Chuyện bà mẹ hiến tim con rồi mang tiếng oan: “Nếu là khả năng thứ hai, thì đã đến lúc cơ quan điều tra cần vào cuộc…”

Câu chuyện bà mẹ hiến tạng con mình để cứu sống bao người, trong đó hiến đi phần thiêng liêng nhất – trái tim, để cứu sống một người rồi lại bị mang tiếng oan là “bán” tim của con mình cho người đó, là một câu chuyện rất đau lòng.

Thực hư thì nhiều thông tin hơi nhiễu loạn, nhưng việc một người mẹ muốn gặp lại người mang trái tim của con mình để nghe một nhịp đập, tôi nghĩ điều đó là bình thường.

Xin đừng viễn dẫn luật này luật nọ ra để nói “không cho gặp” là “bình thường”, e rằng bạn hơi ác. Bởi vì nếu bạn nói điều đó ra thì ngay từ đầu, không một ai, chứ chưa nói đến là một người mẹ, có thể hiến một phần cơ thể con mình cho một kẻ có những phát ngôn như bạn.

Luật không ép một người mẹ hiến tạng con mình, thì cũng đừng đưa luật ra để nói chuyện sau khi bạn được cứu sống bằng hai trái tim – chứ không phải một – là một trái tim thực của người con và một trái tim vĩ đại của người mẹ.

Nếu tôi được cứu sống bằng trái tim ấy và nghĩa cử ấy, tôi sẽ tặng lại cuộc đời này nghĩa cử biết ơn, và dù thế nào tôi cũng trân trọng người mẹ ấy như chính mẹ mình, vì bà đã sinh ra trái tim ấy để tặng tôi, đập trong lồng ngực tôi, để tôi được vui buồn, được nói lời biết ơn những đẹp đẽ có thật tồn tại trong cuộc đời này.

Các bác sĩ BV 108 cúi đầu mặc niệm, tri ân người hiến tạng

Vậy tại sao lại nói “không”? Đúng, không luật nào bắt bạn phải gặp nhưng chúng ta không sống bằng sự thẳng thắn lạnh lùng ấy được. Trong khi đó, nếu người khác cũng cư xử như bạn, giờ bạn là người thiên cổ chứ ngồi đó mà lý với lẽ!
*****
Sáng nay, ông Trần Bình Giang, GĐ BV Việt Đức trả lời một tờ báo về điều này, tôi thấy thứ nhất là ông nói đúng, nhưng nghe ra mà buồn, cho người mẹ, cho lẽ đời và cho một người làm nghề “cứu người” như ông Giang.

Ông Giang nói:

“Nếu người nhận tạng tha thiết gặp người hiến họ sẽ tìm cách. Còn nếu người ta không muốn và muốn giữ cuộc sống riêng tư, họ hoàn toàn có quyền đó. Bệnh viện không thể bắt người ta phải mang ơn và tìm đến người hiến tạng cho mình, điều này có thể làm mất đi tính nhân văn của nghĩa cử hiến tạng cứu người”

Ông Giang ạ, tại sao ông nghĩ sự “nhân văn” cho một phía mà không đòi hỏi sự nhân văn phía ngược lại? Giữa bà mẹ và người nhận tim, ai mới là người xứng đáng với hai chữ “nhân văn” và có quyền đòi hỏi bên kia “nhân văn”?

Nhiều người trong cuộc sống này, hoặc họ ác mà không biết mình ác, hoặc họ ác một cách rất hồn nhiên, một cách rất quen, ông Giang nhỉ?
******
Quay lại câu chuyện bà mẹ, thực sự tôi đọc được, bà không muốn làm phiền người nhận tim con mình. Khi cho đi bà cũng chẳng tiếc. Nhưng bà muốn gặp người nhận vì có tin đồn họ không muốn gặp bà vì họ “mua” trái tim đó chứ không phải được tặng!

Vấn đề chính là chỗ này. Và bà muốn gặp để làm rõ thực hư, trong khi điều đẹp đẽ của bà đang bị biến thành một chuyện khác và bà phải mang oan khuất và chịu đớn đau một lần nữa.

Vậy thì có 2 khả năng: hoặc là phía bên nhận đã vô ơn lại còn dựng chuyện; hoặc là có một kẻ nào đó đã lợi dụng sự cao thượng của bà mẹ để “bán” trái tim của con bà cho người kia.

Cả hai khả năng, thì việc bà cần gặp người kia để làm rõ, là hoàn toàn chính đáng.

Nếu là khả năng thứ nhất thì bên kia không còn gì để nói, dù có trái tim thì cũng như không có.

Còn nếu là khả năng thứ hai, thì đã đến lúc cơ quan điều tra cần vào cuộc. Vì chuyện không còn nhỏ nữa và đã ngoài sức tưởng tượng.

Dù biết là ở đời chuyện quái gì cũng có thể xảy ra.

Chỉ thương cho bà mẹ, rất thương. Thương và đau, đau vì thấy cái đẹp, cái thiêng liêng bị chà đạp…

FB Hoàng Nguyên Vũ 

Bài viết liên quan