Phá gần 100ha rừng để làm 7 nhà máy điện gió, điện mặt trời, Quảng Trị vẫn chưa sợ cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên?

Trước đó, Huế đã chặt hạ 200ha rừng đặc dụng để làm 4 nhà máy thủy điện “cóc” trong lỗi Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và hậu quả là khi đến mùa mưa lũ các nhà máy này sạt lở khiến nhiều người thiệt mạng. Bài học Rào Trăng 3 còn đó, nay Quảng Trị lại quyết hạ gần 100 ha rừng để nhường chỗ cho 7 dự án điện gió, điện mặt trời. Phát triển nguồn năng lượng sạch là rất đáng hoan nghênh, nhưng liệu các dự án này có cần thiết đến mức Quảng Trị phải đánh đổi hàng trăm ha rừng hay không?

Huế quyết hi sinh khu bảo tồn và hàng trăm ha rừng để làm 4 nhà máy thủy điện cóc, những tưởng các nhà máy này sẽ thực hiện nhiệm vụ cao cả là giúp dân chống lũ lụt, nào ngờ khi mưa lũ về thủy điện Rào Trăng 3 – một trong 4 nhà máy nằm trong lỗi khu bảo tồn sạt lở cướp đi nhiều mạng người. Điều này khiến dư luận nghi ngại, làm thủy điện làm gia tăng lũ lụt ở miền Trung.

Thế nhưng theo PGS.TS Phan Kỳ Nam, nguyên chủ nhiệm khoa Thuỷ điện, ĐH Thuỷ lợi Hà Nội khẳng định: “Thủy điện không làm trầm trọng thêm lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên. Nó không sinh thêm nước cũng không xả nhiều hơn lượng nước mưa trong lưu vực. Thực tế, nhiều công trình thủy điện lớn đều có quy trình chống lũ”. Ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ thủy điện còn nhiệm vụ cắt và chống lũ trong mùa mưa bão, điều tiết dòng chảy, xả nước chống hạn cho vùng hạ du trong mùa khô.

Nhưng xét cho cùng, thủy điện cũng không phải vô can. Thứ nhất, tuy thủy điện có chức năng là điều tiết lũ, nhưng khi xảy ra mưa lũ đang đỉnh điểm hay qua đi thì các hồ chứa nước đua nhau xả lũ, khiến người dân rơi vào cảnh lũ chồng lũ. Thứ hai là đa số những nhà máy thủy điện ở miền Trung mọc lên thì nhiều cánh rừng bị đốn hạ. Việc phá rừng làm thủy điện mà không trồng lại rừng kịp thời chính là cơ hội để tạo dòng chảy lớn, gây nên những cơn lũ khủng khiếp theo chiều hướng: Lượng nước đầu nguồn về lớn và nhanh hơn, đỉnh lũ cao hơn, thời gian ngắn hơn. Trong khi địa hình các sông khu vực miền Trung có độ dốc lớn, lòng sông hẹp nên cường độ lũ mạnh hơn. Việc phá rừng để làm thủy điện ở những nơi như thế này là rất nguy hiểm.

Miền Trung là khu vực dải đất hẹp cần phải có những cánh rừng phòng hộ bảo vệ như tấm chắn mưa lũ nhanh chóng đổ xuống hạ lưu vì đặc trưng địa hình dốc và ngắn ở đây. Nhưng giờ nhiều cánh rừng từ Quảng Nam ra đến Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đã bị băm nát vì các nhà máy thủy điện. Vô hình chung, khi phá rừng thì người ta đã tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước. Khiến mưa lũ ngày càng nặng nề hơn.

