Liên minh “ma quỷ” MIK Group – HBI: sân sau trục lợi, lừa đảo khách hàng của nhóm lợi ích VPBank Ngô Chí Dũng

Dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường bất động sản chưa lâu song cái tên HBI, MIK Group nhanh chóng tạo nên sự chú ý với việc liên tục tung ra hàng loạt dự án BĐS quy mô khủng trên cả nước, đánh vào phân khúc cao cấp nhưng dự án nào cũng bị khách hàng tố với loạt sai phạm nghiêm trọng. Bên cạnh câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, dấu hỏi về tiềm lực tài chính thực sự cũng như ai là người đứng sau hậu thuẫn cho doanh nghiệp này vẫn là sự bí ẩn với nhiều người.

*** Tập đoàn MIK Group Việt Nam được thành lập ngày 2/6/2014. Dù chỉ mới được thành lập, song doanh nghiệp này kết hợp với CTCP HBI đã và đang đồng thời triển khai một loạt dự án “khủng” có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng như Imperia Garden, Imperia Sky Garden, Valencia Garden tại Hà Nội; Imperia An Phú, The Ascott Waterfront Saigon, The Park Residence, Villa Park, Park Riverside, River Park tại TP Hồ Chí Minh. Đáng nói, cũng như phong cách làm ăn chụp giựt, chuyên bẫy khách hàng của FECredit – đứa con khác của VPBank, các sản phẩm của MIK Group dù nằm ở phân khúc cao cấp nhưng lại bị khách hàng tố cắt xét diện tích sử dụng, rút ruột vật tư, lừa đảo bán dự án thậm chí chỉ vừa được cấp phép, chưa xây móng…

Nguyên Chủ tịch HĐQT của MIK Group là ông Vũ Tiến Đức (trước khi ông Nguyễn Vĩnh Trân lên nắm quyền), chồng bà Nguyễn Quỳnh Anh – cựu Trưởng Ban kiểm soát của VPBank. Ông Đức từng nắm giữ 5,9 triệu cổ phiếu VPB và thoái hết vào tháng 9/2016. Bà Quỳnh Anh với ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank từng là nhân sự nòng cốt của Techcombank. Ông Đức cũng từng nắm giữ 9,6% vốn của MIK Group.

Ông Vũ Tiến Đức cũng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Trường Thịnh Phát (từng nắm 27,6% cổ phần MIK Group) được thành lập cuối năm 2012, vốn điều lệ 130 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Hưng, cổ đông từng nắm giữ 10,3% vốn điều lệ của MIK Group từng là người đại diện theo pháp luật cho Công ty CP Đầu tư Việt Hải – công ty do Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân làm Chủ tịch HĐQT và sở hữu 90% vốn điều lệ. Ngày 30/10/2020 vừa qua, vai trò giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Đầu tư Việt Hải được chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Minh Phượng (sinh năm 1981) – trùng hợp cũng chính là cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Hải Dương Giang Biên – doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của MIK Group.

Ông Vũ Đình Luyện (sinh năm 1963), một nhân vật quan trọng khác, từng nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT MIK Group, là Lãnh sự danh dự Ukraine tại TP. HCM cũng liên quan đến VPBank. Ngoài việc góp 246,4 tỷ đồng tương đương 12,3% vào MIK, ông Luyện hiện là người đại diện pháp luật Công ty CP Kinh doanh Quốc tế MIK – từng là cổ đông lớn của MIK Group với vốn góp 320 tỷ đồng, tương đương 16%. Ngoài ra, ông Luyện còn là người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Thổ – cổ đông lớn nhất của VPBank với hơn 86 triệu cổ phần (14,99%) trước khi thoái hết vào cuối tháng 12/2012.

*** CTCP HBI được thành lập mục đích để đầu tư dự án Khu chung cư cao cấp Imperia Garden tại lô đất số 203 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.620 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư góp 243 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.

CTCP HBI được thành lập tháng 2/2010 với 5 cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH MTV dệt 19/5 Hà Nội, CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, CTCP thiết bị công nghệ Bảo Minh, Công ty TNHH Đại Hoàng Long và Công ty tài chính cổ phần hóa chất Việt Nam. Vốn điều lệ ban đầu 110 tỷ đồng. Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh, tư vấn, môi gới đấu giá bất động sản…

Tháng 4/2013, công ty tăng vốn điều lệ lên 470 tỷ đồng. Đến tháng 12/2014, HBI tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 510 tỷ đồng như hiện nay. Cổ đông lớn nhất hiện nay là ông Nguyễn Trường Sơn, sở hữu 40% hiện ông Sơn đang là Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC), công ty TNHH Đầu tư phát triển Linh Sơn sở hữu 15%, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HBI (chủ đầu tư dự án Imperia Garden) sở hữu 6%.

