Chuyện khó tin, Phó Hiệu trưởng sao chép cả văn bản của Thủ tướng để thành Tiến sĩ

“Cơ quan chức năng, thanh tra Bộ Công thương đang tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp của ông Long”, ông Hùng cho biết.

Vụ việc ông Trần Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng chép cả văn bản của Thủ tướng để trở thành tiến sĩ gây xôn xao dư luận đang được Bộ Công thương tiến hành thanh tra.

Ngày 25/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Công thương) cho biết, cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra theo đơn khiếu nại về việc sao chép trong quá trình làm luận án tiến sĩ của ông Trần Hoàng Long.

“Hiện nay cơ quan chức năng, thanh tra Bộ Công thương đang thanh tra, kiểm tra, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ báo lại sau. Còn bây giờ tôi chưa thể phát ngôn, nêu quan điểm gì được”, ông Hùng cho biết.

Như trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, đầu năm 2012, ông Trần Hoàng Long (nay là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành thương mại với đề tài: “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lịch (Viện Nghiên cứu Thương mại) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cùng hướng dẫn.

Ông Trần Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Ảnh: Ảnh: http://www.uneti.edu.vn

Trong quá trình làm luận án tiến sĩ ông Long đã sao chép y nguyên diễn văn của luận án tiến sĩ người Lào vào luận án tiến sĩ của mình, chỉ thay mỗi tên nước Lào thành Việt Nam.

Cụ thể, ông Long đã sao chép 12 trang (không dẫn nguồn) từ những giải pháp của nghiên cứu sinh Phongtisouk Siphomthaviboun (người Lào) tác giả luận án “Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến năm 2020”, chuyên ngành Kinh tế và Quản lý Thương mại, được bảo vệ tại Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngày 24/9/2011.

Ngoài ra, ông Long còn sao chép hàng chục trang (không dẫn nguồn) từ “Giáo trình Kinh tế Ngoại Thương” của Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Lưu (Nhà xuất bản Giáo dục, 2002), mà vẫn được Hội đồng nhất trí thông qua với 6/7 phiếu xuất sắc, trở thành tiến sĩ.

Hơn nữa, ông Long còn sao chép văn bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2009 khi còn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng viết bài “Đề án 30 – Bước đột phá trong tiến trình cải cách hành chính” đăng trên Báo Nhân dân số 19725 ra ngày 28/8/2009.

Nội dung bài báo đề cập đến Quyết định 30 của Chính phủ nhằm tạo sự thống nhất, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long đã chép 2/3 bài báo trên (không dẫn nguồn) vào trang 161 – 162 của Luận án tiến sĩ ở mục 3.4.2.1 “tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính khi tham gia vào hoạt động kinh doanh”.

Không chỉ chép riêng bài báo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, luận án tiến sĩ của ông Long còn chép nhiều trang chuyên đề của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).

Cụ thể, từ trang 183 – 186, mục 3.4.6 “Khuyến nghị đối với các doanh nghiệp” của Luận án, ông Long đã chép từ cuốn Thông tin Chuyên Đề số 09/2009 của Viện CIEM (không dẫn nguồn).

Được biết, ngày 3/2/2012,Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đã ra văn bản số 24/QĐ-VNCTM-ĐT, thành lập Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Trần Hoàng Long về đề tài “Hoàn thiện chính sách thương mại nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam”. Hội đồng đánh giá gồm 7 thành viên.

Ngày 2/3/2012, Hội đồng đã bỏ phiếu tán thành với 7/7 phiếu, trong đó có 6 phiếu đánh giá xuất sắc.

Giáo dục VN

Từ khóa:
Bài viết liên quan