CEO Techcombank: Chúng tôi không hài lòng với tốt mà muốn xuất sắc và vượt trội

Ngày 24/4, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2021 (ĐHĐCĐ). Tại Đại hội, rất nhiều thông tin mới đã được HĐQT và ban lãnh đạo Ngân hàng công bố.

Đại hội đồng Cổ đông đã thông qua toàn bộ nghị quyết bao gồm Kế hoạch Kinh doanh năm 2021 trong chiến lược 2021- 20 25 với trọng tâm Dữ liệu – Số hóa – Nhân tài, nối tiếp thành công vượt trội mà Ngân hàng đã đạt được trong 5 năm qua.

Một năm chưa từng có với những kết quả ấn tượng

Đại dịch và hệ quả lên hệ thống y tế công cộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp, cán bộ nhân viên (CBNV), khách hàng, các cá nhân và cuộc sống của rất nhiều gia đình trong năm 2020. Gần như không có một quốc gia nào nằm ngoài ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên một số quốc gia đã kiểm soát tốt hơn và nhờ đó tạo được đà phục hồi nền kinh tế tốt hơn.

Trong bối cảnh đó, nhờ sự can thiệp sớm và quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng kinh tế dương (2,9%) năm 2020, dù đây vẫn là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Techcombank cũng đã đồng hành, hỗ trợ CBNV và hơn 3.200 khách hàng bị ảnh hưởng với gói hỗ trợ giá trị 41 nghìn tỷ đồng bao gồm tái cấu trúc nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất v.v.

Ông Jens Lottner – CEO Techcombank cho biết, năm 2020 là một năm khó khăn chưa có tiền lệ trên thế giới, nhưng đây cũng là năm chưa có tiền lệ khi Techcombank đạt được nhiều thành tựu. Năm 2021 là năm kết thúc chiến lược 5 năm đã đặt ra và cũng năm bản lề cho chiến lược 5 năm tiếp theo.

Cụ thể, năm 2020, Techcombank vẫn đạt những kết quả ấn tượng dù nền kinh tế đang có nhiều bất ổn khó lường trước do đại dịch COVID-19. Ngân hàng đã đạt 15,8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT) và 27 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 28,4% so với năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đứng đầu ngành ngân hàng, đạt mức 3,1% và 46,1%. Techcombank vẫn duy trì được vị thế vốn hàng đầu với tỷ lệ an toàn vốn đạt 16,1%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,5% (thấp nhất trong hệ thống) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện lên tới 171,0% vào thời điểm cuối năm 2020, khẳng định chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng của ngân hàng.

Trong năm 2020, Techcombank tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành, dùng hết hạn mức tín dụng mà NHNN giao cho Techcombank. Huy động cũng tăng mạnh, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang – Phó Chủ tịch HĐQT thứ nhất ngân hàng tại ĐHCĐ. Ảnh: Nguyễn Nhật Thành

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank cho biết, Techcombank duy trì chiến lược phát triển CASA rất mạnh, CASA thị trường chỉ 22% nhưng Techcombank lên tới 46%. “NIM chúng ta cao không phải nhờ lãi suất cho vay cao mà là nhờ chi phí vốn rẻ, CASA cao. Đó là lý do chúng ta không đi vào lĩnh vực rủi ro nhưng vẫn có lợi nhuận cao”, ông nói.

Chất lượng tài sản Techcombank được kiểm soát với nợ xấu thấp nhất trong ngành ngân hàng, chỉ ở mức 0,5%.

Mục tiêu lãi gần 20.000 tỷ đồng năm 2021

Năm 2021, ngân hàng đạt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12% đạt 356.199 tỷ đồng, hoặc cao hơn, trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn tăng 14,7% đạt 334.291 tỷ đồng hoặc cao hơn.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Techcombank là 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm ngoái.

Năm nay, Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động được lựa chọn (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 6 triệu cp.Giá bán cổ phiếu là 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Cụ thể, tại Đại hội, các cổ đông của Techcombank đồng thuận cao với kế hoạch giữ lại lợi nhuận để tiếp tục tạo đà tăng trưởng trong tương lai. ĐHĐCĐ đã thông qua Kế hoạch Kinh doanh 2021 với mục tiêu LNTT của ngân hàng đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020. Dư nợ tín dụng của ngân hàng được dự kiến đạt 356.199 tỷ đồng, tăng trưởng 12,0% so với 2020, hoặc cao hơn trong mức quy định cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tiền gửi của khách hàng được kì vọng đạt 334.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,7% hoặc cao hơn, phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế của Ngân hàng trong khuôn khổ Quản lý cân đối Tài sản có – Tài sản nợ (ALM) của Ngân hàng. Techcombank có kế hoạch kiểm soát nợ xấu dưới 2,0%, tiếp tục duy trì quản trị rủi ro chặt chẽ.

Techcombank cũng đã báo cáo cổ đông việc tăng vốn điều lệ lên 35.109 tỷ đồng, tăng thêm 0,17%, với kế hoạch phát hành 6,0 triệu cổ phiếu trong Chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động.

ĐHĐCĐ cũng nhất trí thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ Techcombank, quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) để phù hợp với Luật Chứng khoán Sửa đổi 2019 và việc triển khai phát hành cổ phiếu mới trong Chương trình lựa chọn phát hành, bán cổ phần cho người lao động như nêu trên.

Kế hoạch 5 năm 2021-2025

Trong ĐHĐCĐ năm 2021, Techcombank đã chia sẻ về chiến lược 5 năm cho giai đoạn 2021-2025 đồng thời cập nhật Tầm nhìn – Sứ mệnh mới của Ngân hàng. Theo đó tầm nhìn mới được đề ra là Chuyển đổi ngành tài chính, Nâng tầm giá trị sống, thúc đẩy mỗi người khai phá tiềm năng và bản lĩnh hành động cho những điều vượt trội. Ngân hàng cũng có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư nền tảng để tạo ra các mô hình kinh doanh phù hợp với tầm nhìn – sứ mệnh mới này. Techcombank sẽ tập trung vào các nguồn có thể tạo lợi nhuận lớn nhất như tiền gửi không kỳ hạn (CASA), cho vay mua nhà, chuỗi giá trị bất động sản và quản lý gia sản (gồm trái phiếu, quỹ đầu tư, Bảo Lộc, bảo hiểm, v.v.), đồng thời vẫn tiếp tục đa dạng hóa vào các lĩnh vực khác để tối ưu hóa lợi nhuận-rủi ro và cho phép Ngân hàng có thể tham gia vào những cơ hội mới.

Trong giai đoạn 2021-2025, Techcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng vốn hóa 20 tỷ đô với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI/TOI) đạt 30% và tỷ lệ CASA là 55%.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được thành lập năm 1993 khi Việt Nam vừa mới trải qua công cuộc Đổi Mới, chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường.

Với vị thế là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam, Techcombank cam kết tiếp tục tạo ra những giá trị vượt trội hơn cho khách hàng và các đối tác của ngân hàng. Khách hàng của Techcombank là những người ưa thích sự chủ động, và mong muốn đạt được thành công theo cách riêng của mình.

CEO Techcombank cho rằng vị thế của Techcombank đã thay đổi, tầm nhìn của ngân hàng cũng có những bước phát triển mới bởi khách hàng ngày nay cũng thay đổi. “Chúng tôi không hài lòng với tốt mà muốn xuất sắc và vượt trội”, CEO Techcombank khẳng định. Ngân hàng đề ra khát vọng hiệu quả kinh doanh đến năm 2025: vốn hoá đạt 20 tỷ USD, tỷ lệ CASA đạt 55%, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu đạt 20%.

Techcombank được xếp hạng tín dụng ở mức cao nhất trong số các ngân hàng ở Việt Nam với xếp hạng Ba3, triển vọng tích cực và là ngân hàng duy nhất chỉ bị hạn chế bởi mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ Moody’s và xếp hạng BB-, triển vọng tích cực từ S&P. Ngân hàng cũng được Euromoney trao giải Ngân hàng tốt nhât Việt Nam năm 2018 và được FinanceAsia vinh danh Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2020. Cổ phiếu TCB được niêm yến trên Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã giao dịch TCB.

Nguyễn Nhật Thành

DMCA.com Protection Status