Hậu quả là thế, nhưng riêng tại Quảng Trị, tính đến đầu 2019, tỉnh này có 8 dự án thủy điện (công suất từ 3 MW đến 64 MW) đã đi vào vận hành, phát điện: Thủy điện Quảng Trị; Thủy điện Đa Krông 1,2,3,4; Thủy điện Bản Mới; Thủy điện La Tó. Ngoài ra, sắp tới tại Quảng Trị sẽ còn hàng loạt dự án Thủy điện khác đi vào hoạt động khi nhiều dự án nghìn tỷ được cấp phép và đang trong quá trình xây dựng: thủy điện Hướng Sơn bậc 1,2,3 cả 3 dự án trên đều có thời gian hoạt động 50 năm và dự kiến sẽ đi vào vận hành khai thác thương mại cùng lúc vào tháng 8/2024; Thủy điện Hướng Phùng.

Có lẽ để làm hàng loạt nhà máy thủy điện trên, Quảng trị đã đốn hạ không ít ha rừng. Huế làm 4 nhà máy hi sinh 200ha rừng, Quảng trị làm 8 nhà máy liệu số rừng bị tàn phá có gấp đôi ở Huế?

Biết bao nhiêu cánh rừng đã mất vì phải nhường chỗ cho nhà máy thủy điện vậy mà nay Quảng trị lại một lần nữa quyết tâm tàn phá rừng để làm dự án điện gió, điện mặt trời. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt 7 dự án là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy sử dụng hơn 20 ha đất rừng; Nhà máy điện gió Phong Liệu sử dụng 3,56 ha rừng, trong đó 2,44 ha là rừng phòng hộ; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành sử dụng 38,9 ha đất rừng, trong đó có 5,4 ha là đất rừng phòng hộ; Nhà máy điện gió Hướng Tân sử dụng quy mô rừng là 3,74 ha; Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2 với diện tích rừng sử dụng là 17,6 ha; Nhà máy điện gió Tân Linh với quy mô rừng là 3,31 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,54 ha.

Như vậy, tổng số rừng bị chặt hạ nhường chỗ cho các dự án làm năng lượng tái tạo là gần 100ha. Rừng có giá trị như thế nào với con người, chắc có lẽ ai cũng rõ thế nhưng, khi chặt hạ rừng làm thủy điện các nhà đầu tư có thể chọn trồng lại rừng ở vị trí khác hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế.

Thực tế thì gần như 100% doanh nghiệp đều lựa chọn giải pháp nộp tiền, vì chi phí rất thấp so với quy mô dự án. Điển hình là 2 dự án cùng phải trồng thay thế khoảng 11,6 ha thì số tiền mà Thuận Nam – Trung Nam phải nộp lại cho tỉnh Bình Thuận là hơn 1,239 tỷ đồng, còn dự án Phong Nguyên xây dựng ở Quảng Trị lại chỉ phải nộp 346,8 triệu đồng; hay là để trồng lại 28,2 ha rừng thay thế, Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch phát triển dự án Phù Mỹ 3 đã bỏ ra 2,32 tỷ kinh phí tương đương mức tiền bỏ ra cho 1 ha rừng trồng lại là 82 triệu đồng.

Thử hỏi chặt hạ hàng trăm ha rừng, rồi chủ đầu tư nào cũng nộp tiền là xong chuyện, khi mưa lũ về không còn rừng che chắn gây ra bao cảnh tang thương ai sẽ chịu trách nhiệm đây? Chủ đầu tư hay là những người dân khốn khổ? Mưa lũ năm nay đã khiến 58 người con Quảng Trị chết và mất tích, thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Những năm tiếp theo khi hàng loạt nhà máy đi vào vận hành, thì hậu quả có thiên giảm hay tàn khốc hơn?

Thiết nghĩ, nên dừng ngay việc phá rừng làm thủy điện cóc và các dự án làm năng lượng tái tạo nếu chưa thi công, nơi nào đã xây dựng đã thi công rồi thì nên trồng rừng phủ xanh lại. Nếu không khi mẹ thiên nhiên lên cơn thịnh nộ thì sẽ chẳng ai ngăn cản nổi và hậu quả thảm khốc thế nào thì ai cũng đã rõ.

Nên lựa chọn các vùng đất hoang hóa hoặc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà bởi đây là nguồn điện có hiệu quả và dư địa rất lớn. Tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Ngay cả dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế.

T.L

Bài viết liên quan