Vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam: Nhìn từ năm 2020

Đã có thời không ít người Việt Nam khi đi ra nước ngoài ngại không muốn nhận mình là người Việt Nam. Không phải là vì họ không yêu Tổ Quốc, mà vì những năm đó Việt Nam có rất ít bạn bè trên thế giới. Quanh đi, quẩn lại chỉ có các bạn Liên Xô, Cu Ba, Lào và một vài nước Đông Âu, Châu Phi, Nam Mỹ. Những năm chiến tranh, cái tên Việt Nam nổi tiếng khắp toàn cầu, nhiều bạn bè quốc tế rất khâm phục Việt Nam vì Việt Nam dám đánh Mỹ và thắng Mỹ. Nhưng một số năm sau đó Việt Nam bị cấm vận kinh tế, bị cô lập, đời sống người dân có lúc vô cùng khó khăn, những người được đi ra nước ngoài tìm cách làm ăn, kiếm tiền bằng mọi giá, nhiều khi coi nhẹ những gia trị tinh thần, để lại những điều tiếng không hay về con người Việt Nam.

Mọi chuyện đã thay đổi kể từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ Đổi mới với đường lối đối ngoại “độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”. Đường lối đối ngoại của Việt Nam sau đó được bổ sung và hoàn chỉnh qua các kỳ đại hội. Từ chỗ “Việt Nam muốn là bạn”, đến “Việt Nam sẵn sàng làm bạn”, và hiện nay “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995. Cũng trong năm 1995, Việt Nam gia nhập tổ chức ASEAN. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn trên thế giới. Về mặt ngoại giao, Việt Nam có quan hệ với 189/193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có tất cả các nước lớn, thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện.

Hiện nay, Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 2014, được LHQ ghi nhận và đánh giá rất cao. Đã bốn lần Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20, diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu. Việt Nam đã đăng cai nhiều sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng. Tháng 2-2019, Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiến Kim Jong-un, một sự kiện quốc tế mang tính biểu tượng cao.

Theo nhận xét của ông Carl Thayer, một chuyên gia nước ngoài nghiên cứu lâu năm và rất có uy tín về Việt Nam, một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới là đã định hướng lại chính xác đường lối đối ngoại của mình.

Nhờ đường lối đối ngoại đổi mới Việt Nam đã thoát khỏi thế cô lập, bao vây, cấm vận, tạo được môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ. Hiện nay, sau gần 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới, tình hình chính trị – kinh tế vĩ mô ổn định, an ninh, trật tự xã hội bảo đảm. Đặc biệt, sau khi khống chế thành công hai đợt bùng phát đại dịch Covid trong năm 2020, cái tên Việt Nam đã liên tục “phủ sóng” toàn thế giới về tất cả các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến như một đất nước có độ tin cậy chiến lược cao, an toàn trong cuộc sống, ít rủi ro trong đầu tư, một chủ thể có năng lực sản xuất và trách nhiệm với toàn cầu…

Tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng và tạo được nhiều dấu ấn. Cách đây mấy ngày, Đại hội đồng LHQ vừa thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng LHQ.

Vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam ngày nay đã được khẳng định và được cả cộng đồng quốc tế công nhận. Theo đánh giá của Tổng thư ký LHQ ông Antonio Guterres, Việt Nam luôn là đối tác mạnh của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức này. Việt Nam được nhắc đến nhiều lần như là “hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh”. Theo đánh giá của nhiều tờ báo quốc tế, Việt Nam đang là “Ngôi sao sáng tại Châu Á”. Tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế ngày càng được lắng nghe. Việt Nam đang từng bước trở thành một quốc gia chủ động trên chính trường quốc tế, đóng góp ý tưởng, sáng kiến, xây dựng, định hình các quy tắc, luật lệ mới trên các sân chơi đa phương quốc tế, góp tiếng nói bình đẳng vào việc giải quyết những vấn đề quan trọng của thế giới.

75 năm kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam, 45 năm sau khi thống nhất đất nước và gần 35 năm kể từ khi khởi xướng công cuộc Đổi mới, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”. Ngày nay, người Việt Nam đi ra thế giới có thể tự hào ngẩng cao đầu mà nói “Tôi là công dân Việt Nam ”./.

Đỗ Nam Trung

Bài viết liên quan