Bộ trưởng Tô Lâm: “Nên đề xuất thí điểm đấu giá biển số xe trên toàn quốc”

Ủy ban Quốc phòng và an ninh của QH (QPAN) nhất trí với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết là thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay, Quốc hội (QH) đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Dự thảo Nghị quyết quy định thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương; đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô.

Bộ trưởng Tô Lâm tại buổi họp. Ảnh: Trần Quốc Hoàng

Đề xuất 2 mức giá khởi điểm

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Về nội dung cơ bản, dự thảo Nghị quyết được xây dựng dựa trên các chính sách nêu tại Nghị quyết số 97/NQ-CPngày 05/8/2022 của Chính phủ gồm.

Chính sách 1 về “biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen) trong kho biển số chưa được đăng ký”.

Chính sách 2 về “xác định giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số”.

Chính sách 3 về “đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá”.

Chính sách 4 về “quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe”.

Chính sách 5 về “Quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá”, trong đó quy định số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khu trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Trên cơ sở các giải pháp được lựa chọn tại mỗi chính sách, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị quyết với một số quy định riêng, khác với quy định của luật hiện hành áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ô tô trong thời gian 3 năm như sau.

Về biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, điều 3, Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định, quyền của người trúng đấu giá gồm được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng,thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình…

Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, vùng 1 (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Về sử dụng nguồn thu từ đấu giá, để cụ thể hóa giải pháp được lựa chọn tại Chính sách 5, dự thảo Nghị quyết quy định “số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Tuy nhiên, tại Thông báo 1484/TB-TTKQH ngày 26/9/2022, thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị của Chính phủ đã kết luận “các khoản thu từ đấu giá thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước trung ương hưởng 100% theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.

Bộ Công an đã tiếp thu và chỉnh sửa nội dung chính sách như sau: “Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước”.

Trần Quốc Hoàng