Nô lệ thế kỷ 21!

Trung Quốc đang mạnh lên rất nhiều nhờ cách “thoải mái cung cấp nguồn tài chính cho nước khác rồi siết nợ bằng cách chi phối lại mọi hoạt động của quốc gia đó khi không đủ khả năng trả nợ”.

Câu chuyện “bành trướng” của Bắc Kinh thông qua chiến lược mềm là đầu tư vào các dự án kinh tế, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở các nước tuy không phải là câu chuyện mới , nhưng nó đã đang khiến cho nhiều nước phải cảnh giác, trong đó có Việt Nam.

“Vòi bạch tuộc” không ngừng lớn

Hiện nay Trung Quốc đang cung cấp các giao dịch hấp dẫn cho châu Phi, cả trong giao dịch tiền mặt và giao dịch thương mại. Chúng đều có vẻ rất có triển vọng nhưng thực ra thì rất nguy hiểm. Cái khôn ngoan của Bắc Kinh khi đầu tư ra nước ngoài là trên lý thuyết chỉ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế. Nếu nhìn bền ngoài thì nó hoàn toàn trái ngược với Washington thường tập trung về vấn đề an ninh và chính trị. Chính vì vậy, Trung Quốc thường được chính quyền quốc gia, trong đó có châu Phi ưu ái.

Pakistan đang nợ Trung Quốc ít nhất 10 tỷ USD cho việc xây dựng cảng Gwadar nên đã phải bàn giao càng chiến lược này cho Trung Quốc quản lý

Chẳng hạn: Chính phủ Zambia đã ký hợp đồng với người Trung Quốc khi không suy nghĩ gì và cố tình che đậy nhiều chi tiết nhưng tất cả mọi việc chỉ khiến sự hợp tác này biến thành chủ nghĩa thực dân thời hiện đại. Theo đó, Trung Quốc hiện đang đề xuất tiếp quản sân bay quốc tế Kenneth Kaunda nếu Chính phủ Zambia không trả được khoản nợ nước ngoài khổng lồ đúng hạn.

Người Trung Quốc cũng đang sở hữu 60% cổ phần của tập đoàn truyền hình quốc gia Zambia, điều đó có nghĩa là, người Trung Quốc có quyền quyết định những gì được hay không được công chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia.

Không chỉ người dân Zambia phải chịu đựng sức ép từ Trung Quốc. Quốc gia ở Tây Phi là Ghana cũng đang nối bước Zambia vì các nhà lãnh đạo của nước này đã bắt đầu ký kết hợp đồng với Trung Quốc. Tương tự, Djibouti nợ Trung Quốc hơn 80% GDP và năm 2017, nước này trở thành căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc.

Khu vực Châu Á, phải nói đến trường hợp của Sri Lanka đã trả nợ Trung Quốc bằng một hợp đồng thuê 99 năm và 70% cổ phần tại cảng nước sâu của nó. Hay, Maldives nợ Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP cho chi phí xây dựng hạ tầng.

Kế tiếp là Pakistan, hiện nước này đang nợ “người bạn” Trung Quốc ít nhất 10 tỷ USD cho việc xây dựng cảng Gwadar và các dự án khác trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Cụ thể, cảng Gwadar là dự án chiến lược ở tỉnh Balochistan trên Biển Ả Rập đang được Trung Quốc xây dựng theo Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá hàng tỷ USD và được coi là mối liên kết giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh và dự án Con đường tơ lụa.

Còn châu Mỹ Latinh, được biết Ecuador đã đồng ý bán 80 – 90% dầu thô có thể xuất khẩu của mình cho Trung Quốc đến năm 2024 để đổi lấy 6,5 tỷ USD tiền vay của Trung Quốc..v…v. Thực tế trên cho thấy, cách Trung Quốc tái thuộc địa châu Phi bằng cách lợi dụng sự thờ ơ và lợi ích cá nhân của các nhà lãnh đạo châu Phi phần nhiều?! Có lẽ vì thế nên có chuyên gia ví von rất hay rằng “Ký hợp đồng với Trung Quốc cũng giống như việc tự tử dần dần mà không hề hay biết”.

Sự ví von này dựa trên hiệu ứng ếch luộc, có nghĩa là nếu bạn bất ngờ thả một con ếch vào nước sôi, nó sẽ nhảy ra, nhưng nếu bạn đặt con ếch đó vào một nồi nước lạnh và bắt đầu đun nước dần dần, con ếch sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cho đến khi vượt quá khả năng của nó và chết một cách dại dột.

