Vì sao chuyện Bí thư Nên “ở nhà”, GS. Nhân ra Quốc hội lại nóng dư luận đến thế?

Việc vì sao Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (đương nhiệm) không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, trong khi đó, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân được giới thiệu ứng cử đang thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam.

Bình luận về điều tưởng như “bất thường” này, theo một số chuyên gia, việc Bí thư Nguyễn Văn Nên, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM không ứng cử là điều “bình thường”. Trong khi đó, việc giới thiệu đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng được người dân và cử tri Việt Nam hoan nghênh.

Như đã thông tin, trong phiên họp thứ V diễn ra vào chiều 16/3, Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM nhiệm kỳ 2021 – 2026 (Ủy ban Bầu cử TP.HCM) đã bàn giao 224 hồ sơ người ứng cử cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.

Việc bàn giao danh sách ứng cử viên ĐBQH nhằm chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần II để thỏa thuận danh sách sơ bộ những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND thành phố, sẽ diễn ra vào ngày 18/3.

Đáng chú ý, trong số 224 hồ sơ này, có 52 hồ sơ ứng cử ĐBQH và 172 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố. Đồng thời, có 16 cá nhân “tự ứng cử ĐBQH” và 13 cá nhân “tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố”.

Trong 16 hồ sơ tự ứng cử – có 13 nam và 3 nữ có nhiều nhân vật đáng chú ý như Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM (ĐBQH Khóa XIV, người từng có gây ấn tượng liên quan đến quan điểm về vụ án của tử tù Hồ Duy Hải lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường trách nhiệm giám sát chuyên đề).

Ngoài ra, còn có ông Hoàng Hữu Phước, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư doanh thương Mỹ – Á (ĐBQH khóa XIII) hay nguyên Chánh án TAND TP.HCM Ung thị Xuân Hương.

Theo đồng chí Tăng Hữu Phong, Trưởng Tiểu Ban hành chính, tổng hợp Ủy ban Bầu cử TP.HCM cho hay, có 33 cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu 38 người ứng cử ĐBQH khóa XV, trong đó 28 đơn vị người giới thiệu có số phiếu tín nhiệm đạt tỷ lệ 100% và 5 đơn vị đạt tỷ lệ từ 90% đến dưới 100%.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ chí Minh sẽ ứng cử ĐBQH khóa XV.

Việc Bí thư Nguyễn Văn Nên không ứng cử ĐBQH là “rất bình thường”

Một điều đáng lưu ý là, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, không có tên trong danh sách ứng cử ĐBQH lần này.

Đây được xem là một điều rất khác biệt so với các nhiệm kỳ trước, khoá trước. Trong Quốc hội khoá XIV, có toàn bộ 19/19 uỷ viên Bộ Chính trị đều ứng cử đại biểu Quốc hội. Còn tại TP Hồ Chí Minh thì trong các nhiệm kỳ gần đây, Bí thư Thành ủy TP đều kiêm nhiệm ĐBQH.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cho rằng, việc này là hết sức bình thường, tùy theo phân công của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Túc nhấn mạnh, căn cứ theo nghị quyết số 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV thì tỉ lệ đại biểu ở cơ quan Đảng, Chính phủ đều giảm, tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học.

“Vì vậy, đây không phải là chuyện hy hữu. Việc Bí thư Nguyễn Văn Nên không tham gia Quốc hội thì có nhiều thời gian để dành cho công việc lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc nói.

Trong khi đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà bày tỏ ý kiến trên báo Giao thông cũng cho biết, tại địa phương thì có thể chỉ cần Bí thư hoặc Phó Bí thư tham gia Quốc hội.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, hiện nay tại Việt Nam đang quy định một lãnh đạo chủ chốt thì không giữ quá 2 trong 4 chức vụ quan trọng.

“Nếu đồng chí Bí thư không tham gia đại biểu Quốc hội thì có lẽ đồng chí Phó Bí thư ở TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia và giữ chức Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội luôn”, ông Nguyễn Đức Hà phân tích.

Do đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) Nguyễn Đức Hà cũng có cũng nhận định như đồng chí Nguyễn Túc, đó là khi Bí thư TP Hồ Chí Minh không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội thì đây cũng là điều rất bình thường.

“Điều này hết sức bình thường, ông Nên không tham gia Quốc hội sẽ có thêm thời gian để toàn tâm, toàn ý lãnh đạo thành phố là đầu tàu kinh tế của chúng ta”, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng nhấn mạnh.

Việc giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân là “phù hợp chủ trương của Quốc hội”?

Trao đổi về vấn đề này, một thành viên thuộc Ủy ban Bầu cử TP.HCM cho ý kiến rằng, việc Bí thư Nguyễn Văn Nên không ứng cử ĐBQH là thực hiện chủ trương giảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người ở các cơ quan Đảng, Chính phủ, tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, nhà khoa học, chuyên gia.

Nhằm hiện thực hóa và tuân thủ đúng chủ trương này, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM được giới thiệu tiếp tục tham gia Quốc hội Việt Nam khóa XV với tư cách là “nhà khoa học, chuyên gia”.

Theo đó, Tuổi trẻ dẫn nguồn tin về việc vì sao Bí thư Nên không tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XV cho thấy, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM lo lắng cho khối lượng công việc lớn của thàn phố, giải quyết những nhiệm vụ, phân công hàng ngày ở địa phương, khó chuyên tâm cho những kỳ họp kéo dài của Quốc hội.

“Đồng chí Nguyễn Văn Nên có nguyện vọng không tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV để dành thời gian, tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo công việc của TP”, nguồn tin xác nhận. Theo đó, vị này lý giải rằng, TP.HCM có đặc thù là đô thị đông dân, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, lại ở xa thủ đô Hà Nội.

“Các kỳ họp Quốc hội thường kéo dài, không thuận lợi cho việc di chuyển và giải quyết công việc hằng ngày của địa phương (TP.HCM”, nguồn tin nhấn mạnh.
Quyết định nhân sự này cũng được đánh giá phù hợp chủ trương giảm tỷ lệ ĐBQH là người ở các cơ quan Đảng, Chính phủ, tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, chuyên gia, nhà khoa học.

Theo đó, nghị quyết số 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV quy định, tỷ lệ đại biểu ở cơ quan Đảng, Chính phủ phải được giảm xuống, ngược lại, cần tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học.

“Chính vì thế mà trong danh sách ứng cử ĐBQH lần này của TP Hồ Chí Minh, đồng chí GS.TS Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) tiếp tục được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV với tư cách chuyên gia, nhà khoa học”, theo quan điểm của thành viên thuộc Ủy ban Bầu cử TP.HCM.

Về cơ cấu, số lượng, do là thành phố đông dân và trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM được phân bổ số lượng ĐBQH nhiều nhất với 30 đại biểu (trong đó, trung ương giới thiệu 15 người ứng cử ĐBQH trên địa bàn TP.HCM). Riêng TP Thủ Đức được bầu 3 ĐBQH tham dự Quốc hội XV sắp tới.

Sputnik

Bài viết liên quan