Sau Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức lễ “990 năm Danh Xưng có thể tốn hàng trăm tỷ đồng

Lễ 990 năm Danh Xưng Nghệ An dự kiến được tổ chức vào hôm 30/11.

Truyền thông nhà nước dẫn thông tin từ giới chức Nghệ An cho biết tỉnh này sẽ tổ chức chương trình lễ kỷ niệm “990 năm Danh xưng Nghệ An” tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) vào tối hôm 30/11.

Sự kiện được tổ chức để “phát huy giá trị truyền thống, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Nghệ An trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước”.

Nghệ An vừa chịu thiệt hại nặng sau đợt mưa lũ. (Ảnh: FB)

Các hoạt động chính trong chương trình gồm: Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử tỉnh Nghệ An – 990 năm hình thành và phát triển”; Triển lãm “Những dấu mốc lịch sử hình thành tỉnh Nghệ An trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới”; Triển lãm ảnh “Nghệ An hội nhập và phát triển”; Cuộc thi bút ký phóng sự 990 năm Đất và Người Nghệ An; Hội thảo “Nghệ An – 990 năm hình thành và phát triển”; Lễ kỷ niệm 990 năm và Đón Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn.

Đáng chú ý, sự kiện được tổ chức rầm rộ nhưng kinh phí không được giới chức tỉnh tiết lộ. Tuy nhiên, dư luận vẫn có thể đoán được bởi hồi năm 2018, số tiền dự chi cho sự kiện “990 năm Danh xưng Thanh Hóa” được tổ chức vào tháng 5/2019 lên đến 104 tỷ đồng.

Thời điểm đó, công luận đã có nhiều ý kiến phản đối bởi số tiền 104 tỷ đồng chi cho sự kiện “990 năm Danh xưng Thanh Hóa” là quá lớn, quá lãng phí, trong khi “người dân trong tỉnh còn nghèo, học sinh miền núi còn không đủ cơm để ăn, áo ấm để mặc thì danh xưng này kia để làm gì?”.

Tờ Nhân dân hồi năm 2018 từng viết: “Thanh Hóa cũng là một tỉnh từng chịu nhiều thiên tai và hàng năm vẫn phải xin cứu trợ từ Trung ương. Không phải nhà giàu, hẳn thế.

Người dân ở đây lao động vất vả, biển ngày càng ít cá, ruộng ngày càng ít hoa màu. Để người dân tự hào về danh xưng địa phương, lễ hội có lớn hơn sự chăm sóc dân hàng ngày hay không? Điều ấy tưởng không cần trả lời cũng rõ.

Nhưng cứ bận tâm về cái danh xưng, thì dù có bao nhiêu tiền đổ ra, cũng chẳng để người dân mở mày mở mặt, một khi chưa đủ ăn. Thế nên, đừng làm màu!”.

Trở lại tỉnh Nghệ An, báo chí trong nước thống kê cho biết tính đến hôm 1/11, mưa lũ xảy ra tại tỉnh này đã làm 5 người chết và 2 người mất tích; chỉ tính riêng ngành giáo dục đã thiệt hại hơn 15 tỷ đồng.

Có 14.511 nhà bị ngập, 4.447 gia đình phải di dời; 45 điểm trường bị ngập lụt; 885 ha lúa, 6.354 ha nuôi thủy sản, 9.215 ha ngô và rau màu các loại bị ngập, 132.992 con gia cầm, 457 con gia súc bị cuốn trôi; 51 km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng, 13 cầu, cống bị cuốn trôi hoặc hư hỏng.

Tỉnh Nghệ An vừa được cấp 50 tỷ đồng và 303,465 tấn gạo để cứu đói trong đợt mưa lũ.Theo giới chức tỉnh, số thu ngân sách trong 10 tháng năm 2020 là 13.077,71 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách là hơn 21.583 tỷ đồng.