Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch

Thanhnienn.net – Sáng 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, sau khi thành phố đề xuất và Thủ tướng đồng ý áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 9-7.

Kết luận cuộc họp trực tuyến sáng 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần “tất cả vì TP.HCM”. Thủ tướng sẽ tiếp tục sát cánh hằng ngày, các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao để thành phố thực hiện bằng được ưu tiên cao nhất lúc này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, chống dịch hiệu quả, dứt khoát không để ai thiếu ăn, thiếu mặc và các nhu cầu tối thiểu, thiết yếu.

Tham dự cuộc họp tại các đầu cầu phía TP.HCM có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Phó thủ tướng Lê Văn Thành và các bộ trưởng dự cuộc họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ.

8,7 triệu liều vắc xin sẽ về Việt Nam trong tháng 7

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ đơn thuần cho thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị… và thiết lập 24 đoàn công tác  hỗ trợ.

Bộ trưởng khuyến nghị TP.HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: toàn thành phố áp dụng theo chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.

Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 đến 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi phát biểu. Ảnh: Hồ Hoài Anh.

TP.HCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các bệnh viện trên toàn thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Bộ trưởng cho biết, trong tháng 7, sẽ có 8,7 triệu liều vắc xin về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TP.HCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

Báo cáo phương án chuẩn bị thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM đã khảo sát, đánh giá khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm cung ứng và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được tập huấn, hướng dẫn tổ chức tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến.

TP.HCM đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca nhiễm.

Phải phát hiện ngay người dân thiếu thốn để hỗ trợ kịp thời

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành công thương xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phối hợp cung ứng đầy đủ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ngay chiều 7-7, theo chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã lập ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này do một thứ trưởng đứng đầu.

“Xin cam kết với Chính phủ, Thủ tướng, bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phân luồng, phân tuyến bảo đảm lưu thông hàng hóa và phòng chống dịch, bộ đã có các hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo “luồng xanh” không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng, chống dịch, tiền kiểm tại nơi xuất hàng, hậu kiểm tại nơi nhận hàng, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các lái xe; ứng dụng công nghệ để giám sát hành trình, truy vết khi có vấn đề xảy ra…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, bộ đang tích cực phối hợp, chỉ đạo các cấp, các cơ quan triển khai nhanh nhất các khoản chi thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn theo nghị quyết 68 của Chính phủ; bổ sung hơn 7.650 tỉ đồng mua thêm 61 triệu liều vắc xin…

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định lực lượng công an đã tính toán các phương án, tình huống bảo đảm an ninh trật tự khi dịch kéo dài, tác động mạnh nhiều mặt tới đời sống xã hội và sẽ phối hợp tốt nhất với các cơ quan, địa phương trong công tác này.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm chống dịch đã tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó khâu nhập dữ liệu và trả kết quả xét nghiệm đã bắt đầu chạy từ sáng 8-7. Hiện có gần 100 kỹ sư công nghệ thông tin tại Trung tâm công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia hỗ trợ TP.HCM 24/24h. Một số ứng dụng đã nhanh chóng được phát triển để hỗ trợ TP.HCM.

“Chúng tôi coi phát triển công nghệ chống dịch cho TP.HCM để sau này dùng cho toàn quốc. Đây là cơ hội tốt để hoàn thiện công nghệ cho nên anh em làm việc ngày đêm”.

Hồ Hoài Anh

Bài viết liên quan