Quỹ phòng chống thiên tai 3.396 tỷ, ai đang “ăn” trên tính mạng dân nghèo vùng lũ?

Trong 6 năm vừa qua, quỹ phòng chống thiên tai thu 3.396 tỷ, riêng TP.HCM thu được khoảng 590 tỷ 860 triệu đồng. Tuy nhiên trong 6 năm qua, từ quỹ này, cả nước chỉ chi ra có 1.741 tỷ do thủ tục khó khăn và phức tạp. Riêng năm 2019, ngân sách nhà nước chi hơn 10.300 tỷ để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân…

Để xảy ra sạt lở chết người quá nhiều hoặc các công nhân bị cô lập khi nước lũ lên, khi sạt lở xảy ra là trách nhiệm của Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai mà cục này thuộc Bộ Nông Nghiệp. Nên trách nhiệm lớn nhất thuộc cơ quan chủ quản là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn

Bão không phải nói tiếng trước, tiếng sau tới mà là được dự báo từ trước đó vài ngày. Như bão số 9 đang tàn phá miền Trung được dự đoán từ trong thai nghén trước đó 7 ngày. Vậy các kịch bản phòng chống lụt bão đâu?

Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai với sự giúp đỡ của Hoa Kì trong vài năm trở lại đây đã có thể dự báo gần như chính xác các số liệu về thời tiết, mực nước, thảm họa sẽ xảy ra. Nói cho chính xác, khả năng mô hình hóa lũ lụt và cảnh báo sớm dựa trên HỆ THỐNG CẢNH BÁO SỚM – HỖ TRỢ RA QUYẾT ĐỊNH VINAWAREE mà tổng cục phòng chống thiên tai đang xài là do Trung tâm Thảm họa Thái Bình Dương (PCD) với sự hỗ trợ từ Văn phòng USAID (Hỗ trợ thiên tai nước ngoài của Hoa Kỳ) hỗ trợ và đào tạo. Vậy tại sao không có kịch bản phòng chống thảm họa do thiên tai?

Với nhiệm vụ phòng chống thiên tai, đáng ra, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cùng với Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai phải xây dựng kịch bản ứng phó khi bão đổ bộ, khi mưa lớn, đất bị rời rạt, xói mòn chuyện gì sẽ xảy ra, ứng phó ra sao, các cấp độ ứng phó. Theo nguyên tắc, các kịch bản phải được phổ biến trên truyền thông một cách tích cực rộng rãi. Nội dung phải cô đọng, in ấn phát cho dân. Có ai nhận được tờ rơi hướng dẫn an toàn mùa bão năm nay chưa?

Tiếp theo, kịch bản nào dành cho dân khi mất điện, trạm phát sóng mạng điện thoại mất điện? 200 công nhân kẹt ở thủy điện Đắk Mil là một ví dụ? Người đi biển ai cũng biết thiết bị phát sóng ngắn có tác dụng như kim chỉ nam dùng để nghe thông tin cảnh báo khi không có sóng điện thoại, thiết bị ấy tích điện xài lâu được. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có trang bị cho từng vùng dân chưa?

Kịch bản nào cho sạt lở đồi, núi, đất tầng cao? Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai có nghiên cứu để biết được đất sẽ sạt lở khi thấm bao nhiêu nước hay không? Nếu có tại sao không di dời dân trước đó mà lại để sạt rồi cho Quân Đội vào cứu hộ cứu nạn. Mà lúc này, là đào bới tìm kiếm vận may trong cửa tử. Hên thì sống không hên thì chôn tập thể?

Tại mỗi địa phương đều có thể xác định mức ngập đến từng thôn xóm dựa vào các trạm quan trắc. Chứng tỏ dữ liệu quan trắc rất ổn. Vậy cách mà cơ quan chức năng sử dụng dữ liệu này như thế nào? Ứng phó như thế nào? Phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án thế nào? Có công khai cho dân biết không? Và chính những người dân bị vùi lấp có được thông tin về nơi họ đang ở có nguy hiểm hay không?

Dữ liệu có, tiền có. Tại sao phương án chủ động phòng chống lụt bão và các tiêu lệnh cho dân ở tại vùng nguy hiểm không có?

Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn trả lời ngay cho dân biết? Không xây dựng được phương án hoặc xây dựng phương án không hiệu quả, rồi Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn có thối tiền lại cho ngân sách không? Ai bồi thường tính mạng cho Nhân Dân ?

Tính mạng Nhân Dân đâu phải là cọng rơm, hạt cát!

Bài viết liên quan