Vì sao khủng bố và bất ổn ở Tây Nguyên?

Theo Ủy ban Dân tộc, tính đến năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 69,7% dân số. Đến năm 2004, dân số Tây Nguyên là 4.668.142 người, gồm 46 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm còn 25,3% dân số và trở thành thiểu số trên chính quê hương của mình.

Đến nay, ở Tây Nguyên có 54 dân tộc cùng chung sống với tổng dân số là 5,3 triệu người. Trong đó, người Kinh chiếm đa số khoảng 63,55%, các tộc người thiểu số chiếm 36,45%, trích báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN.

Nhà văn Nguyên Ngọc trong một cuộc phỏng vấn do tác giả Nguyễn Hồng Anh thực hiện hồi tháng 4/2023 nhận định:

“Trong gần 50 năm qua, từ sau 1975, do những tác động không thận trọng của ta mặc dầu đã được cảnh báo, Tây Nguyên đã thay đổi quá nhiều. Tôi đã có lần viết: Tây Nguyên đã vượt ngưỡng.

“Chẳng hạn về dân số, chỉ trong khoảng hơn 30 năm Tây Nguyên đã tăng gấp 5 lần, lại chủ yếu tăng cơ học, tức do đưa người từ nơi khác đến, khiến cơ cấu dân cư đảo lộn lớn. Hiện nay người Kinh ở Tây Nguyên đã chiếm 75 tới 80%. Những người ở nơi khác đến, theo chỗ tôi được biết, lại hầu như không được chuẩn bị chút gì về mặt tư tưởng, tâm lý, thái độ khi đến một vùng văn hóa hết sức đặc trưng như thế này.”

Vì sao khủng bố và bất ổn ở Tây Nguyên? Ảnh: Huỳnh Ái Như

Căng thẳng sắc tộc lâu nay đã dâng cao tại Tây Nguyên, nơi được coi là khu vực nhạy cảm đối với chính quyền Việt Nam. Từ lâu nay, nơi đây đã là điểm nóng, người dân bất mãn về một số vấn đề, trong đó có chuyện đất đai và quyền sử dụng đất.

Năm 2000, một phong trào vận động tôn giáo người Thượng — Tin Lành Dega —khởi phát ở Tây Nguyên, mong muốn tự do chính trị rộng rãi hơn, bảo vệ đất đai của tổ tiên. Với một số người, là quyền tự trị hoặc tự quản.

Chưa đầy một năm sau đó, những cuộc biểu tình chưa từng thấy nổ ra vào tháng 2/2001 ở khắp bốn tỉnh Tây Nguyên. Hàng ngàn người Thượng kêu gọi chính quyền trả lại đất đai của tổ tiên và quyền tự do tôn giáo của họ.

Vào tháng 4/2004, tổng cộng khoảng 10.000–30.000 người Thượng tham gia biểu tình tại Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông. Theo nhận định lúc bấy giờ, cuộc biểu tình này có quy mô và tổ chức hơn so với năm 2001.

Trong khoảng thời gian từ năm 2001 cho đến 2004, khủng hoảng tỵ nạn đã xảy ra khi có khoảng 2.000 người Thượng ở Tây Nguyên đã bỏ chạy đến Campuchia sau khi bị chính quyền đàn áp.

Chính phủ Việt Nam cáo buộc FULRO đứng sau, giật dây đưa người dân tộc thiểu số vượt biên sang Campuchia để lập các trại tị nạn, nhằm “chính trị và quốc tế hóa” vấn đề dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Việt Nam đã phát động những phong trào tuyên truyền mạnh mẽ, được quân đội và công an hỗ trợ, nhằm xóa bỏ Tin Lành Dega và ép tín đồ Cơ đốc người Thượng gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam – miền Nam, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch (HRW).

HRW cũng chỉ ra, các đơn vị “An ninh Tây Nguyên” chuyên trách (PA43) và lực lượng cảnh sát cơ động do trung ương chỉ huy được điều động tới Tây Nguyên để hỗ trợ công an cấp tỉnh và huyện truy bắt các nhà hoạt động người Thượng đang lẩn trốn.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc HRW khu vực châu Á nói với chúng tôi ngày 10/6:

“Các nỗ lực có chủ đích của Việt Nam nhằm cô lập và tách các khu vực cao nguyên này cùng với người dân sinh sống ở đó khỏi mọi sự tiếp xúc với cộng đồng quốc tế là một phần nguyên nhân dẫn đến những sự cố như thế này.

“Đằng sau tấm màn bí mật mà Việt Nam phủ lên vùng cao nguyên, chính phủ vi phạm một cách nghiêm trọng các quyền, khước từ tự do tôn giáo và tín ngưỡng, chiếm đoạt đất đai của các dân tộc bản địa, và cố gắng cưỡng ép đồng hóa vào văn hóa, ngôn ngữ và xã hội dân tộc Kinh vốn ở thế áp đảo. Dù Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không bao giờ tán thành bạo lực, nhưng dễ hiểu tại sao người dân địa phương tức giận với chính phủ Việt Nam và các chính sách đàn áp mà chính phủ này áp dụng,” ông Phil Robertson khẳng định.

Ông Robertson cũng khuyến nghị Việt Nam cần thay đổi chính sách đối với vùng cao để thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch, để người dân địa phương thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ và chấm dứt các hình thức chiếm đất đai, dồn cộng đồng bản địa vào chân tường.

Huỳnh Ái Như

DMCA.com Protection Status