Tiền ảo “bạo phát bạo tàn” và thực trạng đáng báo động của nền kinh tế không dựa vào giá trị cốt lõi

General Motors và Ford là hai công ty đã từng có giá trị lên tới 56,4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Uber lần đầu lên sàn (IPO) đã đạt mức 80 tỉ USD. Uber “ngon” hơn cả 2 ông sản xuất xe kia ư? Không đâu!

Giả sử ta gọi tất cả các hãng xe Ford, General Motors hay Honda là Ford. Giả sử ta gọi tất cả các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, GoJek, Uber là Uber; thì Uber chỉ là hệ phái sinh của Ford.

Ford nắm sản xuất, nghĩa là nắm giá trị lõi đi từ 0 tới 1, từ cái không có đến có. Uber tăng trưởng giá trị của mình từ 1 đến n. Nhưng không có Ford thì Uber không tồn tại.

Apple dự tính làm xe công nghệ và Huyndai từ chối họ sau một cuộc chia phe bán/không bán. Ở cấp độ thấp hơn, tại Việt Nam, Mai.Linh taxi đã không bán cho G.rab dù hai bên đã gần như hoàn tất mọi thủ tục. Tôi đánh giá rất cao sự kiêu hãnh của nhà sản xuất xe Huyndai và đánh giá cao lòng tự tôn dân tộc của ông Hồ Huy với thương hiệu Mai.Linh.

Người Việt thích mua bán, muốn làm giàu nhanh. Phi thương bất phú mà! Nhưng cũng như mọi đám đông thích kinh doanh khác trên thế giới, nguyên lý bạo phát ắt bạo tàn đều đúng. Đế chế AirBNB đã lụi tàn rất nhanh sau vài tháng Covid là một ví dụ.

Những anh chàng mặc đồ sành điệu đang nói về bán hàng siêu lợi nhuận thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như cô gái. Đúng, nhưng đó là với các cô gái hay nhà đầu tư nào đó không thuộc về nhóm tri thức bậc cao. Cần biết vì sao thị trường chứng khoán nước Mỹ lại là phong vũ biểu tương đối chính xác của nền kinh tế thế giới? Vì SpaceC, Tesla, Microsoft, Apple,… Đang thực sự thống trị nền sản xuất bậc cao không chỉ của quốc gia họ mà còn cả thế giới. Hàm lượng tri thức trong các sản phẩm ấy luôn rất cao.

Trên bình diện giá trị, cứ so 1kg gạo thành phẩm Việt Nam giá bao nhiêu và bao nhiêu kg lúa thì đổi được một cái iPhone Mỹ; chúng ta sẽ biết mình ở đâu so với thế giới. Giả sử toàn thế giới sẽ dùng đồng tiền ảo, vậy thì quy đổi giá trị cho mọi cuộc giao dịch mua gạo thành phẩm Việt Nam và mua một iPhone Mỹ vừa ra thị trường cũng như nhau cả mà thôi.

Cuối tháng 5/2020, Chính phủ Singapore tuyên bố đối mặt nguy cơ suy thoái sâu nhất từ thời lập quốc.

“Nhà kinh tế Song Seng Wun tại CIMB Private Banking dự đoán Singapore sẽ cảm nhận toàn bộ sức nặng mà đại dịch mang lại trong quý 2-2020, với GDP có thể sụt giảm 15-20%.

“Singapore là một nền kinh tế nhỏ và mở, có thương mại lớn gấp 3 lần GDP. Các suy thoái mạnh đang phản ánh sự dễ tổn thương của quốc gia này trước tác nhân bên ngoài”, ông nói với AFP.” (trích Tuổi Trẻ)

Và Singapore thì rất yếu về sản xuất nếu nhìn vào địa chính trị, địa lịch sử của quốc đảo này.

Việt Nam đã chứng kiến cơn sốt khẩu trang ở đợt dịch đầu tiên chính phủ công bố vào 1/2/2020. Sau đó rất nhiều nhà đầu tư nhập máy sản xuất khẩu trang giá cao đến phi lý bất chấp họ không có kinh nghiệm sản xuất trong lĩnh vực này. Đến tháng 2/2021, những nhà đầu tư lướt sóng đã đóng xưởng, thanh lý máy (mà ít ai mua) cũng rất nhiều. Chỉ có Trung Quốc xuất khẩu thành công máy làm khẩu trang và vi lọc kém chất lượng sang Việt Nam (tất cả vi lọc đạt chuẩn thế giới thì chính quyền Trung Quốc hay Đức, Mỹ đều giữ lại).

Sự bội thực khẩu trang kém chất lượng (máy Tàu, vi lọc Tàu) là một nguy cơ khác khi đại dịch vẫn còn. Nhưng đừng trách ai khi chính tại Việt Nam, 3 bộ gồm Y tế Công thương và Công an vẫn để khẩu trang na na y tế (không in lên hộp là khẩu trang y tế-Medical Mask-là khẳng định có giấy phép của Bộ Y tế) được bày bán công khai tại nhà thuốc. Nó khiến những nhà sản xuất đúng quy định lao đao và nhân dân gặp nguy cơ bị lây dịch vì mua dùng đồ dỏm. (Trường hợp ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cả 2 đều đeo khẩu trang mà vẫn lây chẳng hạn).

Thực trạng sản xuất khẩu trang Việt Nam cũng na ná như sản xuất gạo thành phẩm. Thương hiệu có sản phẩm lúa gạo đạt chuẩn Organic USDA chưa kín hết các ngón tay. Và cứ so tiếp như với cách so giá gạo thành phẩm với giá iPhone, chúng ta sẽ thấy đồng Pi hay bất cứ đồng tiền ảo nào cũng không thể gánh vác tính ổn định kinh tế quốc gia này.

Tiền ảo vẫn đang được “đào”, được giao dịch và người viết không khẳng định nó tốt hay xấu khi không đủ dữ liệu. Nhưng một đám đông đầu tư đổ xô vào nó như từng đổ xô vào chứng khoán những năm trước 2008 là điều rất đáng suy nghĩ.

Cuối năm 2007, tôi viết dự báo chứng khoán sẽ đỏ sàn. Từ đồng nghiệp báo chí đến ban biên tập đều nói tôi điên. Khủng hoảng kinh tế 2008-2013 khiến chứng khoán xuống đáy thảm hại. Nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế ấy và cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, thấy có chung một quy luật: Quốc gia khủng hoảng nhất là quốc gia yếu kém sản xuất nhất. Doanh nghiệp phá sản nhanh nhất là doanh nghiệp ít liên quan sản xuất nhất (du lịch và thương mại chẳng hạn).

Và điều này sẽ còn phơi bày thêm cho đến hết 2024. Không có bất cứ đồng tiền ảo nào cứu vãn được thực trạng ấy!

Quốc Ấn Mai

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan