Nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp tiếp tục chất vấn Thủ tướng về “văn hóa từ chức”

Trả lời câu hỏi của nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, văn hóa từ chức là có và đã có văn bản pháp luật về vấn đề này.

Sáng 10/11, sau phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo, làm rõ thêm các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (còn gọi là Ksor Phước Hà – đoàn Gia Lai) về việc có ủng hộ văn hóa từ chức không và công tác cán bộ có nên đưa văn hóa này vào chưa, Thủ tướng nêu rõ, Luật Cán bộ công chức đã quy định về vấn đề từ chức.

Cụ thể, cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý, không đủ năng lực, không đủ uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác chính đáng được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời gian bổ nhiệm.

Thủ tướng trả lời chất vấn của nữ đại biểu Ksor H'Bơ Khăp về 'văn hóa từ chức'Thủ tướng trả lời chất vấn của nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp về ‘văn hóa từ chức’

Thủ tướng nói thêm, Quyết định 1847 của Thủ tướng ký ban hành cũng nêu cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo chủ động xin thôi giữ chức khi thấy bản thân còn hạn chế năng lực, uy tín.

“Để có văn hóa từ chức trong cán bộ công chức cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng, Nhà nước và do mỗi cán bộ tự thấy với sự giám sát của nhân dân, cán bộ, công chức cơ quan. Văn hóa từ chức là có và đã có văn bản quy phạm pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhắc lại việc, tại kỳ họp thứ 2, ông chất vấn Thủ tướng về việc phải công minh và bình đẳng để chọn cho những người có đạo đức, có tài, có tầm, bổ nhiệm vào hệ thống cán bộ, công chức phục vụ đất nước.

“Đến nay việc đó đã làm tốt hơn chưa, chỉ số nào để đánh giá sự thành công đó?”, ông Trí hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ, đây là việc rất quan trọng trong công tác cán bộ và Chính phủ đã xây dựng đề án thí điểm đổi mới cách thi tuyển lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp Phòng, trình Bộ Chính trị, đồng thời đã tổng kết 14 cơ quan, 22 địa phương báo cáo Ban Bí thư.

“Việc này rất cần thiết và tôi tin rằng các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần có tiêu chí để thực hiện chính sách được giao là thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng trả lời chất vấn của nữ đại biểu Ksor HBơ Khăp về văn hóa từ chức - Ảnh 1.

Nữ đại biểu – Trung tá Ksor H’Bơ Khăp

Thủ tướng chỉ rõ, còn nhiều bất cập chọn nhân tài mà chúng ta đã thấy và cuối cùng con người vẫn là quyết định, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.

“Một câu hỏi lớn là người có tài đức phải tạo mọi người điều kiện, đưa vào biên chế, cất nhắc và đề bạt.

Ở đây, tôi xin báo cáo với Quốc hội, nhân tài không nhất thiết phải ở cơ quan Nhà nước mà nhân tài phải ở doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài và có thể ở hợp tác xã.

Nhưng riêng khối Nhà nước, phải tìm cách thu hút để nhiều người tài vào quản trị đất nước – một đất nước mà có quy mô dân số đến gần 100 triệu dân với nhiều vấn đề đặt ra…”, Thủ tướng chia sẻ thêm.

Vào chiều 6/11, ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đã đặt câu hỏi chất vấn tới Thủ tướng với nội dung cụ thể:

“Thưa Thủ tướng, Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải phủ rừng xanh bạt ngàn, phải xem xét vấn đề phát triển thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng. Khi nghe được tôi thật sự xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng.

Xin Thủ tướng cho biết, việc phát triển phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải chỉ mặt, điểm tên cá nhân, tổ chức nào, hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được và Thủ tướng có ủng hộ văn hóa từ chức không? Công tác cán bộ của ta nên đưa văn hóa này vào chưa?”.

Theo Pháp luật và Bạn đọc

Bài viết liên quan