TBT Trọng sắp đi Mỹ hợp tác quốc phòng, Trung Quốc hết thời đe nẹt trên Biển Đông

Vậy là sau chuỗi nỗ lực không mệt mỏi của Bộ Ngoại giao Việt Nam và thịnh tình đón tiếp nồng nhiệt Tổng thống Trump tại Hà Nội vào cuối tháng 2 năm 2019, Việt Nam nhanh chóng gặt hái được kết quả ngoài mong đợi khi mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chính thức được phía Mỹ mời công du chính thức đất nước này, theo thông báo của đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc với báo chí nhà nước, tuy chưa rõ vào thời điểm nào.

“Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với Phủ tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Quốc hội, hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của Mỹ, tích cực chuẩn bị để đảm bảo chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành công” – Hà Kim Ngọc nói. Thông báo này có thể thấy chắc chắn quốc phòng và Biển Đông sẽ trở thành trọng tâm trong cuộc gặp giữa hai người đứng đầu Mỹ – Việt sắp tới.

Dường như chắc chắn mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng nồng ấm hơn kể từ tháng 7 năm 2017 khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vội vã sang Hoa Kỳ, ngay sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ – liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Tây Ban Nha là Repsol và khiến Repsol phải ‘bỏ của chạy lấy người’, để sau đó Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis lần đầu tiên điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, phục vụ cho một nhu cầu cần thiết với Mỹ và tối cần thiết với Bộ Chính trị Việt Nam: dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối, được liên doanh giữa Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sẽ không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của ‘đồng chí bốn tốt’.

Bằng chứng là ngay sau chuyến thăm Việt Nam bất thường của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jamne Mattis vào tháng 11 năm 2018, cùng tuyên bố đầy thách thức “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton, ExxonMobil đã một lần nữa quay lại nhà máy Lọc dầu Bình Sơn để triển khai hợp đồng FEED (tư vấn lập thiết kế tổng thể) trong dự án Cá Voi Xanh.

Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang thiếu trầm trọng, nợ quốc tế lên tới 10 – 12 tỷ USD/năm và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 60 tỷ USD dự kiến khai thác được từ dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam là Cá Voi Xanh (con số dự đoán mới nhất được nêu ra gấp đến 3 lần con số dự đoán trước đây là 20 tỷ USD) – được xem là rất giá trị, cũng như việc hợp tác này sẽ cho thấy thái độ cứng rắn và độc lập hơn của Việt Nam trước những ảnh hưởng của “đồng chí tốt” Trung Quốc.

Còn với Trump – là một nhà kinh doanh thực dụng trước khi bước chân vào chính trường – 60 tỷ USD quả là con số hấp dẫn.

Không hoài nghi rằng chuyến đi Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bàn sâu về một trong những nội dung trọng tâm là ‘làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng’ và làm thế nào để Mỹ – Việt cùng khai thác triệt để mỏ Cá Voi Xanh mà không để ‘kẻ cướp’ dây phần. Chắc chắn đi cùng với đó là cam kết mạnh mẽ hơn từ phía Mỹ về việc kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, chặn đứng thói lộng hành và kiêu ngạo của Tập Cận Bình.

Nếu thuận lợi ký kết một văn bản giữa hai bên như kiểu’ Hiệp ước tương trợ quốc phòng’ mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó, và hơn nữa là sự chuẩn bị cho ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ – Việt’, thì Việt Nam sẽ tự tin hơn trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, cũng như khai thác mỏ Cá Voi Xanh mà không còn phải mắt trước mắt sau trước thói đe nẹt của ‘đồng chí bốn tốt’.

Nguồn: VNTB

Bài viết liên quan