Bài học nhãn tiền cho Việt Nam

Việt nam cần vốn cho việc phát triển hạ tầng giao thông, nhưng phải cân nhắc kỹ khi ký hợp đồng với Trung Quốc

Đúng là, bằng các cách thức khác nhau, những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, hiện chưa có dự án giao thông nào thực hiện theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) với nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 3 này, nhà đầu tư Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm bất thường với một số dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP của Việt Nam.

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải được tham gia đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Thậm chí, doanh nghiệp này còn muốn đầu tư toàn tuyến, thay vì phân đoạn đưa ra đấu thầu quốc tế tìm nhà đầu tư theo hình thức BOT đã được Quốc hội phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị chào thầu.

Cũng trong tháng 3, một đơn vị tư vấn đường sắt Trung Quốc cũng làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về báo cáo giữa kỳ Dự án lập Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Trung Quốc với tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Trước đó, khi dự án đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) – Đồng Đăng (Lạng Sơn) được Thủ tướng phê duyệt (năm 2016), một nhà đầu tư Trung Quốc cũng vào nghiên cứu, với tuyến đường dài 144km, tổng vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không đảm bảo cho khả năng hoàn vốn qua thu phí, nên nhà đầu tư Trung Quốc đã rút lui.

Hơn nữa, thực tế các dự án lớn đang tiến hành tại Việt Nam Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận đều bị chậm tiến độ, đội vốn. Nhà thầu Trung Quốc rất khôn khi đưa vào những thiết bị lạc hậu, tìm cách kéo dài tiến độ dự án, chưa kể những góc khuất đằng sau của nhóm lợi ích. Bên cạnh đó, tổng thầu EPC Trung Quốc thường chọn việc nào dễ làm trước, việc khó để lại, đến khi chậm rồi đặt điều kiện này kia. Thậm chí họ chỉ cung cấp thiết bị đơn giản cho các nhà thầu phụ Việt Nam lắp đặt, còn những thiết bị chính thì họ không bàn giao.

Song song, công tác lập dự án, thẩm định dự án của chúng ta còn yếu kém. Đi kèm với đó là công tác giám sát còn lỏng lẻo dẫn đến không kịp thời phát hiện, làm cho tình trạng chậm tiến độ kéo dài. Từ đó khiến tổng mức đầu tư đều vượt so với dự toán phê duyệt ban đầu, làm tăng giá thành sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho rằng: “Với các dự án BOT giao thông, chúng ta là người đặt ra cuộc chơi, luật chơi và chọn đội chơi, hoàn toàn chủ động để chọn nhà đầu tư tốt. Với nhà đầu tư Trung Quốc, phải cẩn trọng hơn để đưa ra giải pháp khắc chế các chiêu trò của họ. Có Bộ trưởng từng nói, nhà thầu Trung Quốc tham nhũng do nước mình nhiều tham nhũng quá. Khi khắc phục nhược điểm của mình sẽ khắc phục được nhược điểm của người khác”.

Dẫu sao đi nữa, chúng ta vẫn phải xem xét nghiêm túc một vài trường hợp về cách các nước giải quyết các khoản vay từ Trung Quốc như nói luận điểm thứ nhất. Trung Quốc đang mạnh lên rất nhiều nhờ cách “thoải mái cung cấp nguồn tài chính cho nước khác rồi siết nợ bằng cách chi phối lại mọi hoạt động của quốc gia đó khi không đủ khả năng trả nợ”.

Và khi họ đã quá mạnh rồi thì sẽ chi phối được cả thế giới theo cách này. “Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một mạng lưới cưỡng chế quốc tế thông qua nền kinh tế săn mồi để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình”- Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ nhận định.

Xin mượn lời của Đại biểu Phạm Văn Hòa rằng: “Chúng ta đang rất cần vốn cho phát triển giao thông nhưng không vì điều đó mà đánh đổi lấy những hệ lụy, tiêu cực về sau như đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng thấp… gây tổn hại cho đất nước, nhân dân”. Cuối cùng, điều mà tôi muốn nói là “xem người ta hãy nhìn lại mình”, đó cũng chính là bài học nhãn tiền cho Việt Nam. Bởi, nô lệ thế kỷ 21 là không bao giờ bị xiềng xích, mà “họ” đang mắc nợ do sự thiếu hiểu biết hoặc lợi ích ích kỷ của các nhà lãnh đạo.

Bài viết liên quan