Nhựa Duy Tân “bán mình” cho đại gia Thái ngay trên sân nhà, vì đâu nên nổi?

Nhựa Duy Tân từng được xem là thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, được nhiều người dân trong nước tin dùng. Tuy có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bao bì thực phẩm, nhựa gia dụng nhưng nay bất ngờ doanh nghiệp này lại “bán mình” cho đại gia Thái ngay trên sân nhà, khiến giới kinh doanh vô cùng tò mò và đặt câu hỏi, liệu đằng sau thương vụ mua bán này có gì khuất tất?

Được biết, Nhựa Duy Tân được thành lập năm 1987, là doanh nghiệp dẫn dầu ngành nhựa đựợc sáng lập bởi doanh nhân người Hoa Trần Duy Hy. Doanh nghiệp này được đánh giá là một trong những công ty nhựa hàng đầu tại thị trường Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hơn 33 năm trong lãnh vực sản xuất bao bì mỹ phẩm, bao bì thực phẩm, nhựa gia dụng. Hiện Nhựa Duy Tân sản xuất 116.000 tấn sản phẩm mỗi năm cho cả phân khúc khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng lẫn hộ gia đình với 16.000 điểm bán. Ngoài ra, số lượng sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ và các nước của công ty chiếm tỷ trọng 20%.

Chân dung chủ tịch Trần Duy Hy của nhựa Duy Tân

Biên lãi doanh thu của Duy Tân cũng tăng trưởng đều đặn hàng năm với tốc độ 18%. Tương ứng lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng, mức biên bình quân đạt khoảng 20%. Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ baht), với tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng (6,5 tỷ baht). Vào tháng 11/2020 Nhựa Duy Tân đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.700 tỷ đồng. Không chỉ thế, thương hiệu này còn được Forbes Việt Nam xác định giá trị 20,4 triệu USD và là công ty dẫn đầu thị trường nhựa gia dụng với doanh thu đạt gần 5.000 tỉ đồng trong nằm 2019.

Mặc dù, Nhựa Duy Tân có tình hình tài chính khả quan, thế nhưng doanh nghiệp này lại bán 70% cổ phần cho Tập đoàn Thái Lan SCG. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần. Sau thương vụ trên, 30% cổ phần còn lại của Nhựa Duy Tân do các cổ đông hiện hữu nắm giữ. Ban lãnh đạo Nhựa Duy Tân sẽ tiếp tục hỗ trợ và điều hành công ty cùng với SCGP.

Theo tờ Bangkok Post cho biết, thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (tương đương 334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa. Còn ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành SCGP cho biết, công ty sẽ không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm. Nhiều người tự hỏi, vì sao Nhựa Duy Tân lại “bán mình” ở thời điểm này? Phải chăng Duy Tân không trụ nổi khi đại gia ngoại xâm chiếm thị trường hay còn điều gì khác?

Về phía SCG, đây không còn là cái tên xa lạ trên thương trường Việt. Thành lập từ năm 1992, SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng – vật liệu xây dựng. Trước đó, SCG thực hiện cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ được thực hiện trong gần thập kỷ qua như mua lại công ty gạch Prime Group, Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh hay Tổ hợp hóa dầu Long Sơn…

Thương vụ gây nhiều chú ý của tập đoàn này là vào tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%.

Gần đây nhất, SCG chi 2.070 tỷ đồng, tương đương 89 triệu USD, để sở hữu 94% vốn Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (SOVI), bất chấp doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SOVI năm 2020 đạt 1.700 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp sản xuất bao bì lâu đời, được thành lập năm 1968. Bên cạnh đó, dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn tại dự án này.

Từ những thương vụ sáp nhập trên cho ta thấy SCGP có dã tâm lớn trong thị trường sản phẩm bao bì nhựa. Nếu trong tương lai SCGP thống lĩnh thị trường về các sản phẩm bao bì nhựa ở Việt Nam thì sẽ như thế nào? Liệu thị trường bao bì có phụ thuộc vào đại gia Thái ngay trên sân nhà? Thiết nghĩ nên có chính sách phù hợp cho các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp Việt của các đại gia ngoại, nếu cứ thâu tóm ồ ạt như hiện nay thì tương lai sẽ bất ổn.

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan