Quản lý dự án điện tiết lộ: Chỉ cần 1 dự án thủy điện nhỏ, ăn mấy đời không hết

Mình quen một ông cỡ trung trung trước đây làm quản lý, điều hành các dự án điện ở miền Trung và Tây Nguyên của ngành điện (EVN). Bẵng đi hơn chục năm không gặp, năm ngoái gặp lại ông ta trong một chuyến du lịch và thấy ông ấy béo tốt, trắng trẻo, sang trọng, khác hẳn khi ông ta còn ở công trường.

Ông ta khoe: Về hưu sớm và làm chủ đầu tư 2 dự án thủy điện nhỏ ở miền Trung, tiền nhiều ăn mấy đời không hết… Thủy điện thường ở trong rừng sâu, mình thuê tư vấn, thiết kế, lập dự án thi công, dòng chảy, đập tràn, phá rừng, ngăn sông …, các ông phê duyệt ngồi bàn giấy, có biết gì đâu, chỉ cần có tiền là xong hết, là thu lãi lớn… Chỉ riêng việc bán gỗ quý, khoáng sản đã ối tiền …

Cả một giai đoạn dài, phong trào làm thủy điện nhỏ, làm xi măng, xây NM bia, NM đường (nhiều nhất là thủy điện nhỏ, thủy điện cóc) phát triển ồ ạt, rầm rộ như nấm sau mưa rào và quy hoạch phát triển của các ngành này gần như bỏ ngỏ, mạnh ai nấy làm. Nếu không có quy hoạch thì xin quy hoạch, nếu không nằm trong sơ đồ phát triển của ngành điện thì xin bổ sung thêm sơ đồ, thêm quy hoạch. Cứ nhiều “đạn” (tiền) mang đến nhà các quan là xong hết, phê duyệt hết…Vì thế, khó mà tưởng tượng được một đất nước cong cong, hẹp hẹp hình chữ S, hẹp nhất là miền Trung mà có tới hơn 400 dự án thủy điện nhỏ, thủy điện cóc. Nó đã cưỡng bức các dòng sông, dòng suối, chặt phá rừng nguyên sinh vô tội vạ và hủy hoại môi trường kinh khủng, mất an toàn dân sinh.

Dự án thủy điện Nước Biêu, công suất 14 MW thuộc lưu vực Sông Tranh (Huyện Nam Trà My, Quảng Nam) là một ví dụ. Dự án đã làm mất hơn 16 ha rừng nguyên sinh, hệ sinh thái gồm cả những cây gỗ có đường kính hơn 2 m.

Một ví dụ khác là nhà máy thủy điện Chà Và có công suất 7MW, xây dựng mới trên sông A Mó, huyện Nam Giang, Quảng Nam đã tàn phá 14 ha rừng, hầu hết các muông thú nhóm lớn đã di chuyển đi nơi khác.

Một vấn đề cũng rất nghiêm trọng là dòng chảy môi trường đã thay đổi hết sau đập thủy điện. Các nhà máy sẽ phải cắt chuyển toàn bộ dòng nước tự nhiên của sông và suối qua một ống dẫn nước về đến nhà máy.

Các nhà đầu tư luôn cam kết sẽ hoàn trả lại môi trường cái gì đã lấy đi. Nhưng đó chỉ là cam kết cho “đẹp” để được phê duyệt, để xây thủy điện đút tiền vào túi, họ không cần biết sau các dự án thủy điện sẽ mất cái gì và mất bao nhiêu và lũ lụt thiên tai khủng khiếp thế nào….

Đây chính là một thảm họa sinh thái, thiên nhiên và môi trường, an toàn dân sinh và là nguyên nhân quan trọng gây ra lũ lụt ở miền Trung vừa qua.

Vì vậy, việc hạn chế phát triển thủy điện nhỏ, thủy điện cóc phải được Chính phủ, các bộ, các ngành đặt ra cách đây 15, 20 năm. Nó cũng phải trở thành trách nhiệm và pháp lệnh của các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch, những người có trách nhiệm từ lâu rồi chứ không phải nói vuốt đuôi sau lũ lụt như Bộ Trưởng Bộ Tài – Môi Trần Hồng Hà và nhiều quan chức mới đây…

Trớ trêu thay, họ làm một đằng, nói một nẻo: Bộ Công Thương vừa phê duyệt bổ sung 2 dự án thủy điện nhỏ ở Gia Lai? Và nếu cảnh báo sớm, sẽ không có những cái chết thê thảm, thương tâm của công nhân và bộ đội ở Rào Trăng 3…

Bài viết liên quan