xử lý. Rồi đến vụ đất vàng Lê Đuẩn nhiều quan chức cũng xộ khám như Nguyễn Thành Tài, Lê Hoàng Quân và nhiều cán bộ sở ban ngành có liên quan. Tại Hà Nội không chỉ có ông Chủ tịch bị xộ khám mà Bí Thư Hoàng Trung Hải cũng bị kỷ luật…

Tiếp đến là các bộ ngành, Bộ Công an thì trảm tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Còn đô đốc Nguyễn Văn Hiến của Bộ Quốc phòng cũng bị vài năm tù vì gây thất thoát ngân sách gần 1.000 tỷ. Ngoài ra bộ này còn trảm hàng loạt tướng tá khác: Thiếu tướng Nguyễn Hoàng và Đại tá Nguyễn Trọng Lương, khiển trách Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng…

So với hai bộ ngành trên, có lẽ Bộ Công thương là bộ có nhiều củi nhất, chỉ 12 dự án nghìn tỷ thôi đã khiến bao quan chức ngã ngựa. Trịnh Xuân Thanh mặc dù trốn chui lũi ở tận trời Tây nhưng cuối cùng y đã phải về Việt Nam đầu thú, Trịnh Đình Duy thì cao bay xa chạy. Rồi nay, củi Bộ Công thương lại tiếp tiếp cháy cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xộ khám, Thứ trưởng bà Hồ Thị Kim Thoa thì bị truy nã, cấp dưới thì liên tục bị gọi tên… có lẽ Bộ Công thương phải chấn chỉnh chớ nên tiên phong trong những vụ như thế này. Phải nói rằng, nếu không có lò của cụ Tổng có lẽ đất nước sẽ bị sâu mọt đụt khoét không còn thứ gì cho con cháu mai sau.

Câu chuyện củi lửa bị cho vào lò từ nhiều năm nay có lẽ không giấy mực nào tả cho hết, người viết chỉ liệt kê một số vụ. Vấn đề ở đây là, khi bị đưa ra trước vành móng ngựa nhiều cán bộ một thời oanh liệt quyết định cơm áo, gạo tiền, số mệnh của bao người, thì lại sụt sùi, sướt mướt xin tòa giảm án, chân thành xin lỗi nhân dân xin lỗi nhà nước. Thử nghĩ, nếu trước đó họ biết xin lỗi dân khi họ làm sai thế này, có lẽ sẽ không có ngày hôm nay.

Không dừng lại ở màn sụt sùi, nhiều người còn lấy lý do sức khỏe ra để làm cái cớ xin tại ngoại hay xin được giảm nhẹ án: như cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông đề nghị các tình tiết giảm nhẹ tội vì bị các bệnh lý về tim, ung thư tiền liệt tuyến. Ông Lâm Nguyên Khôi cựu Phó Giám đốc sở KH&ĐT bị ung thư thực quản cũng xin được giảm nhẹ. Rồi Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng xin mức án thấp nhất trong khung hình phạt vì bị bệnh tim. Mới đây, ông Nguyễn Đức Chung bị bắt vì liên quan đến 3 vụ trọng án cũng xin tại ngoại để chữa bệnh ung thư. Về căn bệnh của ông Chung, trước đó đã được phát hiện nhưng ông Chung vẫn tiếp tục công tác, chứng tỏ sức khỏe ông không vấn đề. Vậy mà khi xộ khám ông lại xin tại ngoại chữa bệnh, liệu đây chỉ là cái cớ, hay do ban bệ chăm sóc sức khỏe lãnh đạo có vấn đề?

Theo quy định tại điều 51, BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định 22 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nếu có vấn đề về sức khỏe thì có thể xin giảm nhẹ tình tiết, các ông không hề sai. Thế nhưng, chúng ta không thể để điều luật nhân văn này lại là cái lý do để những con sâu mọt lấy làm “công cụ” thoát tội được.

Chắc hẳn ai cũng biết, Thủ tướng Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Ông không lo lắng cho cá nhân mình mà ông lo cho đất nước mình, cho nhân dân mình vì ông sợ những quyết sách của mình trong tình trạng sức khỏe yếu sẽ không còn đúng đắn. Đây là quyết định thật vĩ đại. Nếu chúng ta áp dụng cách làm của người Nhật, quy định hẳn hoi, nếu bệnh mà cảm thấy đủ sức khỏe tiếp tục công tác thì ở lại, nếu không đủ sức khỏe thì xin về vườn. Đã chấp nhận ở lại công tác khi bị phát hiện sai phạm, hoặc khi đã xộ khám là không được lấy lý do sức khỏe ra để xin giảm nhẹ. Thiết nghĩ chúng ta phải rõ ràng như thế để tránh việc quan tham nhũng lợi dụng điều luật tình tiết giảm nhẹ để bòn rút ngân sách rồi được giảm nhẹ tội.

Lúc đương thời, mỗi lời nói như “hét ra lửa” hành động đầy uy lực, nhưng khi xộ khám thì các quan tham lại yếu đuối hơn cả thục nữ. Chúng ta phải rắn, có quy định rõ ràng để không còn những cảnh sụt sùi trước tòa, để không còn cảnh tôi bị ung thư hay bị bệnh mãn tính, để không còn cảnh tiếc thầm lẩm bẩm “giá như…” của người làm quan… Và đừng để Luật quy định tình tiết giảm nhẹ thành kim bài miễm tử cho các quan chức nhúng chàm thoát tội. Như thế sẽ thật bất công.

T.L

Bài viết liên quan