Tiền điện phải “gánh” chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo?

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên, thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng, ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.

Tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW. Trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

“Việc phát triển nguồn điện mặt trời không phù hợp với nhu cầu sử dụng điện đã gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm”, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho hay.

Chính vì vậy, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư.

Chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện. Ảnh: EVN

Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới công bố cũng có những phân tích tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng, trong đó có rào cản về cơ chế bù giá.

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống. EVN đang được Nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do Nhà nước quy định.

“Như vậy, EVN đang thực hiện chức năng thay Nhà nước, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên, thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện”, dự thảo nêu.

Còn rào cản về kỹ thuật, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất.

“Trong hệ thống điện có tích hợp số lượng lớn các nguồn điện không ổn định như gió và mặt trời cần phải xây dựng nguồn điện dự phòng lớn gây lãng phí đầu tư trên lưới. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, xây dựng và vận hành các thiết bị tích trữ điện năng; xây dựng các hệ thống lưới điện thông minh vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế”, dự thảo nêu rõ.

Quy hoạch phát triển điện chưa xuyên suốt

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Trong đó nêu rõ: Định hướng quy hoạch phát triển điện còn chưa được thực hiện một cách xuyên suốt, có những điều chỉnh tác động khá lớn đến vấn đề cung – cầu điện. Chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho ngành điện khiến ngành điện thiếu vốn đầu tư;

Chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án quan trọng;

Sự phối hợp của các địa phương trong công tác triển khai các dự án điện chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, một số trường hợp các địa phương trước đây đã phê duyệt quy hoạch sau lại thay đổi khiến quy hoạch điện bị phá vỡ;

Cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Nội địa hóa các vật tư, thiết bị ngành điện chưa đạt yêu cầu.

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan