Tăng giá điện vì giá than: Nghịch lý của đất nước ‘xúc’ than lên bán

Vì sao một quốc gia xuất khẩu than, chuyên “xúc” than lên bán mà nhà máy nhiệt điện than hoạt động cầm chừng vì khan hiếm nguồn than, cuối cùng phải tăng giá điện?

Tại buổi họp báo về tăng giá điện do Bộ Công thương tổ chức ngày 20/3, ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, số tiền mà EVN thu được từ việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% là 20.000 tỉ đồng/năm. Với quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện tăng thêm 8,36%, giá bán lẻ điện bình quân đã được chính thức điều chỉnh tăng lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), việc tăng giá bán lẻ điện dựa trên tính toán các yếu tố đầu vào gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành… Cụ thể, từ ngày 5/1/2019 giá than cho sản xuất điện tăng 2,61-7,67% làm tăng chi phí hơn 3.000 tỉ đồng; đồng thời sẽ điều chỉnh tăng thêm bước 2 cùng thời điểm tăng giá điện khiến chi phí cho than tăng thêm hơn 3.000 tỉ đồng, chi phí nhập khẩu than cũng làm tăng thêm gần 2.000 tỉ đồng. Giá khí trên bao tiêu làm chi phí ước tăng hơn 5.800 tỉ đồng.

Tăng giá điện từ ngày 20-3-2019 để EVN tăng thu 20.000 tỉ đồng. Ảnh nguồn Báo Tuổi Trẻ

Theo thông tin được ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than” diễn ra tháng 12/2018 thì nhiệt điện than cấp 37-38% điện năng cho nhu cầu điện năng của đất nước. Trong điện thương phẩm năm 2017, nhiệt điện than chiếm khoảng 176 tỷ kWh, và năm 2018 chiếm 215 – 216 tỷ kWh. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống.

Như vậy trong thời gian tới nhiệt điện than sẽ chiếm vai trò chủ đạo bên cạnh thủy điện và nhiệt điện khí. Khi đóng vai trò chủ đạo có nghĩa giá đầu vào nhiệt điện than sẽ tiếp tục tác động ngày càng lớn đến giá điện thành phẩm, nói cách khác giá than cho sản xuất điện tăng có nghĩa giá điện bán lẻ tăng.

Nghịch lý ở chỗ, vì sao một quốc gia xuất khẩu than, chuyên “xúc” than lên bán lại thiếu than và phải nhập khẩu than với mức giá cao như vậy? Phải chăng chúng ta thất thoát tài nguyên để rồi gánh nặng đó đè vai người dân?

Khi chuyện “xúc” than lên bán chuyện giá điện tăng, trước đó là chuyện thiếu điện đã khiến ngành than – ngành điện xảy “cuộc khẩu chiến”. EVN giữ quan điểm cho rằng họ là trung gian thu trả, giá than tăng không thể cáng đáng được, buộc tăng giá điện. Trong khi ngành than cho rằng, để sản xuất ra một tấn than trung bình phải đào khoảng 13 mét khối đất đá do vậy, tốn nhiều thời gian. Và, để tránh thiếu nhiên liệu sẽ đẩy giá than lên cao từ đó tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện thì phải…nhập.

Ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng ngành điện không muốn tăng giá nhưng buộc phải tăng.

Khi hàng loạt nhà máy thủy điện trên cả nước lâm vào cảnh “đắp chiếu” hoặc hoạt động nửa vời, cầm chừng vì…thiếu nước. Cùng đó, một số nhà máy nhiệt điện cũng phải tạm ngừng hoạt động vì khan hiếm nguồn than. Nguy cơ thiếu điện được cảnh báo đã buộc Chính phủ phải vào cuộc. Và trong phiên họp thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 3/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng cảnh báo nếu nguy cơ thiếu điện trong năm 2019 trở thành sự thực thì “một số đồng chí sẽ mất chức!”.

Than trong nước được “xúc” lên xuất bán sang Trung Quốc với mức giá được cho là “bèo bọt,” để rồi, than lại nhập khẩu lại với giá cao từ các thị trường Indonesia, Nga, Australia… và cả Trung Quốc càng được nhắc đến khi mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được xuất khẩu hơn 2 triệu tấn than năm 2019.

Đáng chú ý, năm 2019, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng ước tính con số nhập khẩu than là 5 triệu tấn.

Góp ý cho đề xuất này, Bộ Tài chính kiến nghị rà soát chủng loại than xuất khẩu trên nguyên tắc loại than nào đang nhập khẩu thì không được phép xuất khẩu để đảm bảo ưu tiên than sản xuất cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu để sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, đáp ứng yêu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Góp ý cho đề nghị xuất khẩu than của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước nhắc lại kết quả thực hiện xuất khẩu than các năm 2017 và 2018 thấp hơn so với kế hoạch được duyệt. Vì vậy Ủy ban này đề nghị rà soát, cân đối cung cầu than để đảm bảo kế hoạch xuất khẩu than năm 2019.

Bộ Công Thương giải thích: Khối lượng than xuất khẩu năm 2017 và 2018 của hai đơn vị trên là hơn 4 triệu tấn, bao gồm hơn 2 triệu tấn than cục, tham cám 1-2-3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, còn 2 triệu tấn than cám khu vực Vàng Danh – Uông Bí (là loại than có chất lượng bốc thấp, lưu huỳnh cao, nhu cầu sử dụng trong nước ít) cho thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 2017 chúng ta không xuất khẩu được loại than này, 2018 chỉ xuất được 50.000 tấn sang Thái Lan.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính do thời gian qua, Trung Quốc áp dụng quy định về hàng rào chất lượng đối với than nhập khẩu, các loại than nhập khẩu vào Trung Quốc trước khi pha trộn, sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, clo, flo,… do Chính phủ Trung Quốc quy định.

Bộ Công Thương thừa nhận than antraxit của Việt Nam không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trên.

Trong khi chúng ta thiếu than sản xuất điện tại sao ngành Công Thương không đề xuất, nghiên cứu phương án biến than trong được thành than sản xuất điện thay vì “xúc” lên nhưng không bán được cho Trung Quốc?.

Nguồn: TTVN

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan