Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân Asin

Từ việc chủ yếu dựa vào khai thác than, Quảng Ninh vươn lên trở thành địa phương giàu có nhờ du lịch, dịch vụ. Nhưng Covid-19 đã khiến Quảng Ninh “sực tỉnh” và nhận ra “gót chân Asin”. 

 

Từ “nâu” sang “xanh”, đổi thay trên vùng đất mỏ

Gần 10 năm về trước, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đương nhiệm vẫn còn là Chánh văn phòng Tỉnh ủy, giúp việc trực tiếp cho Bí thư Tỉnh ủy hồi đó là ông Phạm Minh Chính. Khi ông Chính phất lên ngọn cờ chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu sang xanh”, ông Ký cũng là cán bộ phát đi những tờ giấy mời đầu tiên để bàn về một chặng đường phát triển mới cho “vùng đất vàng đen” này.

Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân AsinBí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: Covid-19 khiến chúng tôi không thể không nghĩ đến điều gì đó khác để Quảng Ninh trụ vững hơn trước sóng gió. Ảnh: Phạm Công“Khi chúng tôi đưa giấy mời cho các nguyên lãnh đạo Thường vụ Tỉnh ủy trưởng thành từ ngành than, họ hỏi ‘các anh có làm sao không, sao phải làm thế này, trong khi từ bao đời nay, Quảng Ninh phát triển từ than và giờ vẫn là ngành chủ chốt”, ông Ký chậm rãi hồi tưởng.

Đáp lại những băn khoăn ấy, người đứng đầu Tỉnh ủy khi đó trả lời rằng: “Đúng, tất cả cái đó không sai. Nhưng nếu chỉ có như vậy thôi thì không thể phát triển được”.

Đó là câu chuyện mở đường cho sự phát triển du lịch dịch vụ của Quảng Ninh, vốn đã được đặt ra từ những năm 2000 và được hiện thực hóa mạnh mẽ nhất từ sau năm 2010.

Tháng 8/2011, ông Phạm Minh Chính được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ngày 24/5/2013, ông ký nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu sang xanh”.

Song, chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” không có nghĩa là dừng tất cả việc khai thác than để Quảng Ninh “sạch” hơn, dù rằng nếu bây giờ có một quyết định nào như thế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký thành thật nói rằng “sẽ ủng hộ ngay”. Thay vào đó, ngành than được định hướng để phát triển sạch hơn, xanh hơn, ít gây xung đột với các ngành kinh tế khác.

Đó là việc không phải làm trong một sớm một chiều. Đơn cử ở Cẩm Phả, cả thành phố có 300 nghìn ha thì 1/3 do ngành than quản lý. “Như thế thì phát triển sao được. Diện khai thác than phải thu hẹp lại. Khai thác than trên mặt đất phải giảm thiểu”, ông Ký nhấn mạnh.

Giờ đây, Quảng Ninh không có chuyện vận chuyển than bằng ô tô hay tàu phà như trước. Đồng thời, tỉnh đã đưa ra lộ trình giảm dần việc khai thác mỏ than lộ thiên, tăng khai thác hầm lò. Những nơi còn khai thác lộ thiên phải áp dụng công nghệ phun sương dập bụi, trồng cây che chắn để giảm bụi. Đặc biệt phải làm tốt công tác hoàn nguyên bãi thải mỏ cộng với việc phục hồi môi trường.

Có lãnh đạo cấp cao khi tới thăm và làm việc với Quảng Ninh mới đây đã nhắc lại 3 hình ảnh làm ông “nhớ mãi không quên” từ 10 năm về trước của vùng đất mỏ. Mùa mưa phùn tháng 2, nếu đi về Cửa Ông phải đi ủng, còn đi giày ngập hết đế giày. Thứ hai, không bao giờ nhìn thấy màu xanh của lá cây. Thứ ba, ra đường không bao giờ thấy người mặc áo trắng.

Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân AsinQuảng Ninh giờ đã chuyển mình, trở thành điểm đến lý tưởng. Ảnh: Phạm CôngCòn giờ, trở lại Quảng Ninh, vị lãnh đạo cấp cao tinh ý nhận ra 3 hình ảnh ấy đã không còn. Hầu hết các con đường Quảng Ninh đã sạch hơn, cây đã thấy màu xanh của lá, còn mọi người không còn ngại màu áo trắng.

