“Bộ trưởng bây giờ chỉ lo quản lý dự án chứ không lo quản lý nhà nước…vì dễ chia chác”

Tôi nhớ trong một kỳ họp Quốc hội khóa XI (2002-2008), cố ĐB Đỗ Nguyên Phương (Bộ trưởng Y tế từ 21/10/1995 – 12/8/2002) phê phán tại nghị trường: “Tôi thấy bộ trưởng bây giờ chỉ chăm lo QUẢN LÝ DỰ ÁN, không lo QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, vì quản lý Nhà nước sử dụng nguồn chi ngân sách thường xuyên ít ỏi , còn quản lý dự án có kinh phí vài trăm triệu USD nên dễ chia chác”.

Lát sau, đương kim Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến thanh minh rằng, bà cũng lo quản lý nhà nước, nhưng hệ thống hành chánh rườm rà thụ động. Rồi, bà trách tại sao ĐB Phương không phê phán khi ông còn đương chức?

Với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi tin ông Đỗ Nguyên Phương không tệ đến độ về hưu mới phê phán. Ông Phương và vị tiền nhiệm của ông là Nguyễn Trọng Nhân là hai GS.TS thực thụ, có uy tín cao trong ngành, nhưng không leo lên ghế Bộ trưởng qua 2 bậc thang hành chính (cục trưởng (hay giám đốc sở) – thứ trưởng), nên không biết rõ các nhóm lợi ích trong Bộ.

GS TS Nguyễn Trọng Nhân đang là Viện trưởng Viện mắt Trung ương (GS đầu ngành về mắt) đươc hai ông Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt chọn làm bộ trưởng vào tháng 10/1992, thì đầu năm 1993, ông cho thanh tra Vụ Quản lý Dược (tiền thân Cục QL dược) mới biết, từ năm 1992 trở về trước, Vụ QLD cấp số đăng ký “khống” cho 192 mặt hàng thuốc (không thông qua HĐ xét duyệt, hoặc không kiểm tra chất lượng tại VN, hay thuốc không có số đăng ký lưu hành tại nước sản xuất) tức là tỷ lệ “thuốc giả” được phép nhập vào VN chiếm tỷ lệ gần 13% (192/1.500 số đăng ký).

Bộ trưởng Nhân đình chỉ chức Vụ trưởng quản lý dược của DS Phan Văn Tín, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra, thì trưa ngày 5/3/1993, Vụ trưởng Tín đã treo cổ chết tại nhà riêng….

Sau khi DS Tín tự xử, Công an không khởi tố 2 vụ phó là DS Tạ Ngọc Dũng và DS Phan Xuân Lễ (tham gia cấp số đăng ký lưu hành cho 192 mặt hàng thuốc giả).

Hơn 2 năm sau, ngày 19/4/1995, Công an đình chỉ điều tra vu án, Bộ trưởng Nhân hối thúc Hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật DS Dũng và DS Lễ để răn đe, nhưng có “trát” ở trên (lời của ông Nhân) yêu cầu ngưng họp xét kỷ luật, nên bộ trưởng Nhân giơ tay đầu hàng tham nhũng, xin từ chức từ ngày 21/10/1995, khi làm bộ trưởng mới 3 năm!

Nhờ Bộ trưởng Nhân kiên quyết, nên DS Dũng và DS Lễ không được lên Vụ trưởng QLD và các thứ trưởng không lên quyền bộ trưởng, mà GS.TS Đỗ Nguyên Phương – đang là Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia HCM, được điều làm Bộ trưởng.

GSTS Đỗ Nguyên Phương xuất thân từ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, bỗng dưng đi học chinh trị ở Liên Xô, rồi về làm Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, giống GS.TS Nhân, ông không biết các nhóm lợi ích ở Bộ Y tế.

Gặp tôi trong giờ giải lao QH, GS Phương nói thật, các thứ trưởng phụ trách và các cục trưởng buông bỏ quản lý nhà nước như quản lý chất lượng: tiêm chủng, chống dịch, lây nhiễm, điều trị, phân tuyến, trang thiết bị, vệ sinh an toàn thực phẩm, y đức… mà chỉ lo quản lý dự án hàng trăm triệu USD do WHO, UNICEF tài trợ như dự án phòng chống HIV/AIDS… vì có ăn chia.

Nhớ lại, ngày 28/6/2006, ông Nguyễn Thiện Nhân đang phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM được cắt nhắc lên ghế Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ngồi trên 4 thứ trưởng của ông Nguyễn Minh Hiển để lại.

Tôi tin ông Nhân hoàn toàn không biết “quyền sinh sát trong mỗi lĩnh vực phụ trách” của 4 thứ trưởng, nên đưa ra phong trào: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”.

Cũng như Bộ Y tế, mỗi thứ trưởng của Bộ GD&ĐT và của Bộ GTVT nắm trong tay vài dự án, tổng đầu tư cả tỷ USD, nên họ chỉ chăm lo QUẢN LÝ DỰ ÁN, nay bị bắt “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích” tức là CÁCH MẠNG về QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẬN GỐC, thì chúng ăn được cái gì?

Trong khi một năm sau, ngày 2/8/2007, ông Nhân được QH phê chuẩn chức Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng GD&ĐT, ông lại tăng lên “5 không”: “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc “ngồi nhầm lớp và đào tạo không theo nhu cầu xã hội”.

Chỉ “một không” với tiêu cực trong thi cử đã đẩy tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 xuống 64,83%, so với năm 2006 là 93,78%. Quy định gắt gao, 63 bí thư tỉnh ủy phản đối, và kết quả tỷ lệ tốt nghiệp PTTH năm 2008 và 2009 tăng dần đều: 75,96%, 83,8%.

Cuộc CÁCH MẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC về GIÁO DỤC của ông Nhân sớm phá sản. Tất nhiên, công cuộc QUẢN LÝ DỰ ÁN tiếp tục LÊN NGÔI, nên học sinh lớp 1 phải mua 24 sách giáo khoa với giá gần triệu đồng như hiện nay.

Vừa rồi, nhiều người đòi bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH vì dịch cúm, nhưng Bộ GD kiên quyết thi dù kêt quả đạt đến 98,34%! Nếu xét đậu 100% thì đỡ tốn tiền bạc và công sức của 2 triệu người.

Tương tự, BV Bạch Mai chỉ lo quản lý dự án mua sắm thiết bị robot Rosa vì dễ nâng khống giá từ 7.6 tỉ lên 40 tỉ khiến cho bệnh nhân nghèo phải khốn khổ.

Ba Kiem Mai

Bài viết liên quan