Cao tốc 34.000 tỷ vừa sử dụng đã “lở loét”: nhà thầu Trung Quốc dùng bùn đắp đường, dự án bị “bán rẻ”, ăn chia từ trên xuống dưới?

Cũng nhờ báo chí và dư luận xã hội mà đường cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã chính thức bị phanh phui. Dĩ nhiên cái dự án chi chít ổ gà chỉ sau 1 tháng đưa vào sử dụng không phải như ông trưởng Ban Quản lý dự án nói là vì “trời mưa”, mà đằng sau đó là những sai phạm tày đình: nhà thầu Trung Quốc dùng bùn nạo vét để đắp nền đường, nhà thầu chính bán thầu cho nhà thầu khác, bớ xén, thay đổi vật liệu kém chất lượng,… Hệ quả là như thế nào chắc bạn đọc đã được chứng kiến. Tuy nhiên đến nay, những bên có trách nhiệm như Ban QLDA, Chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, hội đồng nghiệm thu,…vẫn chưa ai nhận trách nhiệm.

Rất mừng là Bộ Giao thông Vận tải đã phản ứng kịp thời bằng việc “kể từ 12/10 ngừng thu phí để tiến hành sửa chữa”!

Tuy nhiên, đó mới là việc trước mắt, việc sau đó mà Bộ Giao thông Vận tải cần mạnh tay làm là nhanh chóng thanh tra, kiểm tra,nếu cần thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố, có như vậy mới không TÁI DIỄN những chuyện tương tự.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc BQLDA cao tốc 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã khiến dư luận dậy sóng khi chỉ ra một trong số những nguyên nhân khách quan khiến mặt đường cao tốc chi chít ổ voi, ổ trâu, ổ gà là do… cơn mưa đầu mùa của miền Trung.

Với mức đầu tư “khủng”, giá thành xây lắp tuyến đường cũng vào dụng “khủng”, thì tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 34.000 tỷ không thể không có “vấn đề” được, mà phải nói là có rất nhiều “vấn đề” phải được xử lý.

Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư dài gần 140 km và được chia làm 13 gói thầu. Tham gia thi công dự án này gồm các nhà thầu như: Cienco1, Cienco5, Cienco6, Vina.co.nex, Coinco703, Trường Sơn – Vạn Cường và Vina.co.nex EC – Thành An,… Theo đó những vị trí hư hỏng trên cao tốc dều nằm ở tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ, mà tuyến này lại do NHÀ THẦU TRUNG QUỐC THI CÔNG.

Dự án này đã được đưa ra đấu thầu quốc tế, nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã bỏ thầu rất thấp và trúng thầu. Theo quan sát của người dân, nhà thầu này đã dùng BÙN NẠO VÉT ĐỂ ĐẮP NỀN ĐƯỜNG. Chưa hết, theo thiết kế, đơn vị thi công phải sử dụng vật liệu là trữ lượng đá khan hiếm mới đảm bảo chất lượng, thế nhưng đơn vị này đã thay thế bằng đá khác kém chất hơn, giá thành rẻ hơn. Không hiểu Ban quản lý dự án đã ở đâu khi những chuyện tày đình này xảy ra? Và ai đứng sau màn kịch “quân xanh, quân đỏ” để nhà thầu Trung Quốc có cơ hội được nhảy vào?

Công nhân mặc quần đùi vá cao tốc.

Không dừng lại ở đó, dư luận từng đặt nghi vấn vì sao sự án cao tốc nghìn tỷ cũng có sự tham gia của nhà thầu Hàn Quốc tại sao chất lượng lại tệ hại đến vậy. Công trình này được làm với giá rất cao, lại do nước ngoài thi công thì làm sao có thể gian dối?

Sự thật, sau khi trúng thầu, Nhà thầu Hàn Quốc không trực tiếp thi công mà hầu như bán thầu toàn bộ khi chưa được phê chuẩn của Chủ đầu tư và Bộ GTVT đã phát hiện việc này từ lâu nhưng không xử lý triệt để.

