Những nhà ngoại giao Trung Quốc “mù tịt” về thế giới và sự thật về “ngoại giao chiến lang”

Các hãng truyền thông phương Tây hiện nay thường dùng cụm từ “ngoại giao chiến lang” để nói về chính sách ngoại giao cứng rắn và quyết liệt mới của Trung Quốc.

Cụm từ này được gọi theo tên bộ phim bom tấn “Chiến lang” của Trung Quốc ra mắt năm 2017, kể về các nhân vật chính chiến đấu với kẻ thù trong và ngoài nước để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.

Hồi tháng 3 vừa qua, tại phiên đối thoại cấp cao Mỹ-Trung Quốc ở Alaska, Bắc Kinh cũng thể hiện cho thế giới thấy rõ phong cách “ngoại giao chiến lang” bằng những phát ngôn rất cứng rắn của Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì.

Cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đạt bất kỳ kết quả đột phá nào mà chỉ gây chú ý với những màn khẩu chiến gay gắt.

Giới truyền thông Mỹ khi ấy thừa nhận, dù đã nghe nói nhiều nhưng giờ có lẽ các quan chức Mỹ thực sự thấy rõ chân tướng “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc. Tại Alaska, các nhà ngoại giao của Trung Quốc “tỏ ra mạnh mẽ, cứng rắn hơn so với bất kỳ cuộc họp công khai nào giữa hai bên”, đánh dấu thời điểm chính sách “ngoại giao chiến lang” trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong bài viết mới đây trên Bloomberg, tác giả Peter Martin cho rằng Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng trỗi dậy của một thế hệ các nhà ngoại giao mới, trẻ tuổi, tham vọng và hiếu thắng.

Tuy nhiên, theo nhà báo này, thực ra cách tiếp cận “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc đã tồn tại từ lâu. Trên thực tế, giới ngoại giao nước này vẫn đang hoạt động theo cùng một phong cách do cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thiết lập từ năm 1949.

Những nhà ngoại giao Trung Quốc mù tịt về thế giới và sự thật về ngoại giao chiến lang - Ảnh 1.
Ông Dương Khiết Trì (đeo kính) từng khiến dư luận Trung Quốc “dậy sóng” tháng 3/2021 bằng những phát ngôn gay gắt trong đối thoại cấp cao với Mỹ, do Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn đầu (Ảnh: Getty Images)

Cha đẻ của “ngoại giao chiến lang” Martin đã phỏng vấn hàng chục nhà ngoại giao và đọc hơn 100 tập hồi ký của các cựu quan chức để có thể đi đến kết luận: Chu Ân Lai là “cha đẻ” chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc.

Theo nhà báo này, sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập tháng 10/1949, ông Chu lúc đó đã từ chối sử dụng các nhà ngoại giao đào tẩu của Quốc dân đảng mà thay vào đó thành lập một Bộ Ngoại giao mới sử dụng các tiêu chí coi trọng giai cấp chính trị hơn cả.

Tiêu chuẩn tuyển dụng nhà ngoại giao của Thủ tướng Trung Quốc lúc đó chỉ đơn giản là nói được cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các học viên trong khóa tốt nghiệp đầu tiên của ông, các sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)… đều không biết gì nhiều về thế giới bên ngoài. Nhiều người thậm chí chưa bao giờ gặp người nước ngoài.

“Các nhà ngoại giao phải là người đưa ra đường lối của đảng về các vấn đề đối ngoại, nhưng họ lại dường như không có khả năng ứng biến,” nhà báo Martin nói và cho rằng, điều đó có nghĩa là trong các cuộc thảo luận quan trọng với các đối tác nước ngoài, họ hầu như không thể vận dụng năng lực ngoại giao. Các nhà ngoại giao Trung Quốc thời kỳ đầu dường như chỉ tự “biết mình mà không biết ta” – Martin nhận xét.

Những nhà ngoại giao Trung Quốc được điều đến Ottawa, Canada, vào năm 1970 còn nói rằng, tòa nhà trung tâm dưỡng lão đầy đủ tiện nghi và đẹp đẽ bên cạnh Đại sứ quán Trung Quốc thật ra “chỉ là một thủ đoạn đánh lừa họ của giới tư bản”.

Peter Martin khẳng định, thực tế chính sách ngoại giao dưới thời ông Chu Ân Lai vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, chẳng hạn như lôi kéo các nước với những hứa hẹn về tự do hóa, những món quà chứa đựng những mục đích đáng ngờ nhưng rồi không hề có ý định thực hiện.

Những nhà ngoại giao Trung Quốc mù tịt về thế giới và sự thật về ngoại giao chiến lang - Ảnh 2.
Từ trái sang: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Bí thư Thượng Hải Trương Xuân Kiều dự tiệc chia tay ông Nixon kết thúc chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 (Ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

“Ngoại giao chiến lang” thời hiện đạiChính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc ngày nay đã âm thầm len lỏi từ năm 2008 khi nước này đăng cai thành công Olympic Bắc Kinh, và thật sự nổi lên vào năm 2010 khi GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Dương Khiết Trì, vào năm 2010 là Ngoại trưởng Trung Quốc, đã có màn đối đầu căng thẳng với người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton tại hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội. Giới chuyên gia cho rằng, chính “cuộc đụng độ ngoại giao” căng thẳng này đã định hình hành vi của ông Dương tại cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ tại Alaska tháng 3 năm nay.

Ông Dương Khiết Trì – một trong những nhà ngoại giao được ông Chu Ân Lai chọn cho đi du học vào năm 1972 và hiện là quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc – đã luôn có những tuyên bố cứng rắn gây ấn tượng trong và ngoài Trung Quốc trong sự nghiệp ngoại giao của mình.

Nhưng bất kỳ chiến lược ngoại giao công khai nào đều nằm trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình và có được sự hậu thuẫn của ban lãnh đạo Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao trẻ hiện nay của Trung Quốc không “mù tịt” như xưa – tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận. Nhiều người tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá của phương Tây. Nhưng họ vẫn sẽ gặp rắc rối nếu đi lệch khỏi phương hướng của ban lãnh đạo, ngay cả khi họ biết rằng những hành vi quá khích đang gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu đối với Trung Quốc.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Từ khóa:
Bài viết liên quan