Đại biểu Tô Thị Bích Châu: Vì sao trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Quốc hội không có nữ?

ĐBQH Tô Thị Bích Châu nêu băn khoăn “vì sao trong nhiệm kỳ tới lãnh đạo Quốc hội không có nữ, Bộ Chính trị cũng ít nữ?”.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu: Vì sao trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Quốc hội không có nữ?

ĐBQH Tô Thị Bích Châu mong Chính phủ khóa tới quan tâm 2 vấn đề

Chiều 29/3, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Trong phát biểu góp ý, ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm đến chất lượng công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là trong công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, đặc biệt cấp chiến lược. Theo ĐB Châu, phụ nữ Việt Nam không kém cỏi, nếu không nói trong mọi thời kỳ đều có những người làm rạng danh cho đất nước.

Nữ ĐB này cho rằng, bà thấy thất vọng “vì sao trong nhiệm kỳ tới lãnh đạo Quốc hội không có nữ, Bộ Chính trị cũng ít nữ?”. (Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV, trong lãnh đạo Quốc hội đều có nữ – PV).

“Điều này cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ vừa qua chưa nêu gương, chưa chất lượng, chưa khách quan và chưa thật sự dân chủ. Mong Chính phủ và Quốc hội thật sự quan tâm, ĐB Châu nói.

Bà Châu nêu 2 vấn đề mong Chính phủ khóa tới quan tâm.

Thứ nhất, bà Châu kiến nghị, Chính phủ thật sự là Chính phủ điện tử, Chính phủ kiến tạo khi cải cách hành chính phải có quy định về thời gian trả lời cho những công văn do địa phương gửi đến và có chế tài, có thư xin lỗi nếu chậm hoặc không trả lời.

Thứ hai, bà mong Chính phủ và Quốc hội đầu tư cho giao thông miền Nam như với giao thông miền Bắc, đặc biệt là giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, nơi là vựa lúa lớn nhất nước, nơi sản xuất và lưu thông hàng hóa lớn nhất nước…

Tuần này, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Thủ tướng và Chủ tịch nước

Góp ý về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận xét, đây là bản kiểm điểm rất chân thành của Tổng Bí thư trên cương vị nguyên thủ Quốc gia. Ông nêu, trong báo cáo Chủ tịch nước có 2 giãi bày: Thứ nhất do điều kiện tuổi tác nhưng Chủ tịch nước đã có cách phân công, ủy quyền để cho việc nước suôn sẻ, đất nước vẫn thanh bình; Giãi bày thứ hai, Chủ tịch nước rất cân nhắc, thấu đáo khi xem xét các vụ án để ân giảm án tử hình.

“Tôi thấy ở cương vị là nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch nước đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ mới, Chủ tịch nước cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các cơ quan tư pháp”, ĐBQH Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu: Vì sao trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Quốc hội không có nữ? - Ảnh 2.
ĐB Lê Thanh Vân.

 

ĐB Nguyễn Lân Hiếu: “Rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào Giáo dục và Y tế”

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) nêu 3 vấn đề trong nhiệm kỳ vừa qua và mong nhiệm kỳ mới của Chính phủ tìm ra câu trả lời, đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn.

Vấn đề thứ nhất, theo ông Hiếu, kiến nghị của cử tri được các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH gửi tới nhưng chưa được Chính phủ trả lời, hoặc thống nhất kết luận nhưng chưa thực hiện. Theo số thống kê con số này lên tới hàng trăm.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu: Vì sao trong nhiệm kỳ tới, lãnh đạo Quốc hội không có nữ? - Ảnh 3.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu.

“Liệu chăng Chính phủ nên tổng kết các kiến nghị có số lượng Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đề xuất nhiều nhất, đề xuất nhiều lần nhất và công khai các ý kiến này ở các kênh thông tin đại chúng, như Cổng thông tin điện tử Chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát”, ông Hiếu nêu.

Vấn đề thứ hai, ông Hiếu nói, việc xây dựng, soạn thảo các đạo luật được Quốc hội giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành, cần cách làm khác, minh bạch hơn để đảm bảo tiến độ, đặc biệt chất lượng các đạo luật.

“Đừng để nhiều dự thảo luật khi đưa ra còn nhiều thiếu sót gây bức xúc trong dư luận xã hội”, ĐB Hiếu đặt vấn đề.

Thứ ba là các vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội. Theo ông, các vụ phạm pháp càng ngày càng tăng theo thời gian, khiến cử tri không khỏi lo lắng với câu hỏi, liệu xã hội ngày nay có bất ổn hơn không, mặc dù tất cả chúng ta đều khẳng định là chưa bao giờ đất nước có tiền đồ đẹp như ngày hôm nay.

“Kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn” ông nêu và đặt vấn đề, phải chăng nghiệp vụ điều tra, truy tố của chúng ta tốt hơn nên phát hiện nhiều vụ hơn mà trước đây bỏ sót, hay vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng khiến cho nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật.

“Nhưng theo tôi, lý do chủ yếu là chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức tới giáo dục đạo đức, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả ngành giáo dục là điểm kém sáng nhất trong bức tranh Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực Giáo dục và Y tế, 2 trụ cột của an sinh xã hội để đất nước phát triển bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phục và mạnh khỏe”, ông Lân Hiếu nhấn mạnh.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Từ khóa:
Bài viết liên quan