Cụ thể, công ty Posco E&C của Hàn Quốc được nhận thầu chính thực hiện Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi gói thầu xây lắp A5. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với Chủ đầu tư, công ty này không hề làm gì mà ký hợp đồng thuê thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc. Cụ thể, Posco E&C thuê hàng loạt công ty Việt Nam thực hiện gói thầu như: Công ty Á Đông, CTCP đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO; CTCP xây dựng cầu 75-Cienco8, …

Mặc dù có biên bản thanh tra dài tới 13 trang với rất nhiều sai phạm đã được liệt kê, có đầy đủ chữ ký của ông Phó Chánh án Thanh tra Lê Văn Doãn, công trình 34.000 tỷ vẫn bị “bán” và giờ hệ quả khôn lường bây giờ là DÂN GÁNH.

 

Biên bản thanh tra xác định việc bán thầu 100%.

Đáng hài hước và chua chát hơn khi những người có liên quan như chủ đầu tư VEC, Ban quản lý dự án,… lý giải cho sự xuống cấp của con đường nghìn tỷ này khi đổ sạch lý do khách quan mang lại. Nào là do tải trọng xe, dầu diezel chảy tràn và nhất là nước mưa đọng trên đường. Không lẽ chúng ta có những chiếc xe mà trọng tải của nó đi đến đâu “hủy hoại” đường đến đó, không lẽ vì cao tốc thu phí nên các tài xế tiết kiệm đã nghĩ ra cách xe to “cõng” thêm vài xe bé nên quá tải?. Không lẽ đi trên con đường cao tốc thu phí mà các tài xế đi toàn xe “thương tật” chảy dầu khắp đường?. Và không lẽ mới chỉ cơn mưa đầu mùa mặt đường đã hỏng vì không ai chịu ra che ô cho đường khỏi ướt?

Rồi chưa kể trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, không hiểu công tác nghiệm thu, kiểm định chất lượng công trình này thế nào mà mới vận hành được 1 tháng đã chi chít các ổ gà, ổ voi trên đường? Phải chăng công tác ấy chỉ được thực hiện “trên giấy” chứ không hề “thực hành”? Hay từ trên xuống dưới đã bắt tay nhau để cho ra lò một con đường “vỡ mật” như vậy? Nói tới trách nhiệm, ông này lại đổ cho bà nọ, rồi muôn vàn lý do “trời ơi đất hỡi” được đưa ra mà chẳng thấy ai ngượng miệng.

Dù sao thì dù, trong vụ này Bộ Giao thông Vận tải cũng có liên đới, vì đã “gửi trứng cho ác” khi những người có trách nhiệm trong Ban quản lý đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi làm ăn vô trách nhiệm. Chính đây là nguồn cơn dẫn tới một dây chuyền làm ăn sai trái từ trên xuống dưới như vậy.

Một công trình giao thông lớn, có giá lên đến hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương 1,65 tỷ USD chúng ta phải đi vay để về phát triển hạ tầng giao thông chứ không phải giấy lộn mà có thể phung phí, gây thất thoát rồi ung dung vô can, nói những lời xằng bậy là điều không thể chấp nhận được.

34.000 tỷ, một con số không hề nhỏ. Và với kiểu làm ăn chộp giựt, rút ruột, đánh tráo như vậy rốt cuộc giá trị thực sự của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chiếm được bao nhiêu % trong tổng con số đó? Vốn ODA chỉ nên vay khi hiệu quả sử dụng cao hơn chi phí, tuy nhiên thực tế khoản vay này có đem lại hiệu quả hay không thì mọi người đã thấy rõ. Phải chăng bởi khái niệm vốn ODA là “của trời cho” nên phải tranh nhau “hưởng”, chia nhau ăn cho đáng của trời?

Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trước ngày thông xe từng được TO MỒM quảng bá là “con đường tạo cơ hội cho các tỉnh Trung Trung Bộ phát triển đột phá”, đột phá không thấy đâu chỉ thấy TÀN PHÁ. Chất lượng công trình đi kèm với sự an toàn của người cầm lái. Nhưng rất tiếc, tính mạng của hàng triệu tài xế lưu thông trên cao tốc không sánh với hàng chục chiếc biệt phủ sẽ mọc lên sau mỗi dự án triệu USD ở Việt Nam.

Trung Kiên 

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan