Họ đang “xé nhỏ” dự án đường cao tốc Bắc Nam, qua mặt dân để âm thầm triển khai?

Sau khi đưa ra con số 58,7 tỷ đô cho “trục xương sống quốc gia”, đại dự án Đường Cao tốc Bắc Nam và bị dư luận lên án gay gắt, ngành giao thông bèn nghĩ kế xẻ đường và đề nghị Thủ tướng chính phủ thông qua chủ trương khởi công một số đoạn đường? Đây là âm mưu “xâm thực” từng khúc nhỏ, giải quyết những phản đối của xã hội về một dự án quá tốn kém và đặt việc xây dựng Cao tốc Bắc Nam như là một việc đương nhiên, trước khi dự án khủng phải được thông qua bởi Quốc hội?

Hồi cuối tháng 6, báo chí đồng loạt đưa tin: 3 dự án cao tốc Bắc – Nam chuẩn bị khởi công. Trong khi 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công – tư vẫn đang trong quá trình sơ tuyển nhà đầu tư, thì 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ – Mai Sơn, Cam Lộ – La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) đã tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công xây dựng.

Như vậy, trước việc dự án cao tốc Bắc-Nam chiều dài 2.109km, kinh phí 58,7 tỷ đô làm bùng nổ phản ứng của người dân đã nhanh chóng được ngành giao thông giải quyết bằng cách tìm cách khởi sự bằng một đoạn Cam Lộ-La Sơn dài trên 98km, đi ngang Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với chi phí 7.699 tỉ đồng – tức 331 triệu USD.

Bên cạnh tuyến đường Cam Lộ-La Sơn, các quan chức GTVT cũng đã tiến hành xây dựng đoạn đường Cao Bồ-Mai Sơn (15km, 1.607 tỉ đồng / 69 triệu USD) và cầu Mỹ Thuận 2 (7km, 5.003 tỉ đồng/215 triệu USD).

Không cần biết tổng dự chi 58,7 tỷ đô cho toàn dự án có được phê chuẩn hay không, Bộ GTVT vẫn dự trù tiến hành thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư; từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu và sẽ đánh giá hồ sơ mời thầu và tháng 3.2020 sẽ thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Theo một nhà đầu tư trong nước, ông Trần Văn Thế – phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư Đèo Cả là công ty đứng đầu liên danh tham dự sơ tuyển ở 3 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam thì các nhà đầu tư trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển vì không đáp ứng được những yêu cầu sơ tuyển của Bộ GTVT đưa ra. Yêu cầu đó là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án. Tức là các nhà đầu tư Việt Nam phải có 11,7 tỉ đô trong tay thì mới nói chuyện làm ăn! Phải chăng đây là điều kiện để diệt Việt rước Tàu vào con đường Cao tốc Bắc Nam?

Trước vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có chỉ đạo: “yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia một số tuyến của dự án này”. Đây là điều mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn, nhưng có lẽ Bộ GTVT không muốn, nên mặc dù có nghe chỉ đạo nhưng cố tình bỏ ngoài tai hay chăng?

Thực tế ở nước ta, nhiều doanh nghiệp tư nhân VN hoàn toàn có khả năng làm những dự án giao thông có quy mô lớn. Như cao tốc Hạ Long – Vân Đồn tổng chiều dài hơn 84km, vốn 12.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư. Hay cao tốc Vân Đồn – Móng Cái gần 11.200 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư vừa được khởi công. Không ai có thể nghi ngờ năng lực của nhà đầu tư tư nhân này sau khi đã đầu tư thành công sân bay tư nhân đầu tiên của cả nước là Vân Đồn và rất nhiều dự án “khủng” khác.

Không những thế, nhà đầu tư trong nước còn làm hầm Đèo Cả vượt tiến độ, giảm tổng mức đầu tư từ 15.600 tỉ đồng xuống còn dưới 12.000 tỉ đồng, nhờ đó dư ra gần 4.000 tỉ đồng để làm tiếp hầm đèo Cù Mông. Chưa có nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu Trung Quốc nào làm lợi được như thế. Việc này là thực tế mà tại sao những người làm trong ngành giao thông nhẽ ra phải hiểu rõ hơn cả nhưng lại cố tình ngó lơ?

Với việc đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang dở dang vì còn 1% chưa hoàn thành, mặc dù Bộ trưởng Thể nhiều lần hứa hẹn nhưng Trung Quốc hoàn toàn có thể dựa vào điểm yếu này để gây sức ép buộc VN phải giao Cao tốc Bắc Nam cho nhà thầu của Tàu, nếu không sẽ không hoàn thiện đường sắt ở Hà Nội.

Mặc dù vậy, lật ngược lại vấn đề, hơn 97 triệu người dân VN hoàn toàn có thể dựa vào chính sự dở dang của Cát Linh Hà Đông để kiên quyết phản đối nhà thầu Trung Quốc làm cao tốc Bắc Nam. Vấn đề là ai thắng?

 

 

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan