Giảm án cho tham quan nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng là qui định sai lầm!

Nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ… sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.

Đây là nội dung mới được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2 tới đây.

Nhận xét về điều luật vừa nêu sẽ được áp dụng vào giữa tháng này, có ý kiến cho rằng điều luật như thế là không hợp lý. Thay vì nộp 3/4 tiền tham nhũng để được giảm án, không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bây giờ nên đổi lại thành nếu không nộp 3/4 số tiền tham nhũng sẽ bị tăng hình phạt lên mức cao nhất khung. Quan chức đã tham nhũng thì trách nhiệm là phải nộp lại đầy đủ tiền đã biển thủ, còn hình phạt là để xử cho hành động biển thủ đó. Có vậy thì mấy ông quan tham mới sợ rồi bớt lại.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Ngô Anh Tuấn (Hà Nội) nhận định: “Có thể người ta đưa ra quy định này để khuyến khích người khác nộp lại tài sản tham ô để nhà nước thu hồi được tiền đó. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một cửa để lách cho những người phạm tội. Nếu đúng nguyên tắc pháp luật thì đó là một quy định sai lầm.”

Vẫn theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, thực ra trong các điều khoản của luật, theo Điều 51 của Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tình tiết giảm nhẹ và hướng dẫn việc áp dụng, nên ông cũng bày tỏ thắc mắc không biết Nghị quyết 03/2020 được thêm như vậy có mục đích gì? “Điều 51 áp dụng cho tất cả người phạm tội chứ không riêng một điều khoản này cho đối tượng tham nhũng mà đối tượng tham nhũng rõ ràng là những người có quyền lực, quan chức, còn người dân thường không có điều kiện tham nhũng, giống như một đặc ân riêng đối với người phạm tội này (tham nhũng).”

Trong phiên xét xử sáng ngày 20/12/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án tử hình đối với cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son về tội nhận hối lộ trong thương vụ MobiFone mua 95% AVG.

Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Bắc Son sau đó đã nộp lại tổng cộng 66 tỷ đồng trong hai lần, tương đương với số tiền ba triệu USD nhận được từ cựu Chủ tịch Hội đồng Quản Trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ; mặc dù trong phiên tòa ông Son thừa nhận có cầm thêm 200.000 USD từ Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà. Sau đó, ông Son được tòa giảm từ mức án tử hình xuống còn chung thân.

Dư luận lúc bấy giờ dấy lên câu hỏi liệu chỉ cần thu hồi 3/4 tài sản tham nhũng thì quan chức có thể thoát án tử?

Thực tế, trong khoản C Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình với họ, mà Chánh án sẽ là người có thẩm quyền chuyển hình phạt tử hình sang phạt tù chung thân.

Điều luật vừa nêu trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng kể từ ngày 15/2 tới đây, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.

Chính phủ tin rằng đưa ra Nghị quyết 03/2020 nhằm giúp nhà nước thu hồi số tiền thất thoát bị thiệt hại, nhưng thực tế đang làm cho pháp luật Việt Nam đi theo hướng chuyên biệt hóa, đưa ra những ý kiến không đúng với quy tắc chung của pháp luật. “Bây giờ họ cứ mặc nhiên khi phạm tội xong là không thu hồi gì à? Nếu họ có tài sản còn giá thì không phải 3/4 mà toàn bộ số tiền đó phải được lấy về một khi họ đang còn tài sản, những người có liên quan họ tẩu tán bằng cách nào đó thì họ phải xác định lấy được. Không phải người ta đã làm việc đó rồi thì chỉ nhiêu đó thôi, họ phạm tội rồi thì phần còn lại là truy thu nguồn gốc là trách nhiệm của cơ quan nhà nước thẩm quyền.”

Đồng quan điểm vừa nêu, có ý kiến cho rằng tiền tham nhũng có được đâu ai dại gì để tên mình mà toàn đưa cho người thân, bà con, họ hàng đứng tên. Do đó nếu lấy từ người phạm tội không được thì điều tra người thân.

Theo ý kiến này thì Nhà nước nếu muốn thì làm được hết thôi: Công an Việt Nam có thể điều tra được bao nhiêu vụ ghê gớm hơn mà không tốn nhiều thời gian cho nên mấy chuyện điều tra tiền bị tẩu tán chắc không phải khó mà quan trọng có ai muốn làm hay không thôi. Một trong những cách để cơ quan nhà nước kiểm soát tham nhũng tốt là ban hành luật yêu cầu cán bộ kê khai tài sản, từ đó có thể phát hiện và thu hồi dễ dàng.

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, Nghị định 03/2020 thực sự không cần thiết: “Họ đưa ra các quy chế, quy định liên quan đến chuyện thi hành án, áp dụng vào thi hành án làm sao cho tốt thì còn tốt hơn rất nhiều so với chuyện này.”

Vào ngày 11/1 vừa qua, ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi đã cho biết cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.

Hồi năm 2014, ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Vinalines, bị kết án tử hình vì tội ‘tham ô tài sản’ và 18 năm tù về tội ‘cố ý làm trái qui định gây hậu quả nghiêm trọng’; tổng hợp hình phạt tử hình. Ông này còn bị tòa tuyên phải bồi thường hơn 110 tỷ đồng.

Cục Thi Hành Án Dân sự sau đó vào tháng 1 năm 2017 cho biết gia đình ông này đã nộp lại cho Nhà Nước hơn 10 tỷ đồng và đến tháng tư năm 2017 cho biết chưa có điều kiện thi hành án đối với số tiền còn lại hơn 88 tỷ đồng vì ngoài tài sản mà các cơ quan tố tụng kê biên, ông này được cơ quan chức năng nói không còn tài sản nào khác.

RFA

Bài viết liên quan