Liên tục tung ra các dự án từ căn hộ cao cấp, biệt thự nhà phố cho đến du lịch nghỉ dưỡng quy mô, MIK Group và HBI khiến không ít người tò mò về năng lực thực sự cũng như khả năng có người phía sau hậu thuẫn.

Được biết, sau hơn 3 năm thành lập, số cổ đông của MIK Group đã tăng từ 2 lên 11 cổ đông, vốn điều lệ cũng tăng gần 7 lần, từ mức 300 tỷ lên 2.000 tỷ đồng.

*** Sự liên quan giữa MIK Group và VPBank cũng có thể nhìn nhận từ thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VPBank vào cuối tháng 9/2017. Theo đó, 3 cá nhân là Lê Việt Anh, Nguyễn Phương Hoa và Trần Ngọc Lan đã chi ra hơn 6.400 tỷ đồng để nắm giữ hơn 164,7 triệu cổ phiếu VPBank.

Theo tìm hiểu bà Trần Ngọc Lan – nhà đầu tư mua hơn 58,9 triệu cổ phần VPBank cuối tháng 9/2017 trùng tên với con gái ông Trần Ngọc Bê, anh rể Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng. Ông Bê và bà Lan đã từng sở hữu lần lượt 10% và 79,5% vốn điều lệ của MIK Group.

Nguyễn Trường Sơn.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Tân tổng giám đốc MIKGroup, từng là Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC). Ông cũng từng là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần HBI chuyên kinh doanh, môi giới bất động sản.

Ông Lê Việt Anh – người có tên trùng với nhà đầu tư mua 46,7 triệu cổ phần VPBank tháng 9/2017 – đã từng có thời gian công tác tại VPBank (2012 – 2014) và Techcombank (giai đoạn 2010 – 2012). Ông Việt Anh cũng là thành viên Ban kiểm soát Công ty CP HBI – chủ đầu tư Dự án Imperia Garden, sản phẩm bất động sản được phát triển bởi MIK Group.

Cá nhân đã mua hơn 59 triệu cổ phần VPBank tháng 9/2017 – bà Nguyễn Phương Hoa – trùng tên với vợ Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank Nguyễn Cảnh Sơn. Ông Sơn và Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng từng đứng trong HĐQT Techcombank và từng lập ra Công ty Chứng khoán Eurocapital năm 2008.

Ngoài ra, trong số các cổ đông là pháp nhân, có một vài doanh nghiệp có mối liên hệ gián tiếp với VPBank. Điển hình như ông Nguyễn Trường Sơn là Tổng Giám đốc MIK Group, là cổ đông lớn nhất, là thành viên HĐQT và nắm 40% cổ phần Công ty CP HBI, đơn vị hợp tác với MIK Group phát triển dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng bị khách hàng tố cắt xén diện tích, rút ruột dự án. Ông Sơn đồng thời đang là Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng – VPBank. Trước đó, ông làm việc tại Công ty CP Đầu tư Liên Minh, đơn vị do ông Ngô Chí Dũng- Chủ tịch HĐQT VPBank làm chủ tịch HĐQT.

Bằng việc sở hữu chéo, cùng mối quan hệ khăng khít, ràng buộc, mà đầu mối cuối cùng chính là Ngân hàng VPBank. Vì thế, không khó hiểu khi VPBank chính là tổ chức tín dụng gần như duy nhất tài trợ cho hầu hết các dự án của MIK Group. Như vậy, với việc thành lập sân sau BĐS MIK Group và HBI, nhóm lợi ích VPBank dễ dàng thâu tóm các khu đất vàng tại các tỉnh, thành phố lớn rồi lập dự án bán cho khách hàng với giá trên trời mà chất lượng dưới đất, lấy danh nghĩa của VPBank để lừa gạt niềm tin và tiền của khách hàng để trục lợi.

Ai đứng sau ngân hàng VPBank?

Ngắn gọn thế này, với dự án A, HBI sẽ làm chủ đầu tư, kết hợp phát triển cùng MIK Group. Tiền ở đâu ra? Tiền được rút từ VPBank khi các khách hàng tin tưởng dự án do Ngân hàng này làm bảo lãnh, và trở thành con nợ của VPBank thông qua hợp đồng cọc mua nhà và hợp đồng tín dụng thế chấp tài sản. HBI và MIK Group phát triển dự án mà chẳng cần bỏ ra một xu, bán căn hộ lại đẻ ra một đống tiền lãi chia chác nhau. Còn khách hàng lại chính là người è ra trả gốc và lãi cho VPBank, vậy là lại trở thành con nợ, nhận về sản phẩm nhà kém chất lượng, cắt xén đủ điều mà chỉ biết ngậm bồ hòn chấp nhận. Đó là chưa kể, liên minh đen này còn trắng trợn ăn chặn cả 100 tỷ đồng tiền bảo lãnh ngân hàng mà đáng lẽ phải đóng cho VPBank. Nghĩa là, việc các dự án của liên minh dù được rầm rộ quảng cáo là được VP Bank bảo lãnh, lấy niềm tin của khách hàng nhưng nếu dự án vì một lý do nào đó mà dừng thi công, chậm tiến độ thì khách hàng là bên chịu hoàn toàn thiệt hại, VPBank không có trách nhiệm bồi thường một xu.

Quy định của pháp luật đó là Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015): “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết”.

Tuy nhiên, điểm chung của các dự án mà Công ty Cổ phần HBI và MIK Group cung cấp chỉ là lời nói suông, không có bất kì chứng thư (hợp đồng) bảo lãnh nào cho khách hàng, liên minh này cũng “quỵt” luôn hàng trăm tỷ đồng tiền bảo lãnh mà đáng ra phải đóng cho VPBank – bất chấp nội dung Hợp đồng đã kí kết và các khách hàng đã đóng tiền gần hết giá trị căn hộ.

Một điều khiến các khách hàng bức xúc nữa là Công ty Cổ phần HBI đã “ép” khách hàng phải kí biên bản thanh lý hợp đồng mới cấp sổ đỏ. Nội dung của biên bản thanh lý có điều khoản “Khách hàng xác nhận rằng Công ty Cổ phần HBI đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bàn giao căn hộ và các tài liệu liên quan. Từng bên sẽ không có bất kì khiếu kiện, khiếu nại nào đối với bất kì nghĩa vụ của bên còn lại”.

Nói một cách dễ hiểu, Công ty Cổ phần HBI muốn dùng sổ đỏ để “ép” các khách hàng phải nhận bàn giao căn hộ, trong khi theo phản ánh, các căn hộ tại dự án Imperia Garden vẫn còn vô số vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm.

Chẳng hạn như việc lắp đặt chuông hình (chuông cửa có kèm camera) tại các căn hộ. Theo phụ lục II của hợp đồng, chủ đầu tư phải lắp chuông hình nhưng đơn vị này đã không thực hiện, thay vào đó chỉ khoan một lỗ nhỏ trên cửa để thay cho camera.

Hoặc như các tiện ích dịch vụ bị chủ đầu tư cắt xén một cách không thương tiếc, trái ngược với nội dung quảng cáo như: khu gym, spa, xông hơi, phòng tập yoga, aerobic bị ghép lại thành một khu với diện tích vỏn vẹn 300m2; khu vui chơi trong nhà duy nhất cho trẻ em của 1.600 hộ cũng chỉ có diện tích 50m2!

Các khách hàng cho rằng những thay đổi, đánh tráo này của chủ đầu tư HBI đã vi phạm Luật Quảng cáo khi thông tin sai sự thật, “đánh lừa” người mua nhà.

Có thể thấy, liên minh ma quỷ MIK Group – HBI được nhóm lợi ích VPBank của ông Ngô Chí Dũng lập ra để lừa đảo tiền của người dân, chuyển tiền từ nền kinh tế sang túi riêng với những thủ đoạn tinh vi. Game bài này dù kết quả thế nào thì khách hàng cũng là người chịu thiệt hại duy nhất, liên minh lấy nguồn lực của ngân hàng VPBank hòng “tay không bắt giặc” làm dự án rồi đút túi tiền lãi, mọi rủi ro đều dồn lên ngân hàng và phía khách hàng gánh chịu. Từ đầu đến cuối chủ đầu tư HBI và MIK Group chẳng thiệt hại đồng nào. Đối với những con bạch tuộc hút máu này, phải chăng đã đến lúc các nhà điều tra bắt tay làm rõ, vạch trần thủ đoạn của nhóm lợi ích mang hơi hướng mafia, đảm bảo an ninh kinh tế và lợi ích thiết thực của người dân.

Minh Anh

DMCA.com Protection Status
Bài viết liên quan