Việt Nam được gì từ Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 mà phải gấp rút chuẩn bị mọi nguồn lực?

Có nhiều người thắc mắc Việt Nam được lợi ích gì khi phải gấp rút đầu tư mọi nguồn lực để có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào cuối tháng 2? Nói ra thì rất dài dòng, nhưng xin phép tóm tắt lại thành một vài ý như thế này, hy vọng có thể giúp độc giả có thể nắm rõ những lợi ích không nhỏ từ sự kiện tầm cỡ thế giới như vậy.

1. Tiền

Tiền đâu luôn là vấn đề đầu tiên, khi chi phí tổ chức hội nghị đều sẽ do nước chủ nhà đảm nhận.

Năm ngoái, Singapore đã bỏ ra khoảng 15 triệu USD cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần đầu tiên. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi đó khẳng định nước này sẵn sàng chi mạnh tay để tổ chức sự kiện mang về nhiều danh tiếng, cũng như lợi ích kinh tế rất lớn từ truyền thông và du lịch.
Hãng phân tích Meltwater sau này ước tính giá trị truyền thông hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều mang lại cho Singapore là khoảng 550 triệu USD, gấp hơn 36 lần số tiền đầu tư.

Đó mới chỉ là giá trị từ truyền thông, chưa tính tới những nguồn thu từ dịch vụ ăn theo và cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp sau hội nghị.

2. Điểm đến lý tưởng cho các sự kiện quốc tế

Việt Nam từng thể hiện khả năng tổ chức và bảo đảm an ninh cho các sự kiện tầm cỡ thế giới, điển hình là Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố chúng ta tự tin làm nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, ngay từ khi thông tin về cuộc gặp mới chỉ là những đồn đoán và chưa được xác nhận. Một số phóng viên nước ngoài đã tỏ ra thán phục với tốc độ chuẩn bị cho hội nghị tại Hà Nội. Cần nhớ rằng chúng ta chỉ có hơn hai tuần để chuẩn bị, so với khoảng hai tháng của Singapore.

Thành công từ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai sẽ nâng điểm cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, giúp chúng ta trở thành một điểm đến không thể bỏ qua cho những sự kiện quan trọng của thế giới.

3. Nâng cao vị thế

Việt Nam duy trì quan hệ tốt với cả 4 bên liên quan trong Chiến tranh Triều Tiên, có thể trở thành trung gian hòa giải và thúc đẩy hòa bình trên bản đảo Triều Tiên.

Chúng ta từng tổ chức các cuộc họp kín giữa Triều Tiên và Nhật Bản về vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh. Triều Tiên cũng cử nhiều phái đoàn đến Việt Nam để học hỏi chương trình cải cách kinh tế. Trong khi đó, Hàn Quốc đang có quan hệ rất tốt với Việt Nam, còn Trung Quốc cũng khuyến khích Mỹ và Triều Tiên thúc đẩy đối thoại. Tất cả các bên liên quan đều có lợi ích khi Việt Nam tổ chức cuộc gặp này.

Khi tổ chức hội nghị thành công, Việt Nam sẽ củng cố được tính đúng đắn của chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, là bạn bè đáng tin cậy với tất cả các nước. Đây cũng là một phần trong những hoạt động ngoại giao kéo dài nhiều năm, nhằm xây dựng hình ảnh, vị thế và tiếng nói có trọng lượng cho Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.

4. Chỗ đứng trong lịch sử

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thống nhất họp thượng đỉnh tại Hà Nội.

Việt Nam được coi là tấm gương trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc ở thế kỷ 20, đồng thời cũng là ví dụ điển hình về sự hòa giải, hàn gắn quan hệ sau chiến tranh giữa các cựu thù. Một trong những mục tiêu được mong đợi trong hội nghị lần này chính là Mỹ và Triều Tiên ký được hiệp ước hòa bình. Hai nước mới chỉ ký hiệp định ngừng bắn và chấm dứt xung đột vào năm 1953, chứ không chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh.

Còn gì tuyệt vời hơn khi lịch sử thế giới sau này sẽ luôn nhắc tới việc hòa bình được lập lại trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2019 với việc lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ký “TUYÊN BỐ HÀ NỘI”? Tất nhiên, Washington và Bình Nhưỡng còn rất nhiều bất đồng như phi hạt nhân hóa, cấm vận và sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Những vấn đề này khó có thể giải quyết chỉ với một cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hai ngày, nhưng ai cấm chúng ta nghĩ về một viễn cảnh tích cực đâu.

Về cơ bản là vậy. Đó là chưa kể trước khi sang Việt Nam, Tổng thống Trump đã ra tối hậu thư cho Trung Quốc lựa chọn về vấn đề BIỂN ĐÔNG – “TỒN TẠI HAY MẤT TẤT CẢ”, buộc Trung cộng phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi Biển Đông để tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tự do hàng hải nếu muốn viễn cảnh tốt đẹp trong cuộc đàm phán chiến tranh thương mại tới đây. Hy vọng bài viết đã giúp độc giả có thêm một góc nhìn mới về hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Hà Nội.

Nguồn: FT

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan