Kinh tế có tín hiệu phục hồi

Cách đây ít hôm, gia đình tôi tính tới nhà hàng nằm trong khuôn viên một trung tâm thương mại ăn trưa. Nhưng thật bất ngờ, một khu mua sắm rộng trên 220.000 m2, lớn nhất Hà Nội lại vô cùng tấp nập, đông đúc.

Chúng tôi ngỡ ngàng khi trước mắt là tầng hầm đỗ xe ô tô kín đặc, khu siêu thị, khu bán đồ ăn sẵn và cả khu vực nhà hàng dành cho thực khách cũng đều chật kín.

Nhìn vào khung cảnh đó, quả là khó tưởng tượng về thực tế các doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, ảm đạm. Dù lúc đó có chút phiền vì chúng tôi đành phải vào siêu thị để mua đồ về tự chế biến, từ đáy lòng tôi vẫn khấp khởi mừng thầm. Có lẽ, kinh tế đã khởi sắc hơn chăng?

Qua những số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê về kinh tế trong quý III và 9 tháng đầu năm, tôi nhận thấy, ít nhất có 5 tín hiệu khả quan:

Tín hiệu đầu tiên là xuất nhập khẩu tháng 9 ghi nhận tăng trưởng 3,6% sau 8 tháng tăng trưởng âm liên tiếp, trong đó xuất khẩu tăng 4,6%. Nhìn qua có vẻ thấp, nhưng để ý rằng xuất khẩu tháng 1 tăng trưởng âm 25,9%, tháng 4 âm 18,8%, tháng 3 âm 11,9%, tháng 6 âm 11,4% thì mới thấy tháng 9 tăng trưởng 4,6% là tín hiệu tốt như thế nào.

Tín hiệu thứ 2 là tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 0,5%, còn doanh nghiệp Việt tăng 17,9% (các năm trước đây doanh nghiệp FDI luôn tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp Việt).

Tín hiệu thứ 3 là du khách quốc tế. Riêng tháng 9, số du khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1 triệu lượt, nâng tổng du khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng là 8,9 triệu lượt, cao hơn kế hoạch đề ra từ đầu năm là 8 triệu lượt cho cả năm 2023.

Với đà này, số du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 có thể đạt 12 triệu lượt – tuy chỉ bằng 66,67% so với trước đại dịch Covid-19 (năm 2019), nhưng cá nhân tôi vẫn đánh giá, đây là tín hiệu tốt, bởi hiện tại du khách Trung Quốc (trước đại dịch chiếm 30% tổng số du khách quốc tế) vẫn chưa đi du lịch nước ngoài nhiều.

Một góc Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Tiến Tuấn)

Tín hiệu thứ tư là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang giảm tốc. Nếu như trong 9 tháng đầu năm, bình quân một tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì trong tháng 9 chỉ có 10.838 doanh nghiệp rút lui (4.124 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể).

Mặc dù 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm, nhưng bù lại có đến 165.200 doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Nghĩa là, số doanh nghiệp vẫn tăng thêm 30.100 (trong đó 116.300 doanh nghiệp thành lập mới, 48.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 13.200 doanh nghiệp chính thức giải thể, 46.100 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, 75.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn).

Một tín hiệu quan trọng khác là tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tuy mới chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020, 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng đã cho thấy xu hướng tích cực hơn, cải thiện đáng kể so với quý I là 3,28% và quý II là 4,05%. Mức tăng trưởng này dù không như kỳ vọng nhưng vẫn là mức cao trên thế giới và trong khu vực ASEAN.

Tất nhiên, ở các lĩnh vực như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, tỷ lệ thất nghiệp, mất việc làm, sức mua của người dân vẫn cần nhiều thời gian hơn để hồi phục, nhưng tôi cho rằng, 5 tín hiệu trên cũng là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Các bạn thì sao, sức khỏe nền kinh tế trong cảm nhận của các bạn thế nào?

Thu Trang