Tô Lâm: ‘Làm một vụ án phải cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực’

Thanh Niên N – Về công tác phát hiện, điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đã có nhiều bước tiến mới, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội.

Sáng 22/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, tình hình an ninh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực được giữ vững; trật tự xã hội được đảm bảo.

Ông Lâm nói, Bộ Công an đăng ký chỉ tiêu mỗi năm giảm 5% tội phạm. Theo tổng hợp số liệu, năm 2022 giảm được 9,75% tội phạm. Đây là con số rất lớn, có ý nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: Lê Đình Nam / Thanh Niên N

Bộ trưởng Bộ Công an lấy ví dụ, qua theo dõi, nhiều tỉnh trên cả nước cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự. Làm thế nào để tăng cường vấn đề này lên, như vậy có nhiều ý nghĩa với cuộc sống người dân, thậm chí giảm được biên chế, giảm cán bộ, giảm được trại giam và nhiều nội dung khác.

Riêng về công tác phát hiện, điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã có nhiều bước tiến mới, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội.

“Việc này Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng mới đây đã họp và có kết luận, đánh giá. Tinh thần này phải được thể hiện trong báo cáo, được nêu rõ”, ông Tô Lâm đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Công an nói: “Điều tra các vụ án kinh tế là một vấn đề nổi bật cần báo cáo Thường vụ, báo cáo ra Quốc hội để thấy, một việc, một vụ án thôi mà cảnh tỉnh cả một lĩnh vực, cả một vùng. Yếu tố đó rất quan trọng mà trước đây có thể chúng ta làm chưa đến tầm mức độ như vậy.

Một vụ về chứng khoán mà điều chỉnh lại chính sách về chứng khoán, cách thức quản lý về chứng khoán, để thực sự là kênh huy động vốn của nhà nước, để tăng thêm nguồn lực xã hội và làm lành mạnh thị trường chứng khoán.

Một vụ án về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thôi, chúng ta phải suy nghĩ về kênh huy động vốn này để tạo nguồn lực cho xã hội, để lành mạnh, không để kẽ hở để tội phạm lợi dụng chính sách, có những hoạt động ảnh hưởng đến kinh tế”.

Ông Tô Lâm cho rằng, đó là những việc rất nổi bật trong công tác xử lý tội phạm, chấp hành quy định của pháp luật, cần thiết phải được nhấn mạnh trong báo cáo, đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Không cản trở hoạt động kinh tế – xã hội

Đánh giá về năm 2023, ông Tô Lâm cho biết, tình hình tội phạm dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn; đặt vấn đề phải phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm với áp lực rất lớn, nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cấp bách.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu, mục tiêu của Đảng, Nhà nước là xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương. Đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật cũng là để đạt được mục đích đó.

Ông Tô Lâm nêu 3 việc cần phải làm, một là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo đưa công tác phòng, chống tội phạm vào nề nếp. Cần thiết phải có đánh giá công tác này trong năm 2022, định hướng năm 2023 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế bảo vệ công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật. Thứ ba, phải đảm bảo kinh phí, các điều kiện cần thiết cho các hoạt động này.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác phòng chống tội phạm năm 2022 so với năm 2021 có tốt hơn không để báo cáo ra Quốc hội. Bản thân Bộ Công an đánh giá là tốt hơn những năm trước rất nhiều. “Những hoạt động đó có làm cản trở những hoạt động văn hoá xã hội, ảnh hưởng hoạt động của người dân không? Chúng tôi đánh giá là không cản trở mà còn phục vụ rất tốt cho phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội”, ông Lâm nói.

Lê Đình Nam