Dù rằng, 10 năm là khoảng thời gian không dài, cũng chẳng ngắn, nhưng để cuộc chuyển đổi từ “nâu sang xanh” của Quảng Ninh thực sự triệt để, còn cần thêm thời gian. Cẩm Phả thủ phủ than vẫn có nơi có chỗ nhuộm màu của loại “vàng đen” này.

Thêm một lần “sực tỉnh”

10 năm đã qua, Quảng Ninh vẫn kiên trì đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Quảng Ninh bỗng giật mình nhìn lại.

 

Tham khảo thêm

Chiếc du thuyền 62 tỷ đồng của tập đoàn nọ nằm chỏng chơ ở cảng cả năm trời vì không có khách. Du lịch đóng băng. Tăng trưởng nguy cơ suy giảm.

Quảng Ninh bỗng nhận ra rằng 5 năm qua đã quá say sưa phát triển du lịch. Nhìn sang tỉnh bạn là Hải Phòng, 3 năm nay thành phố hoa phượng phát triển như vũ bão, thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, trong khi Quảng Ninh chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu USD.

Lúc này, những lãnh đạo của Quảng Ninh bắt đầu tìm lại những định hướng chiến lược về công nghiệp chế biến chế tạo được ông Phạm Minh Chính hoạch định khi còn là Bí thư Tỉnh ủy. Trong đó, nhấn mạnh năm 2012 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, sinh học…

Đó cũng là thời kỳ Quảng Ninh tiếp nhận nhiều dự án FDI lớn, trong đó dự án nhà máy Sản xuất sợi Texhong, vốn đầu tư 300 triệu USD là ví dụ. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư chỉ 24 giờ sau khi nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục có liên quan.

“Anh Phạm Minh Chính đã viết rất rõ các vấn đề liên quan đến phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh”, ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ. Ông cũng thẳng thắn thừa nhận: “5 năm vừa qua, Quảng Ninh không thêm được động lực tăng trưởng đáng kể nào từ công nghiệp chế biến chế tạo”.

Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân AsinCao tốc Hạ Long Vân Đồn nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm CôngĐó cũng là điều dễ hiểu. Khi “mạch máu” hạ tầng giao thông được thông suất, sức nóng du lịch Quảng Ninh cũng hừng hực hàng ngày. Nhìn đâu cũng thấy khách sạn, nhà hàng, du khách, những lãnh đạo Quảng Ninh nghĩ rằng dịch vụ có thể cáng đáng được hết.

“Covid-19 đã vít cổ mình xuống, cho Quảng Ninh ngã dúi dụi luôn”, ông Ký nói đầy hình ảnh, “Điều đó làm cho chúng tôi không thể không nghĩ đến điều gì đó khác để Quảng Ninh trụ vững hơn trước sóng gió”.

Trụ đỡ đó là công nghiệp chế biến chế tạo vốn được coi là “trái tim” của ngành công nghiệp. “Nếu có cái lõi 10-20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến chế tạo thì khi Covid-19 xảy ra, nhà máy vẫn còn đó, câu chuyện tăng trưởng vẫn được duy trì, cho dù FDI không làm giá trị gia tăng nhiều trên đất Việt Nam”, ông Ký bộc bạch.

Vì thế, Quảng Ninh phải xác định “đi bằng cả đôi chân”. Có nghĩa, phát triển dịch vụ nhưng cũng không quên nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo.

Không phải ngẫu nhiên, nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới chính là nghị quyết 01/NQ-TƯ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 ban hành ngày 16/11/2020.

Nhưng rút kinh nghiệm từ bài học của khai thác than, ông Nguyễn Xuân Ký cho biết: Quảng Ninh không thu hút các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dứt khoát phải là các dự án sử dụng đất tiết kiệm hiệu quả, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thu ngân sách nhiều. Bởi nếu thu hút đầu tư ‘bằng mọi giá’, tỉnh sẽ phải trả giá đắt.

“Đây là vùng đất vừa phát triển công nghiệp, lại có dịch vụ, nếu sơ suất tí thôi, hệ lụy môi trường rất khó lường”, ông Ký nhấn mạnh.

Lương Bằng

 

 

DMCA.com Protection Status