Mẹ thiên nhiên đã vạch trần tội ác trắng trợn của những kẻ phá rừng, khiến mạng rừng đổi lấy mạng dân

Giữa lúc dân còn đang chạy bão số 9, thủy điện Đăk Mi 4 vẫn ngang nhiên xả lũ với lưu lượng khủng 11.400m3/s đẩy người dân vào cảnh trở tay không kịp, toàn bị tài sản bị cuốn phang không còn lại gì. Cũng qua cơn bão, mẹ thiên nhiên đã bày ra hàng ngàn m3 gỗ rừng tự nhiên tấp kín mặt nước để tố cáo tội ác của những kẻ đã ra tay tàn sát rừng. Dù những kẻ thủ ác không phải trực tiếp hứng nhận quả báo từ việc làm của chúng mà là người dân, nhưng mẹ thiên nhiên sau cùng đã vạch trần thủ phạm của những cơn bão lũ.

Theo thống kê của huyện Nam Giang cho thấy gần như toàn bộ nhà dân nằm dọc sông dưới hạ nguồn thủy điện Đắk Mi 4 đã ngập chìm trong biển nước sau lũ. Nhiều người có nhà cửa bị trôi, đổ sập ở các xã như Cà Dy, thị trấn Thành Mỹ… đã bật khóc trước mắt đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Cũng sau cơn bão, hàng ngàn mét khối gỗ đủ loại trôi tấp trên một khu vực rộng hàng trăm mét vuông lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 thuộc xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Đó là một khối lượng cây gỗ rất lớn, thuộc nhiều chủng loại và kích cỡ khác nhau gồm gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng. Nhiều cây gỗ đường kính lớn, đường kính thân khoảng 60-80cm. Bên cạnh những cây gỗ tươi vừa bị sạt lở cuốn trôi thì còn có những khúc gỗ có dấu hiệu cũ, lâu năm.

Thử hỏi, nếu không có người đốn thì từ đâu ra mà có những khúc cây, đã được lột cả vỏ, cắt gọn cả thân cây thành từng khối có đường kính từ 60-80cm? Nếu là sạt lở khiến cây đổ thì lá cây đâu, ngọn cây đâu? Hay đó là hàng loạt khối gỗ đã được đốn sẵn, giấu trong rừng sâu và sau mưa bão, tất cả đã được nước lũ cuốn về hạ nguồn, phơi bày toàn bộ cho dân thấy?

Kể cũng lạ, các vị báo cáo tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 42% cơ mà, tại sao cái thứ được gọi là “rừng” ấy lại không có khả năng giữ đất, giữ nước? Hay “rừng” mà các ngài nói chỉ toàn là cây non, keo, cao su,… mới được trồng sau khi bị đốn, yếu ớt, vô tác dụng trước dòng nước lũ do thủy điện xả ra? Gian dối và nguỵ biện của các thể loại báo cáo của các ngài chỉ thể hiện một cách rõ nét sự vô liêm sỉ và bất lương của các ngài!

Những gì người dân huyện Nam Giang đã phải gánh chịu, trách nhiệm từ việc xả lũ của thủy điện Đắk Mi 4 là điều không thể chối bỏ, nhưng tội ác của những kẻ phá rừng cũng không thể nào dung tha.

Dân ta dù có kiên cường, mạnh mẽ thế nào cũng không thể nào chịu nổi 1 tháng tới 13 vụ sạt lở chết người. Những con số biết nói đã vạch trần hết mọi tội ác mà các vị đã gây ra cho dân: 253 người chết và mất tích, trên 201.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái, thiệt hại hơn 17.000 tỷ đồng!

Nếu các ngài lắng nghe dân và thương dân thật thì tại sao năm nào cũng bão, cũng lũ, nhưng chẳng có năm nào thấy tình hình cải thiện hơn, công tác phòng cống bão lũ chuyên nghiệp hơn? Số tiền 3.396 tỷ cho Quỹ phòng chống thiên tai đã được sử dụng như thế nào mà một cơn bão được dự báo trước 7 ngày nhưng dân vẫn thiệt mạng, tài sản vẫn bị cuốn phăng?

Một tỉnh nghèo như Quảng Nam, với địa hình núi non hiểm trở, lại phải gánh tới 47 dự án thủy điện (36 dự án đã được triển khai). Chẳng cần biết hậu họa, an nguy của dân, các vị mặc sức trải thảm đổ mời DN thủy điện đầu tư. Để rồi cứ đến mùa mưa, các thủy điện này thay phiên nhau xả lũ bấp chấp tình hình dân chúng thế nào. Động lực nào khiến các ông sẵn sàng đẩy đồng bào mình vào “chỗ chết”? Là món hời từ hàng ngàn ha gỗ rừng tự nhiên, là cái gọi là “vì sự phát triển của tỉnh”?

Vậy mà đến khi dân ý kiến các ông vẫn có thể ngang nhiên bênh vực cho thủy điện rằng: “Nếu không có hồ thủy điện Đăk Mi 4 thì toàn bộ lượng nước trong mưa lũ đã tràn xuống khu dân cư từ trước khi nó xả”. Xin thưa, nếu không có Đăk Mi 4 thì đã không có hàng ngàn ha rừng bị đốn bỏ, và sẽ không có chuyện bão lũ và sạt lở khủng khiếp như vậy thưa các vị.

Đừng cố bao biện cho những tội ác mà các vị đã gây ra và hãy kịp nhận sai, sửa chữa trước khi quá muộn. Đề nghị các vị đánh giá lại toàn bộ các khu rừng, các thuỷ điện trên khắp cái đất nước này để nhìn rõ các “nhân tai” của chính các vị, để đừng leo lẻo đổ cho thiên tai nữa nhé!

Bài viết liên quan