Kỳ vọng mới vào những nhà lãnh đạo cũ

Không còn nghi ngờ gì nữa, Covid-19 sẽ sống lâu dài, và có thể là vĩnh viễn với loài người, giống như nhiều chủng virus khác. Thế giới đang được tái cấu trúc mạnh mẽ bởi đại dịch này.

Và Việt Nam có cơ hội.

Đại hội XIII của Đảng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mô tả là “rất thành công”. Các văn kiện được thông qua, Điều lệ Đảng không phải sửa, và ban lãnh đạo mới đã được bầu.

Hôm Báo Tuổi trẻ giới thiệu danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư kèm theo tựa đề: “Lãnh đạo mới, đột phá mới”, đã bị một số bạn đọc bắt giò: “toàn những gương mặt cũ mà, có mới mấy đâu”!

Vâng, đúng là toàn người quen cả. Bởi trong thể chế chính trị của chúng ta, một người để vào ngồi “ghế” BCT, BBT thì phải qua một quá trình thăng tiến tuần tự khá lâu dài, kinh qua nhiều chức vụ, tầng nấc.

“Cũ” nhất trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới hẳn nhiên là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đã 5 khoá liên tục là Uỷ viên BCT, khoá thứ 3 liên tiếp là Tổng Bí thư. Trước Đại hội, dự một cuộc họp Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN, được nghe ông Nguyễn Túc – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hoá xã hội của Mặt trận – phát biểu rằng nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân mong muốn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử, để tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, nói nôm na là để giữ cho “lò” tiếp tục cháy.

Ngoài Tổng Bí thư, phần lớn các thành viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ đảm nhận các vị trí mới so với vị trí họ nắm giữ trước Đại hội. Ngoài các QĐ số 01 và 02 đã được Tổng Bí thư ký, phân công ông Võ Văn Thưởng làm Thường trực BBT, ông Trần Tuấn Anh làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thì dư luận cũng đã phần nào “xem hình đoán ghế” dựa vào phân tích thứ tự trong danh sách trúng cử được công bố, ví dụ như danh sách trúng cử Trung ương Khoá XIII khi công bố lần lượt là Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Xuân Phúc – Phạm Minh Chính – Vương Đình Huệ – Võ Văn Thưởng (thì vị trí A5 đã được phân công cho ông Thưởng); hay là tấm hình trong phòng họp BTC hôm nay được TTXVN công bố, ngồi hai bên phải – trái Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, phía đối diện, Bí thư thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ ngồi vào vị trí chiếc ghế mà nhiệm kỳ trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ngồi.

Như đã nói, thành viên BCT, BBT khoá này đều là gương mặt cũ, gương mặt quen thuộc thôi, nhưng họ sẽ giữ những cương vị mới, có người giữ vị trí rất khác so với vị trí cũ.

Và như vậy, kỳ vọng mới được đặt ra đối với mỗi người.

Trả lời phỏng vấn trên Tuổi trẻ số báo tân niên xuân Tân Sửu, tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng muốn đất nước thịnh vượng thì giai đoạn tới phải dồn lực đầu tư cho sản xuất. Đúng quá rồi, không làm ra của cải vật chất thì lấy gì mà thịnh vượng. Trong nhiệm kỳ giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh và đội quân của ông đã kết thúc thành công nhiều hiệp định thương mại tự do với nước ngoài, hoạt động thương mại với quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ cũng đạt được bước tiến rất lớn.

Nhưng, phần việc rất quan trọng khác của Bộ Công thương là thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, năng lực sản xuất công nghiệp của khối DN trong nước, thì không được như kỳ vọng. Chính vì vậy, chúng ta trông đợi trên cương vị mới, ông Tuấn Anh cùng Ban Kinh tế Trung ương sẽ hoạch định chính sách vượt trội để thúc đẩy các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp phát triển. Mười mấy cái FTA chỉ thực sự có ý nghĩa, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế VN khi mà năng lực sản xuất trong nước tiến bộ.

Cũng xin mở note nói thêm, người tiền nhiệm của ông Tuấn Anh, cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình, bị kỷ luật trước Đại hội vì những khuyết điểm, vi phạm khi đương chức Thống đốc. Nhưng xin nhớ cho rằng, để hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, hỗ trợ bảo đảm các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế trong nhiệm kỳ vừa qua, đã được xuất phát từ các chính sách “sửa sai” rất tốt từ thời Thống đốc Bình.

Nếu mà nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay” thì có thể dẫn chứng ngay ở lĩnh vực Ngân hàng thời ông Lê Minh Hưng làm Thống đốc. Kể từ khi Hồ Chí Minh lập quốc với việc “thừa kế” mấy ngàn đồng bạc Đông Dương rách nát, bước qua chiến tranh đến thời bao cấp đi vay từng bữa, thì việc đạt con số dự trữ ngoại hối gần 100 tỉ USD thời Thống đốc Hưng là chưa bao giờ có được.

Vâng, và ngành ngân hàng cũng đã “thắng lợi” giòn giã với việc 2 đương kim Chủ tịch các Ngân hàng thương mại Nhà nước và nhiều cán bộ xuất thân ngành này trúng cử Trung ương Khoá XIII.

Thời điểm Báo Tuổi trẻ đưa tin đầu tiên về việc Thống đốc Lê Minh Hưng được miễn nhiệm chức Thống đốc để làm Chánh văn phòng Trung ương, nhiều bạn đọc không hiểu lắm về cấu trúc chính trị của chúng ta đã nhắn tin hỏi chúng tôi là “ông Hưng bị kỷ luật hay sao mà đang làm Thống đốc có uy tín, ngành phát triển ổn định như vậy, lại bị điều đi làm công tác văn phòng”. Tôi phải giải thích mãi, là công tác văn phòng, nhưng là Văn phòng Trung ương Đảng!

