Chọn người đứng đầu Chính Phủ có nhất định phải là một nhà kinh tế “chính hiệu”?

Trong tuần này Quốc hội sẽ họp bầu ra các vị trí đứng đầu nhà nước. Theo những thông tin không chính thức thì Thủ tướng sẽ không phải một nhà kinh tế “chính hiệu”, vậy thì sao?

Trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, xin nói một chút về sự ‘bứt phá’ kinh tế của hai địa phương nổi trội, đó là Bình Dương và Quảng Ninh.

Thập niên 1990 là thời kỳ tạo ra các nền tảng cho hiện tượng Bình Dương. Sự phát triển của Bình Dương những năm 90 không phải bài cãi, chính chủ trương “Trải thảm đỏ, đón nhà đầu tư” đã có kết quả, không chỉ là nguồn vốn mà còn là công nghệ hiện đại giúp cho Bình Dương “đi tắt đón đầu” từ tỉnh nghèo đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa khá vững chắc.

Sự gia tăng về số lượng các dự án cũng như số tiền đầu tư đã giúp kinh tế Bình Dương chuyển dịch rất mạnh, là động lực tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng giá trị xuất khẩu, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động trong tỉnh và thu hút cả lao động ngoài tỉnh.

Có thể nói, thời kỳ đó là đỉnh cao của Bình Dương (trước còn là sông Bé), mang đậm dấu ấn của người đứng đầu tỉnh – bác Sáu Phong. Đáng chú ý, bác Sáu không phải là một người chuyên ngành kinh tế, nhưng những thành tựu kinh tế mà Bình Dương đạt được chính là một minh chứng rõ ràng nhất về năng lực lãnh đạo kinh tế của bác. Và từ thời điểm đó cho đến bây giờ, ngoài bác Sáu, vẫn chưa có thêm một người đứng đầu nào của Bình Dương trở thành lãnh đạo cấp cao của đất nước. 

Xét về ưu thế, chính sách thu hút đầu tư thì Quảng Ninh so với Bình Dương cũng ‘một chín một mười’.

Trước đó, dù Quảng Ninh cũng là một tỉnh kinh tế trọng điểm, phát triển mạnh mẽ. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh mới thực sự bước vào thời kỳ đỉnh cao.

Với mức tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng Quảng Ninh vẫn đạt tăng trưởng hơn 10% – thuộc nhóm cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700USD – gấp đôi mức trung bình cả nước. Thậm chí, theo dự đoán thì Quảng Ninh còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Và Quảng Ninh được như ngày hôm nay thì ai mà chả biết công ấy thuộc về ai. Nhiều người dân Quảng Ninh đều khẳng định rằng, Quảng Ninh bắt đầu bứt phá và tăng tốc nhờ cách làm sáng tạo, quyết liệt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và cải cách hành chính của chính Bí thư Tỉnh này thời kỳ 2011-2015. “Bộ máy hành chính dưới thời Bí thư này từ cấp xã cho tới tỉnh đều hoạt động hết công suất và đến nay vẫn vậy”, ông Trần Hồng Sơn, TP.Hạ Long nhận xét.

Nếu ngày đó, vị Bí thư không quyết bấm nút thông qua Nghị quyết chuyển đổi mô hình phát triển than sang ngành kinh tế khác tiềm năng hơn là du lịch, không táo bạo chọn phương pháp quy hoạch “khác người”, mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)… đến Quảng Ninh nghiên cứu và lập quy hoạch; không thực hiện ‘đâu ra đó’ việc xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công đầu tiên trên cả nước và quyết liệt cải cách hành chính,…thì Quảng Ninh có “vụt sáng” như thế?

Điều đặc biệt ở đây là vị Bí thư ấy cũng chẳng phải một nhà kinh tế, xuất phát điểm là một cán bộ anh ninh tình báo, nhưng nhìn về thành quả của Quảng Ninh, mấy ai có thể phủ nhận năng lực điều hành kinh tế của ông?

Và vị Bí thư ấy, theo những lời đồn đoán thì rất có khả năng sẽ được chọn là Thủ tướng trong nhiệm kỳ này, cũng như bác Sáu Phong của Bình Dương năm nào.

Có một nhà quan sát quốc tế nhận định rất hay về nguyên Bí thư Quảng Ninh như sau:

“Một người vừa có một cái sự chín chắn thông qua một chiến sĩ tình báo, vừa có cả kinh nghiệm về dân sự khi làm Bí thư Quảng Ninh, một tỉnh vừa có biển, vừa có núi lại còn có cửa khẩu, rất đặc thù, có đầy đủ những cái yếu tố của Việt Nam ở trong một cái tỉnh như thế, thì nào phải ngẫu nhiên nhiều ý kiến nhận định tin tưởng, “MỘT NGƯỜI VỪA CÓ KỸ TRỊ, VỪA CÓ NHÂN TRỊ, THÌ DÙ Ở BẤT CỨ CƯƠNG VỊ NÀO CŨNG DỐC LÒNG PHỤNG SỰ”.

Thế mới nói, nếu nguyên Bí thư Quảng Ninh thực sự được chọn, người đứng đầu Chính Phủ không là một nhà kinh tế “chính hiệu” thì sao?

Thì tốt chứ sao, nhỉ!

Bài viết liên quan