Có thật “khách quý tới, chủ nhà đi vắng” như một số người chỉ trích, xuyên tạc?

Sự kiện Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa TT Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đang là tâm điểm của dư luận thế giới. Con số hơn 3000 nhà báo quốc tế đăng ký tham dự theo dõi sự kiện này đã chứng minh điều đó. Thế nhưng giữa tâm bão, thay vì có cái nhìn nhận đầy đủ và khách quan thì một số ý kiến lại lợi dụng chuyến công du Lào của TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng để buông lời sỉ vả, thậm chí mạnh miệng rằng “Trung Cộng không cho Trọng tiếp Trump nên phải chạy trốn”. Nghe thật buồn cười! 

Nếu so sánh với các cuộc gặp cấp cao APEC hay các hội nghị quốc tế mang tính thường niên thì cuộc gặp tay đôi này không lớn về quy mô số lượng nguyên thủ quốc gia tham dự nhưng xét về giá trị lịch sử và tác động đến quan hệ ngoại giao chính trị Châu Á nói riêng và toàn cầu nói chung hội nghi thượng đỉnh Mỹ – Triều mở ra nhiều khả năng lớn chấm dứt một nguy cơ hạt nhân ở Châu Á, chấm dứt cuộc chiến tranh hai miền Triều Tiên- Hàn Quốc, đảo ngược 180 độ quan hệ căng thẳng Mỹ – Triều hơn nửa thế kỷ qua…

Với Việt Nam, việc được chấp nhận đăng cai hội nghị đã là thành công lớn về ngoại giao. Báo Sputnik của Nga đã dự báo: Nếu quả thực hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại VN một cách suôn sẻ, VN sẽ nhận được nhiều lợi ích về mặt song phương và đa phương. Cụ thể, về mặt song phương, việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều một cách tích cực thông qua vai trò chủ nhà cuộc gặp sẽ giúp VN trở thành đối tác tin cậy hơn nữa đối với không chỉ Mỹ và Triều Tiên mà còn cả Hàn Quốc. Trong bối cảnh VN đang rất cần những đối tác chiến lược thực sự tin cậy để đối phó với các thách thức về kinh tế, về vấn đề biển Đông, có được sự tin tưởng từ Mỹ và Hàn Quốc sẽ là sự khích lệ rất quan trọng đối với ngoại giao VN.

Trước sự kiện trọng đại này, chiều 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai nhấn mạnh đây là sự kiện quốc tế quan trọng, được thế giới đặc biệt quan tâm. “Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên (lần hai) khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế”.

Sự kiện được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sáng 24/2 tại Trung tâm báo chí quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao một số việc cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng TP. Hà Nội. Tối cùng ngày, ông bất ngờ quay lại kiểm tra tiến độ.

Việc tổ chức chuẩn bị cho hội nghị, đón tiếp khách quốc tế được báo chí thông tin rầm rộ, long trọng. Tuy nhiên sát ngay hội nghị, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trong đi công cán ở nước ngoài, thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ 24 – 25/2/2019 và thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia từ 25 -26/2/2019. Thế là một loạt lời đồn đoán ác ý đã được đưa ra liên tiếp, nào là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước “không được phép gặp Trump, không được thân Mỹ”, nào là “thiên triều ra chỉ thị” nên ông Nguyễn Phú Trọng phải cấp tập đi công cán nước ngoài… khiến nhiều người dân không am hiểu chính trị tỏ ra thất vọng trước việc làm của ông Trọng. Sự thật ra sao?

Trong ngoại giao, các chuyến công tác của lãnh đạo đất nước phải được lên lịch trước nhiều tháng, thậm chí cả năm trời. Để một chuyến công tác diễn ra suôn sẻ, đại diện các nhà ngoại giao hai nước phải tiến hành họp nhiều lần để đi đến thống nhất chương trình nghị sự, đội ngũ an ninh hai bên cũng phải thống nhất quy trình đảm bảo an ninh, an toàn nghiêm ngặt cho chuyến thăm được diễn ra tốt đẹp.

Không có chuyện hôm nay tôi muốn đi thăm chính thức nước anh thì các anh phải cấp tập chuẩn bị cho kịp, bỏ hết hoặc trì hoãn mọi công việc của nước anh để đón tiếp tôi. Cũng không có chuyện chuyến thăm đã được lên lịch và chuẩn bị, vì tôi chuẩn bị có khách quý – đến chính thức vào ngày tôi kết thúc chuyến thăm anh, nhưng vì QUÝ HÓA QUÁ nên tôi phải ở nhà đón tiếp, hủy ngang hẹn với anh. Thế thì còn gì là quy tắc ngoại giao? Thế chẳng phải là cái tát lật mặt dành cho nước bằng hữu Lào và Campuchia hay sao? Thế chẳng phải là mọi nỗ lực của VN trên trường quốc tế bị bôi đen trong nháy mắt ư? Thêm một người bạn quý, nhưng bạn hữu lâu năm thì không thể đắc tội.

Trong khi đó, theo truyền thông quốc tế đưa tin, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong Un chỉ vừa được chính hai nhà lãnh đạo quyết định hồi đầu tháng. Việt Nam chỉ có 2 tuần, phải đua nước rút để kịp chuẩn bị cho sự kiện chính trị đáng tự hào này – so với Singapore tới 2 tháng, các phái đoàn ngoại giao, an ninh, du lịch đã huy động mọi nguồn lực, tận dụng bằng được sự kiện chính trị này nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao vị trí đất nước trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam, đặc biệt là Biển Đông. Những công sức trên rất đáng ghi nhận.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam trưa 23-2 xác nhận Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới, cũng như sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào sáng 27/2 ở Hà Nội trước khi cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra với đầy đủ nghi thức ngoại giao dành cho khách quý trên cương vị nước chủ nhà. Thế có được gọi là một cuộc gặp chính thức, thể hiện tư cách nước chủ nhà không? Sao có thể xuyên tạc là một cuộc trốn chạy, làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia?

Tốt khen, xấu chê. Nếu các lãnh đạo hành động đúng, có lợi cho quốc gia thì cũng cần ghi nhận. Nếu hành động không đúng, phá hoại lợi ích quốc gia thì mới cần lên án, phản biện, đấu tranh để các lãnh đạo nhìn nhận lại và thay đổi kịp thời. Thế mới là yêu nước!

(Anh Bùi)

Bài viết liên quan