Ông Lê Minh Hưng cùng với ông Võ Văn Thưởng là hai thành viên trẻ nhất trong BCT, BBT khoá mới (cùng sinh năm 1970), các ông còn tối thiểu hai lần tái cử nữa. Thật thú vị, trong BBT đương nhiệm, đứng đầu là người cao niên nhất đã 3 lần tái cử đặc biệt, và đứng ngay sau ông là thành viên trẻ tuổi nhất trong BCT và phụ trách VP cũng là người trẻ tuổi nhất trong BBT.

Lại nhớ, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhậm chức (trước đó ông là Phó Thủ tướng), tôi đã hỏi ông rằng: “Chính phủ làm việc theo nguyên tắc thủ trưởng chế, sang Quốc hội ngồi ghế chairman, ông có lo nhầm vai không?”. Ông cười: “Đảng phân công, tớ sẽ quen dần thôi. Mà nếu có lúc nào đó tớ nhỡ có nhầm theo thói quen thì anh em cứ nhắc”.

Với phóng viên mài gót giày lâu năm bên hành lang Quốc hội như bọn tôi, nhớ nhất là hình ảnh Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng hồi còn Hội trường Ba Đình cũ, giờ giải lao xuống căng tin làm vài cốc bia kèm mấy củ lạc, nói chuyện vui vẻ với phóng viên. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông để lại dấu ấn ở bản hiến văn 2013 với nội dung tiến bộ, tạo tiền đề cho cải cách kinh tế và tái cấu trúc bộ máy.

Người kế nhiệm ông Hùng và là nữ Chủ tịch QH đầu tiên cũng từng ở các cương vị Thủ trưởng chế, bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Nhớ hồi còn Hội trường Ba Đình cũ, khi bà được phê chuẩn làm Bộ trưởng (Bộ LĐ,TB&XH), chị Vân Anh phóng viên VNN hỏi ngay bên vườn hồng rằng “chị có thấy là chị rất đẹp không?”. Đáp lại, nữ Bộ trưởng cười, và tôi thấy bà hơi đỏ mặt. Bà Ngân cũng từng giữ chức thứ trưởng Bộ Tài chính.

Nay, ngành tài chính thêm một lần nở mày nở mặt khi đương kim Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã bước vào BCT. Ông Dũng từng là thứ trưởng Bộ Xây dựng, luân chuyển làm Chủ tịch Điện Biên để phục vụ xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, làm bí thư tỉnh Ninh Bình trước khi được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán, rồi phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính (ông Dũng là người kế nhiệm ông Vương Đình Huệ ở 2 vị trí này). Chiều nay ngồi với bà hàng nước, bà bảo nếu Hà Nội được đón một người biết thu tốt chi giỏi kiểm đếm đủ và phân bổ hợp lý các nguồn lực thì Thủ đô sẽ khá lên thôi.

Trước khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng cũng giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Nay, với việc được xếp số 4 trong danh sách trúng cử, cùng với vị trí ngồi mới trong phòng họp Bộ Chính trị, nhiều người đã biết được nơi mà đương kim Bí thư Vương Đình Huệ sẽ đến.

Một nhân vật cá nhân tôi thấy rất thú vị khi ông lần đầu tiên tham gia BCT khoá này, chính là thượng tướng Phan Văn Giang. Tướng Giang đã quá tuổi tái cử Trung ương theo quy định, nhưng ông là một trong số trường hợp đặc biệt được giới thiệu. Chắc chắn, vị tướng trận sẽ giữ một vị trí cao hơn khi được Trung ương bầu làm một trong số các thành viên lãnh đạo cao nhất của Đảng. Khi chiến tranh biên giới 2/1979 xảy ra, ông Giang là một người lính chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng.

Tôi xin được nhắc đến một người lính khác có mặt trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Trung Quốc, tại mặt trận ác liệt Vị Xuyên (Hà Giang), cũng tái cử Trung ương lần này, là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Phân bổ nguồn lực quốc gia là vấn đề hệ trọng đối với các mục tiêu phát triển Đất nước. Các đại biểu dự Đại hội Đảng chắc chắn là có lý do để “giữ” ông Dũng ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Bộ này cũng rất thành công khi có nhiều cán bộ xuất phát từ đây đang giữ cương vị lãnh đạo cấp tỉnh khắp Bắc Trung Nam.

Cuối cùng, một đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu Đại hội Đảng đề ra, thì vai trò trọng yếu được đặt lên vai Chính phủ kiến tạo. Những đóng góp của cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ nhiệm kỳ này đã rõ, nhìn thấy qua từng con số. Những người chứng kiến sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và tận mắt cảm nhận hình hài mới miền Đông Bắc của Tổ quốc có lý do để kỳ vọng vào tố chất của Thủ tướng nhiệm kỳ tới.

Tất nhiên, phát triển một quốc gia với nhiều khu vực còn khó khăn, với 63 tỉnh, TP với các vùng văn hoá, các tập hợp ích khác nhau, là việc rất khác so với thúc đẩy thay đổi diện mạo một tỉnh, một thành phố. Tôi nhớ hồi xưa đọc Lý Quang Diệu, ông có thuật lại câu chuyện giữa ông và Đặng Tiểu Bình. “Đặng ca ngợi sự phát triển thần kỳ của Singapore và muốn tìm hiểu kinh nghiệm, nhưng Đặng cũng tự tin nói: nếu tôi chỉ có Hongkong, tôi sẽ làm cho nó phát triển hơn cả Singapore của ông, nhưng tôi còn cả Trung Quốc”!

Từ khóa:
Bài viết liên quan