Miền Trung không cần cứu trợ, chỉ mong….

Tôi cũng quê miền Trung, xã tôi cũng đã vài lần được nhận gạo cứu trợ nhưng thật sự gia đình tôi và bà con trong xã không ai mong được cứu trợ cả. Ai cũng muốn mình tự lo cho cuộc sống của mình. Vì năm nào được nhận cứu trợ thì năm đó nhà cửa tan hoang, ruộng đồng bạc trắng, mùa màng thất bát, vật nuôi điêu đứng.

Nhìn các ca sĩ, diễn viên, cầu thủ, những người có tầm ảnh hưởng… đứng ra kêu gọi quyên góp, đi tặng quà cho bà con rồi bị soi, bị “ném đá’’ mà thấy buồn thay cho họ. Có những kẻ không làm được gì nhưng suốt ngày phun những lời hôi hám vào người khác, đi ném rác vào nhà người khác. Thật đáng hổ thẹn, nếu không làm/ nói được gì hay ho để động viên họ thì nên ngậm cái miệng lại.

Việc hàng dòng người bất chấp nguy hiểm để xông pha vào vùng lũ cứu trợ đồng bào mà thấy thương và lo cho họ. Bản thân họ không thôn thuộc địa hình, không quen với băng rừng, vượt bão, tôi tin họ cũng không muốn làm vậy, họ cũng muốn chuyển việc này cho các cơ quan đoàn thể, chính quyền phân phát tới người dân. Nhưng họ đã mất niềm tin vào những cơ quan đó, họ sợ lòng tốt của mình bị lợi dụng, họ sợ tiền cứu trợ lại đi nhầm đường kiểu như dê đi lạc vào nhà quan, gạo đổ vào hang chuột, tiền bay lên… chùa. Vì ngoài đường giờ có nhiều kẻ ăn không trừ thứ gì.

Chẳng lẽ mỗi năm khi mùa mưa lũ về thì người dân miền Trung lại sống trong nơm nớp lo sợ? Chẳng lẽ người dân cả nước lại phải đi cứu rỗi người dân miền Trung năm này qua năm khác? Người đi cứu và người bị cứu liệu có vui? Tại sao thủy điện cóc vẫn liên tiếp mọc lên ở thượng nguồn kề bên những cánh rừng nguyên sinh? Những bộ bàn ghế bằng gỗ nguyên khối ở đâu ra, phục vụ ai? Khi nào thì ngưng san rừng, ủi núi để xây chùa? Thủy điện, chùa, gỗ khối mang lại được lợi ích gì cho người dân miền Trung?

Người miền Trung gan góc, can trường, chịu khó, họ có thể sống tốt bằng đôi tay của mình, họ không cần và không mong được cứu trợ. Họ muốn mọi thứ được nguyên sơ, trả họ về với thiên nhiên, nơi đó có rừng xanh bao la, không thủy điện, không chùa chiền.

Mai Quoc Binh

Bài viết liên quan