Ông Lê Phước Vũ và con đường dẫn dắt nhà thầu Trung Quốc về “giày mả tổ”

CISDI Group là công ty con của Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) – nhà thầu chính xây dựng tổ hợp Formosa Hà Tĩnh.

Ngay trong thời điểm được cho là “nhạy cảm” sau sự cố môi trường do nhà máy thép Formosa (Hà Tĩnh) gây ra và nỗi lo thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa thì ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen vẫn tự tin công bố kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen.

Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận được đưa vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án này theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỉ đô la Mỹ.

Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

Ngay sau khi thông tin dự án được công bố, trên các trang mạng xã hội đang xuất hiện thông tin rằng vào giữa năm 2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là Phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách.

Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế.

CISDI Group, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép… có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Tại Việt Nam, CISDI đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng lò cao số 1, lò cao số 2 – những hạng mục quan trọng trong dự án luyện thép – của Formosa Hà Tĩnh. Máy móc thiết bị, công nghệ của dự án này đều đến từ Trung Quốc. Trang web của CISDI Group cho biết công ty này là công ty con của Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) – nhà thầu chính xây dựng tổ hợp Formosa Hà Tĩnh cũng như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) hiện bị đình trệ.

Thông tin trên ngay lập tức không được ông Vũ thừa nhận. Theo ông Vũ, tất cả mới dừng lại ở khâu tìm hiểu dự án. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen vẫn lấp lửng rằng, có thể bây giờ nói chọn nhà thầu này nhưng sau này lại chọn nhà thầu khác thì sao.

“Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đang trong quá trình lựa chọn nhà tư vấn cũng như đang khảo sát dự án. Chúng tôi cũng chưa tiếp xúc với đơn vị tư vấn nào cũng như chưa ký kết với đối tác nào. Những thông tin trên mạng xã hội về dự án không phải là thông tin chính thức từ Hoa Sen và nhiều thông tin không chính xác.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có nhiều đối tác từ các nước khác nhau đến làm việc, khảo sát dự án. Mọi việc mới chỉ dừng lại khâu tìm hiểu dự án. Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến thuê chuyên gia môi trường đến từ công ty tư vấn của Mỹ, sau khi chuyên gia đưa ra những tiêu chí rõ ràng thì chúng tôi mới lựa chọn công nghệ và thiết bị.

Môi trường, công nghệ chưa chọn xong thì chưa nói lên điều gì. Chẳng hạn bây giờ tôi nói chọn nhà thầu Ý, Đức nhưng sau này chọn nhà thầu Pháp, Hàn Quốc thì sao. Ngày 6/9, tập đoàn tổ chức đại hội cổ đông để xin ý kiến về dự án này. Khi đó, mọi việc mới được quyết định cụ thể”, tờ Pháp luật thành phố HCM ngày 6/9, dẫn lời ông Vũ cho biết.

Xem sự cố Formosa là bài học?

Liên quan tới dự án trên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen – Lê Phước Vũ cũng đã đưa ra nhiều lời cam kết khẳng định vấn đề bảo vệ môi trường được đặt lên trên cả vấn đề chi phí đầu tư.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoa Sen Group Lê Phước Vũ cam kết: “Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển, nếu nhà máy của Hoa Sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước”.

Trong chương trình “Đối thoại chính sách” trên VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam mới đây, khi nói về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, ông Vũ tiếp tục nhấn mạnh:“Tôi nghĩ là chúng ta không thể nào xem nhẹ vấn đền môi trường, môi trường phải được đặt lên trên sự phát triển, đó là vấn đề chắc chắn. Nhưng không phải vì vấn đề môi trường mà chúng ta không phát triển, đó là hai khía cạnh rất rõ ràng. Khi chúng tôi đầu tư, như vậy là cơ hội rất lớn, với vấn đề công nghệ và thiết bị như hiện nay thì đều có thể giải quyết được vấn đề môi trường. Chúng tôi khẳng định sẽ làm dự án này với hết lương tâm, với hết trách nhiệm của chúng tôi. Làm sao để vẫn bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước”.

Ngày hôm nay (6/9) khi đối thoại với báo chí, ông Vũ cũng khẳng định xem sự cố môi trường của Formosa là bài học rất lớn khi cụ thể hóa dự án thép Cà Ná.”Trước mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và báo chí, tôi đã cam kết nếu dự án để xảy ra ô nhiễm môi trường, tôi sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước và đóng cửa nhà máy”.

Đồng thời vị lãnh đạo tập đoàn tiếp tục nhắc lại “cam kết không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển”.Tuy nhiên, ngay giữa tâm bão sự cố môi trường vừa xảy ra, những cam kết mạnh mẽ của Hoa Sen Group vẫn không thế xóa bỏ những hoài nghi trong dư luận, đặc biệt là giới chuyên gia.

Trả lời trên tờ Thesaigontimes, bà Phạm Chi Lan nói thẳng: “Tôi mong bản thân nhà đầu tư xem lại và Chính phủ cần cân nhắc kỹ về sự cần thiết của dự án thép này”, bà Lan nói.Vị chuyên gia đặt câu hỏi: “Dù là cam kết rất mạnh mẽ nhưng một khi thảm họa đã xảy ra rồi, như vụ Formosa, thì sự đền bù của nhà đầu tư có thể phục hồi được môi trường sống của chúng ta ở các vùng biển miền Trung hay không?”

Hơn nữa, theo tìm hiểu của bà Lan, trên thế giới, ngành thép đang dư thừa công suất, đáng chú ý là khu vực châu Á với sự khủng hoảng thừa công suất của Trung Quốc thì các nước của khu vực này, nhất là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, không nên tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép nữa.Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học khác cũng bày tỏ nỗi lo ngại về nguồn nước của Ninh Thuận khi đây là tỉnh thường xuyên chịu hạn hán khốc liệt, thậm chí từng phải công bố tình trạng hạn hán khẩn cấp.

Trong khi đó, nhu cầu nước để sản xuất từ 6 -12 triệu tấn thép của dự án phải cần tới 250.000 -300.000 m3 nước/ngày đêm.GS.TS Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên cao cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, người đã trực tiếp cùng đoàn khảo sát của các nhà khoa học đi thực địa tại biển miền Trung sau sự cố môi trường nghiêm trọng Formosa cũng cảnh báo, bài học nhãn tiền Formosa vẫn còn đó và đến nay hậu quả của nó vẫn chưa thể giải quyết hết, vì thế Ninh Thuận phải hết sức cân nhắc.

GS Tiến lo ngại, nước ở Ninh Thuận luôn thiếu, không biết tỉnh sẽ lấy nước ở đâu để cung cấp cho dự án thép có công suất lớn như Hoa Sen-Cà Ná (16 triệu tấn/năm). Chưa kể, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển, làm cá hấp và muối, nếu chất thải của nhà máy thép tràn ra biển và cánh đồng muối, cuộc sống của người dân cũng như môi trường sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Báo Đất Việt 

DMCA.com Protection Status